Mở cửa kinh tế TP.HCM: Khi “thùng gạo” của người dân đã cạn…

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mở cửa kinh tế TP.HCM cần được sớm tính đến. Chợ truyền thống đóng cửa, hàng quán nghỉ bán..., hàng triệu người đang sống lay lắt. Ước mong và hy vọng lớn nhất của họ lúc này là dịch Covid-19 được sớm kiểm soát, được mở kinh doanh trở lại và đi làm để có thu nhập nuôi sống gia đình...
Mở cửa kinh tế TP.HCM: Khi “thùng gạo” của người dân đã cạn…
Người dân nghèo TP nhận bánh mì miễn phí để sống qua mùa dịch (Ảnh: U.P)

Những tưởng, giãn cách xã hội sẽ chỉ kéo dài khoảng 1-2 tháng, hàng triệu người vẫn "bám" lại thành phố với hy vọng sẽ tiếp tục kiếm sống nuôi bản thân và gia đình sau khi dịch bệnh qua đi. Thế mà, đến nay đã hơn 4 tháng liên tục giãn cách xã hội, nguồn lực để giúp họ "ngủ đông" đã cạn kiệt.

Tiểu thương, hộ kinh doanh kiệt sức

Thuê mặt bằng để mở quán phở - hủ tiếu nhỏ trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), anh Nguyễn Văn Bảy cho biết, đã "mất không" tiền thuê mặt bằng 2 tháng nay, tương ứng gần 30 triệu đồng.

"Tôi ngưng bán từ hồi giữa tháng 5 rồi, nhưng vẫn không muốn trả mặt bằng. Phía chủ nhà cho thuê cũng giảm 35% tiền thuê, rồi tiếp tục giảm 50% tiền thuê trong 2 tháng nay, nhưng tôi không muốn bỏ mặt bằng này vì đã có lượng khách ổn định. Làm nghề ăn uống thế này đâu phải dễ tìm mặt bằng thuận lợi, có lượng khách quen ổn định đâu", anh Bảy nói.

Cũng theo chia sẻ của anh Bảy, từ dải đất miền Trung khó khăn vào lập nghiệp ở Sài Gòn đã gần chục năm nay, giờ nếu bỏ về quê cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống.

"Từ bữa giãn cách đến nay, tiền trữ trong nhà để mua hàng cũng bay gần hết, tiền thuê mặt bằng cũng sắp tới kỳ trả mà chẳng biết TP sẽ giãn cách đến bao giờ, liệu khi mở quán trở lại có cần điều kiện gì không. Nếu tiếp tục kéo dài giãn cách đến hết năm chắc tôi chẳng còn đủ tiền để kinh doanh nữa", anh Bảy, lo lắng.

"Đến ngày 6/9, TP.HCM hoàn thành việc chi gói hỗ trợ 2+ (gói hỗ trợ lần 2 mở rộng) đối với 1,3 triệu lượt người lao động tự do và 1,2 triệu hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Quy mô của gói 2+ là 2.576 tỷ đồng và đến nay đã đạt 85%.

Đồng thời, TP.HCM soát xét, nếu có sót trường hợp nào, chi bổ sung trước ngày 15/9…"

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM.

Chị Hoàng Thị Nga, chủ quán cà phê trên đường Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) cũng cho biết, đã phải đóng cửa từ cuối tháng 5, khi TP.HCM yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội. Theo chị Nga, gia đình chị thuê nhà để ở vừa bán cà phê kèm với ăn sáng với giá 16 triệu đồng/tháng, thuê thêm 1 người phụ. Kể từ khi quán đóng cửa, người phụ việc cũng cho nghỉ, chủ nhà giảm tiền thuê tới 5 triệu, nhưng chị vẫn trả tới 11 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước...

Theo chị Nga, tưởng chỉ phải nghỉ khoảng vài tuần, không ngờ giãn cách kéo dài đến nay gần 4 tháng. Nguồn thu thì không có, trong khi phải chi ra đều đặn, từ tiền thuê nhà đến ăn uống, thêm một số loại thuốc men... nên nguồn tiền dự trữ của gia đình đã sớm cạn kiệt.

"Ban đầu gia đình ném tiền dành dụm gần 90 triệu đồng vào việc sửa sang lại quán, mua tivi, bàn ghế… giờ mà trả mặt bằng cũng xót xa nên giờ phải đi vay anh em họ hàng để duy trì tiền mặt bằng. Hy vọng TP sớm cho phép mở cửa trở lại để kinh doanh chứ cứ kéo dài thế này thì kiệt quệ mất"- chị Nga thở dài.

Người dân xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) xếp hàng nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ - Ảnh: Quốc Hải

Nỗi lòng anh Bảy, chị Nga cũng là nỗi lòng của hàng ngàn, hàng vạn tiểu thương trên địa bàn TP. Từ cầm cự, chuyển sang chống đỡ và nay là "kiệt sức", thời điểm này họ chỉ mong sớm được mở cửa trở lại, để kiếm "đồng ra đồng vào" chứ cứ tiếp tục thế này thì không chết vì dịch bệnh cũng chết vì… đói.

"Sợ dịch lắm chứ, nhưng nếu mở cửa trở lại thì mình sẽ áp dụng các giải pháp giãn cách, tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Chứ nếu cứ đóng cửa ở nhà mãi thế này, miệng ăn thì núi cũng lở, không làm thì lấy gì mà ăn", anh Nguyễn Văn Em, chủ quán ẩm thực Ba Miền trên đường Võ Văn Vân (H.Bình Chánh), chia sẻ.

Sống lay lắt…

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B tập trung khá nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn gồm những người chuyên bán vé số, bánh mì, giặt ủi hoặc lao động tự do… Thậm chí có những gia đình chỉ toàn người già (trên 60 tuổi). Nhiều tháng nay, những lô nhà còn trống (chưa có người dân vào ở) được TP tận dụng làm bệnh viện d‌ã chi‌ến điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nên người dân ở các lô còn lại khá lo lắng, không dám ra khỏi nhà, vì thế vấn đề lương thực cũng khá khó khăn.

Người dân đến làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng - Ảnh: Quốc Hải

Anh H, một hộ dân lô B1.2, cho biết, mới đây đã nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ nhưng bây giờ không được ra đường, mua thực phẩm qua mạng thì cũng chậm, hơn nữa giá cũng cao nên khoản tiền này dù dè sẻn cũng chỉ cầm cự được chừng hơn 1 tuần cho hộ gia đình 4-5 người.

Tuy nhiên, những trường hợp đã nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ như anh H vẫn là khá may mắn so với hoàn cảnh của nhiều người dân ở trọ, khi họ vẫn chưa nhận được bất cứ gói hỗ trợ nào.

Không khó để bắt gặp những hình ảnh "cầu cứu" của người dân mong được tiếp tế lương thực trong mùa dịch - Ảnh: Quốc Hải

Ghi nhận của Báo , trên nhiều tuyến đường của TP.HCM, vẫn đang còn rất, rất nhiều những bảng "cầu cứu" hỗ trợ lương thực của người dân.

Gọi vào số điện thoại một bảng "cầu cứu" của người dân ở trọ trên đường Trần Văn Giàu (H.Bình Chánh), anh T - một người dân cầm máy, nghẹn ngào: "3 tháng nay gia đình tôi chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào cả, nếu anh không tin có thể đến đây xác minh với chủ trọ, với hàng xóm… Tôi chỉ mong nhận được chút lương thực để cầm cự qua dịch, rồi lại xin đi làm hồ".

Nói về việc hỗ trợ cho người dân ở trọ, Phó Chủ tịch một xã ở H.Bình Chánh (xin giấu tên), chia sẻ, thực sự lúc này đời sống người dân rất khó khăn. Dù được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng thì tính ra cũng chỉ được 50.000 đồng/người/ngày.

"Ở một "siêu đô thị" có giá sinh hoạt đắt đỏ như TP.HCM, với mức đó, người dân vẫn khó khăn. Một gia đình chỉ nhận 1,5 triệu đồng/tháng/hộ không thấm vào đâu. Vì thế, yêu cầu đặt ra là thành phố sớm phục hồi sản xuất, vì bảo đảm sản xuất là bảo đảm an sinh, khi việc làm là an sinh…", vị này trăn trở.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật