Thăm thẳm đêm

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bao năm dạy học, trăn trở khi nếp làng, nếp quê cứ vơi nhạt dần, thầy Hoàng đau đáu nghĩ và viết. Bài học khổ đau vì giàu xổi đã diễn ra ở nhiều nơi nhưng đâu phải ai cũng biết để tránh rơi vào bả tham vọng. Thầy đau nỗi đau nhân thế...
Thăm thẳm đêm
Ảnh minh họa

Về làng mà chơi với trăng sao. Bao lần tôi nghe các ông bạn ở phố khao khát có quê ở nông thôn để về thưởng thức. Họ giàu nhưng thiệt thòi vì quê họ là nơi chồng chất nhà cao tầng. Tôi có quê và năng về. Bạn tôi bảo, tôi không cô đơn như người thiếu quê hương.

* * *

Thầy Hoàng gọi tôi sang bên làng thầy chơi. Bao nhiêu năm ngôi nhà một màu thân quen. Hoa sáng đời hoa, cây tốt đời mình. Ngôi nhà cổ phủ màu ký ức, bình dị với rất nhiều sách, hằn in biết bao tình cảm của lứa tuổi học trò. Nơi ấy, chính thầy đã động viên chúng tôi học hành khi mối lo cơm áo, gạo tiền ngày xưa ghì gia đình chúng tôi sát đất. Thầy dong dỏng cao, mặt hiền, nụ cười tươi ấm, giọng đĩnh đạc. Tài năng đức độ và con người, thầy được trời phú cho cả.

- Cậu nhiều nhà trong một, đừng mải công việc mà quên tôi nhé. Rảnh thì cứ sang đây, chúng ta trò chuyện. Xưa tôi là thầy cậu, giờ cậu là thầy tôi. Chúng ta giống nhau cả mà.

Cách nói dí dỏm nhưng đầy nhân hậu của thầy Hoàng chúng tôi đã được lĩnh nhận từ xưa. Thầy có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách văn chương của tôi, cũng như những bức tranh về làng quê sau này tôi vẽ.

Pha trà xong, thầy cầm bản thảo cuốn “Yêu thiên nhiên, làm người tốt” khoe:

- Ở nhà có thời gian thì viết linh tinh. Mà cậu ạ, mấy năm nay quê mình thay đổi khủng khiếp. Cả vùng có đạo lẫn vùng đời. Từ anh nông dân cả đời chỉ biết cấy cày, chị nhặt rác, bà ăn xin, em thiếu nhi cũng thay đổi cách nghĩ. Cứ nhìn đám thanh niên có vẻ nhấp nhính rửng mỡ thì hiểu hơn cả. Các cậu ấy cứ như trọc phú. Khổ! Giàu xổi một tí thôi, có hơn ai đâu.

Thầy muốn qua cuốn “Yêu thiên nhiên, làm người tốt” để nói về những thay đổi đó. Thầy nhờ tôi đọc qua và góp ý. Kể cả việc sửa tên sách.

- Theo em thì thầy nên đổi tên. Nó cần khái quái và “kêu” hơn, oách hơn. Tên như vậy lành quá.

- Lành như người chậm tiến, mãi không ngẩng đầu lên được phải không?

Tôi khựng lại. Chậu hoa nhài trắng tinh khiết đang khoe mình tỏa hương. Thầy không định nói về mình và dụng ý chung chung người dân mấy ngôi làng vùng này. Khi đồng tiền và cái mã bên ngoài được xem trọng thì không ai khác, chính người dân nếm thiệt thòi. thiệt thòi như bao năm về trước họ sống trong cảnh lạc hậu, bần tiền. Bây giờ bán đất đai có ít tiền, tưởng phát triển văn minh hơn, hóa ra đồng tiền không là phẳng được tư duy tiểu nông. Ở một vài ngõ ngách của thói đua đòi đã trổ ra những vòi rồng a dua trọc phú. Vài ông bố, bà mẹ bắt đầu sám hối vì thiếu năng lực giáo dục con, để chúng trượt dài trong đua đòi.

Bao năm dạy học, trăn trở khi nếp làng, nếp quê cứ vơi nhạt dần, thầy Hoàng đau đáu nghĩ và viết. Bài học khổ đau vì giàu xổi đã diễn ra ở nhiều nơi nhưng đâu phải ai cũng biết để tránh rơi vào bả tham vọng. Thầy đau nỗi đau nhân thế.

Xã gom đất bán với mục tiêu kiến thiết nông thôn. Không cần biết đúng hay trái thẩm quyền nhưng thầy xót bởi suy cho cùng, đó vẫn là cách xẻo miếng da ở ch‌ּỗ kí‌ּn để cấy lên gương mặt. Tôi xót. Không biết những người khác có nhói lòng khi một cây cổ thụ bị đốn hạ, cổng làng cổ kính bị đập đi xây lại với vóc hình thớ lợ, kệch cỡm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cũng là học trò cũ của thầy Hoàng. Vài lần thầy góp ý về chuyện lấp giếng, phá bỏ cổng làng Đại Nam và xây lại chẳng ăn nhập nếp làng. Chủ tịch xã chỉ vâng dạ để đấy.

- Anh Hảo ạ, lạ kỳ lắm. Mấy ngày nay tôi toàn mơ thấy linh hồn về chất vấn tôi. Mà không phải linh hồn người, là linh hồn giếng làng, linh hồn cổng và cây gạo cổ thụ đã bị đốn hạ để mở rộng đường. Các linh hồn đều mang theo hình bóng của những thực thể ấy, hiển hiện trước mắt tôi. Vừa rõ ràng vừa mờ nhòe, vừa đáng xót thương yếu mềm lại có phần vững chãi. Toàn những câu hỏi làm tôi cứng đơ miệng không thể trả lời. Vì những điều đó vượt khỏi tầm của tôi, của chúng ta. Những cái tưởng nhỏ mà vĩ mô. Những cái mất trắng có vẻ ít ỏi nhưng thật ra rất lớn. Linh hồn của những thực thể đó khiến tôi nhiều đêm mất ngủ. Khi không ngủ, tôi lại đối diện với làng.

Thầy Hoàng chiêu ngụm trà, giọng nghẹn đặc. Tôi biết thầy đang bị chìm vào nỗi đau mà nhiều người đang ngơ đi. Thầy muốn bớt căng thẳng nên dẫn tôi ra vườn nói chuyện hoa phù dung. Loài hoa ám ảnh chu‌yện tìn‌h buồn. Em ngắn ngủi một đời tang tóc. Ở kiếp trần tiên nữ đã phôi thai. Tôi ấn tượng cách chơi hoa của thầy và mỗi góc vườn một dòng. Cuối chiều tôi cầm bản thảo về đọc, đeo nặng một nỗi muộn phiền.

* * *

Ngày tôi rời làng ra phố học, những thực thể, di tích của làng tôi và bên làng thầy Hoàng còn khá nguyên vẹn. Vài năm sau, mỗi lần về là mỗi lần tôi thấy thiếu một cái gì đó. Nó cứ vơi đi, từng ít một, rất khó nhận ra hình hài, nhưng là một sự mất. Tôi chỉ biết sang tâm sự với thầy. Sau này về hưu, thầy vẫn rèn người, truyền lan tình yêu văn chương, thiên nhiên. Thầy phụ đạo miễn phí cho học sinh hàng xóm nếu họ nhờ, với thái độ ân cần, nhẹ nhàng như mấy chục năm công tác. Thầy viết sách để truyền lại tư tưởng giáo dục, dạy và học, đức hy sinh cũng như lòng tri ân tổ tiên, tình yêu quê hương. Giờ tôi thành gã trải đời, thầy vẫn một niềm như xưa. Đọc bản thảo của thầy, tôi đọng lại nhiều thứ. Tôi hiểu thầy đang hóa thân thành làng và mỗi khoảng vùng nào đó mất đi, một di tích bị xâ‌ּm hạ‌ּi là c‌ơ th‌ể thầy như bị xẻo. Thầy luôn tra vấn mình bởi những di tích đã tra vấn thầy. Tất thảy dồn ứ, tạo nên những dòng chữ xô đuổi nhau để đến một cái kết đau xót dưới mỗi bài viết.

Đêm. Tôi vừa gấp lại bản thảo của thầy Hoàng thì một làn gió rờn rợn tràn vào phòng. Rồi có tiếng u u minh minh. Tôi chợt nghe trong gió tiếng thì thào, một cái bóng không rõ hình hài xuất hiện:

- Tôi là giếng xóm Cũ, nơi xưa thơ bé anh vẫn lấy nước, thời thanh xuân của các anh đã hát hò dưới những đêm trăng bên sân giếng. Tôi sống đến gần một trăm năm và phục vụ, nơi xưa cả vùng là một làng chứ không tách thành hai ba như giờ. Thế rồi tôi vẫn chết. Chết nhưng linh hồn chẳng siêu thoát mà ở làng cũng chẳng còn nơi trú ngụ. Loài người các anh thật ác độc!

- Không phải loài người ai cũng ác độc - Tôi nói - Thật ra cũng chẳng trách được. Cuộc sống mà. Con người ăn ngày càng nhiều và ngày càng sinh sôi. Còn đất chỉ nhồi thêm công trình, người và xác người. Đất đai không biết đẻ, nhưng đất đai cũng chết, nên đất đai chịu áp lực.

- Này nhé, anh đừng bênh con người. Con người có thể quy hoạch cuộc sống và đất đai. Trời ban cho con người những khả năng mà chính họ không biết hoặc cố tình không biết. Con người các anh được hưởng đủ thứ từ đất đai, từ những vẻ đẹp mà loài chúng tôi mang lại. Các anh áp đặt thói hợm hĩnh lên đất đai và cả những giá trị tồn tại đang làm đẹp cho con người. Đúng là những kẻ ra vẻ biết chữ, nhưng ngay cả quả tim mình cũng không biết quy hoạch. Các anh có cần nhắc lại cấu tạo quả tim không? Tim bốn ngăn, các khoang phía trên được gọi là tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải và các khoang dưới được gọi là tâm thất trái và tâm thất phải. Những tưởng trong đó là nguồn máu nóng, nhưng người ta đã nhồi đầy sự ích kỷ vào cả bốn ngăn. Rồi khi bơm vào mạng lưới mạch máu, sự ích kỷ đã biến thành dã tâm giết chóc và phủ nhận mọi thứ.

Khi hồn giếng xóm Cũ còn đang nói thì hồn cây gạo lao vào. Tôi thấy những vạt lá ít ỏi lòa xòa không đủ che những cái cành xám đen khẳng khiu thô mộc.

- Tôi cũng bất bình đây. Đang ở vị trí đẹp, ảnh hưởng gì đến đường đi lối lại mà bị đốn hạ? Ừ thì mở rộng đường, sao các anh không nắn đi một chút, cũng chả ảnh hưởng gì, mà vẫn có một chứng nhân của thời gian được tồn tại. Con người các anh vênh váo sĩ diện. Các anh cho mình quyền uy định đoạt những số phận ẩn tàng, vốn đã chịu lùi về đứng sau cái hợm hĩnh của kinh tế và đồng tiền.

Đầu óc tôi choáng váng. Thầy Hoàng từng than phiền bị tra vấn và miệng cứng đơ, nhưng không nghĩ sự việc ấy lại nặng nề thế này. Tôi lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì hồn cổng ùa vào.

- Tôi là cổng mới xây chứ không phải cổng cũ. Tôi không siêu thoát là vì quả tim cũ vẫn được giữ lại để làm nên cái cổng lòe loẹt như hôm nay. Chẳng khác kẻ mặc com-lê nhưng vận quần đùi. Cổng làng mới nhưng đã chết từ lúc lên ý tưởng. Anh không biết đâu, chúng tôi đứng đây vì chúng tôi không biết hỏi ai cả.

- Sao không đi tìm người có chức trách, quyền năng? - Tôi hỏi.

- Họ ở xa lắm nhưng cũng ở gần đây thôi. Ý anh định nói là chính quyền xã chứ gì. Nói với họ khác nào “đàn gảy tai trâu”.

- Nhưng tìm tôi và thầy Hoàng cũng sai địa chỉ. Chúng tôi không thể thay đổi sự thật.

Hồn cổng nhìn vào bản thảo của thầy Hoàng. Một cơn gió thổi lại làm nó lòe xòe lật trang. Tôi hiểu ý hồn cổng. Nhưng với những gì trải qua suốt hàng chục năm tìm hiểu, tôi thấy sách vở cũng bị xem nhẹ trong dòng chảy ồn ào này. Và biết đâu, hồn sách lại sắp tìm tôi để hỏi han.

Tôi hơi cúi đầu và thốt lên dõng dạc những lời gần như sám hối thay, rằng cộng đồng chúng tôi đang ù lì chậm tiến, ngay cả những thứ quý giá ở bên mình cũng không biết quý trọng. Rồi chính cộng đồng chúng tôi sẽ phải trả giá. Tôi ngẩng đầu lên thì không thấy thứ gì ở trong phòng nữa. U tịch tràn vào. Bóng đêm tràn vào. Bên ngoài chỉ còn gió đuổi nhau. Gió mơn man bóng đêm.

* * *

Không thể không đến tìm thầy Hoàng. Lúc tôi sang thầy vẫn ngồi uống trà bên hoa nhài nhưng người gầy rộc đi. Thầy bảo đêm qua các thực thể về truy hỏi. Tại sao thế này, tại sao thế kia? Cả tôi và thầy không lý giải được vì sao những người như chúng tôi luôn phải đối mặt với những câu hỏi. Ai ở các xóm làng này cùng cảnh huống, tôi không rõ. Nhưng điều reo bất an trong tôi. Thầy Hoàng bảo, để không còn sự tra vấn chỉ còn cách những thực thể làng sống lại. Song đó là điều không thể và chúng tôi sẽ mãi chịu ám ảnh.

Tôi vẽ tặng thầy Hoàng hai bức tranh trong một niềm xúc động vô bờ bến, một về cổng làng với bóng cây gạo xa xa. Một vẽ giếng làng với hai thiếu nữ duyên dáng, e lệ đứng là duyên. Từ hôm thầy nhận hai bức tranh tôi tặng, thầy không gặp những chuyện lạ nữa. Còn tôi vẫn ám ảnh với rất nhiều suy nghĩ mờ mờ, ảo ảo.

Cùng tháng đó, vào đêm trăng rằm các thực thể lại đến tìm tôi trong mơ.

Hồn giếng bảo: “Hãy viết vẽ về chúng tôi nhiều hơn”. Hồn cây gạo bảo: “Chúng tôi muốn xanh trở lại”. Còn hồn cổng lại “xin chết” để cái cũ sống lại. Tôi không biết đáp ứng bên nào trước. Khi chuông điện thoại reo, tôi tỉnh dậ‌y th‌ì chẳng thấy sự gì. Tôi vội ngược về thành phố để thực thi nhiệm vụ, trong túi vẫn mang theo bản thảo của thầy Hoàng.

Tháng sau tôi về làng đưa tang thầy Hoàng. Thầy ra đi đột ngột. Vợ thầy đưa cho tôi mảnh giấy và một ít tiền. Thầy Hoàng nhắn: “Hãy xuất bản cuốn sách giúp tôi. Đó là cách tôi trả lời những thực thể làng”. Cầm mảnh giấy, nước mắt tôi không ngừng tuôn. Thầy yên tâm ạ. Trong sách thầy trổ ra những tinh hoa ngôn ngữ và tình cảm thấm đượm với làng, cùng khát khao gây dựng một miền quê an bình. Từ ngày xưa và ngày nay vẫn vậy. Có ai hiểu được lòng thầy

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật