Ở nhà giãn cách anh chồng “ém tiền riêng” lúc gia đình khốn khó, công ty phá sản, nợ 500 triệu mà mẹ chồng và vợ suốt ngày cung đấu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là những câu chuyện của 2 gia đình đang gặp phải vào thời điểm ở nhà giãn cách này.
Ở nhà giãn cách anh chồng “ém tiền riêng” lúc gia đình khốn khó, công ty phá sản, nợ 500 triệu mà mẹ chồng và vợ suốt ngày cung đấu
Ảnh minh họa

"DẠO NÀY Ở NHÀ NHIỀU CHUYỆN NGỘ GHÊ HA!?"

Nhà là nơi bình yên để về, để tận hưởng những giây phút ấm áp bên vợ chồng, con cái, bố mẹ và ông bà. Tuy nhiên ở nhà nhiều và nhất là vào thời điểm Covid-19 bùng phát khiến công ăn việc làm của mọi người đều phải tạm dừng lại, sinh hoạt cá nhân bị đảo lộn - trở thành nguồn cơn cho hàng loạt các vấn đề khác xảy ra giữa các mối quan hệ trong gia đình, nên dạo này người ta mới hay nói cái câu là "Ở NHÀ chỉ có SINH CHUYỆN!"

Mà còn là chuyện gì thì mỗi nhà mỗi khác, chẳng ai giống ai. Nhưng dù là từ vấn đề nào khác đi chăng nữa thì chung quy lại cũng là đang khiến các thành viên trong gia đình căng thẳng, bất đồng với nhau. Khiến cho việc ở nhà vào thời điểm này đáng lý ra phải cần sự tích cực thì lại trông không khác gì một cuốn phim có nhiều phiên bản. 

Điển hình như các câu chuyện mà chúng tôi đã nhận được từ các độc giả Afamily.vn gửi về, thông qua hệ thống đặt câu hỏi "Ở nhà sinh chuyện"

GIẤU GIA ĐÌNH CÔNG TY VỪA PHÁ SẢN, NỢ 500 TRIỆU NHƯNG Ở NHÀ MẸ CHỒNG SUỐT NGÀY RA RẢ NHƯ PHIM CUNG ĐẤU

Đây là câu chuyện của anh N.D.T.D (TP.HCM) cho biết, hiện anh và vợ vừa cưới nhau chưa được 1 năm, ban đầu dự định cưới xong sẽ ra riêng nhưng vì dịch đành phải ở nhà bố mẹ tạm một thời gian. 

Tuy nhiên trước đó khi vợ chồng ban ngày thường xuyên đi làm, tối về chỉ có ngủ thì mọi chuyện chẳng sao. Cho đến hơn nửa năm trở lại đây, công việc làm ăn khó khăn, công ty thường xuyên đóng cửa thực hiện lệnh giãn cách thì vợ chồng anh D. cũng phải ở nhà nhiều hơn. Và từ đó bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề hơn là anh tưởng.

"Bây giờ phải nói cả nhà như chiến trường, dịch chưa lo xong, công ty tôi đóng cửa chuẩn bị phá sản thì ở nhà cũng chẳng được yên. Mẹ với vợ tôi suốt ngày cãi nhau vì chuyện vặt trong nhà, phần vì chưa hiểu nhau phần vì mẹ tôi cũng khó tính thật, bà hay la mắng và khó chịu. 

Riêng tôi, chuyện công ty phá sản vẫn chưa nói với cả nhà kể cả vợ. Mấy hôm nay tình hình dịch căng, chẳng biết tương lai như thế nào hay ngày nào được mở cửa trở lại nên tôi chỉ bảo cả nhà công ty chỉ tạm đóng chứ không bị ảnh hưởng. Thực tế ngoài việc lỗ toàn bộ hơn 1 tỷ tiền đầu tư thì còn nợ hơn 500 triệu. Giờ tôi chẳng biết phải xử lý cái gì trước chứ ở nhà như thế này thật sự không nghĩ được gì?".

 CHỒNG VÔ TÂM, ÉM TIỀN RIÊNG LÚC GIA ĐÌNH KHỐN KHÓ

Nếu câu chuyện ở trên của anh D. là điển hình trong các câu chuyện áp lực của một người chồng khi phải lo về mặt kinh tế, chỉ mong ở nhà được êm ấm nhưng thực tế và cuộc sống có vẻ không như anh tưởng. Thì câu chuyện này chắc sẽ là "điển hình trong điển hình" của các chị em phụ nữ khi có một ông chồng vô tâm.

Chị H.M chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi đã lấy nhau được 6 năm và có 2 người con trai. Tình hình dịch không ảnh hưởng tới kinh tế chúng tôi nhiều, cả hai vợ chồng cùng làm trong công ty của bố mẹ đẻ của tôi. Chúng tôi thường xuyên gặp mặt nhau nên đôi khi có cảm giác thấy chán. 

Vừa rồi tôi có bị ốm, người cảm thấy rất mệt mỏi nên chẳng muốn làm gì. Chồng tôi thấy tôi như thế cũng không hỏi han gì, tôi bảo làm gì thì mới làm ví dụ như đi mua thuốc, hay vặt lá xông về xông. Đến tối, con út quấy khóc, tôi mệt quá nhưng phát hiện chồng tôi chỉ nằm xem điện thoại không giúp tôi dỗ dành gì. Tôi bực nên đã quát lên và kết quả là chúng tôi chiến tranh lạnh từ đó. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, tôi nghĩ rằng vợ chồng chỉ cần những lúc ốm đau như vậy, sao chồng tôi không quan tâm đến tôi? Thật ra từ lâu rồi, chồng tôi không có thói quen hỏi han tôi mỗi lần tôi ốm. 

Có một lần gần đây, tôi phát hiện chồng có quỹ riêng. Chợt nhớ ra, trước đó anh ấy đã từng nói với tôi và thẳng thừng nói rằng anh sẽ không đưa số tiền ấy cho tôi. Thời điểm ấy, tôi nghĩ tiền đó là tiền riêng chồng kiếm được, nên mình cũng không có quyền gì để lấy. Nhưng từ ngày giãn cách, tôi lại tự hỏi lý do vì sao anh ấy lại không bỏ ít tiền ra vì gia đình, trong khi đó nhà tôi cũng đang xây? Những suy nghĩ này cứ quẩn quanh trong đầu khiến tôi mệt mỏi quá, không còn muốn nói chuyện với chồng nữa. 

Tôi cũng tự trách bản thân tại sao những lúc xảy ra chuyện mình không thẳng thắn nói chuyện với nhau để giải quyết mà cứ im lặng. Từ trước đến nay khi yêu nhau, mỗi lần thấy tôi im lặng chồng chẳng nói gì, đến nay cả hai đã có con anh ấy vẫn như vậy. Tôi mệt mỏi quá, muốn ly hôn nhưng còn con cái, gia đình. Tôi không biết phải làm như thế nào nữa?".

CHUYÊN GIA NÓI GÌ? 

Giải đáp vấn đề của anh D., Thạc sĩ tâm lý Tạ Thị Thúy chuyên ngành Tâm lý học ứng dụng đang công tác tại viện Tâm Lý và Giáo Dục - MindCare cho biết: 

Thạc sĩ tâm lý Tạ Thị Thuý giải đáp thắc mắc độc giả gửi về chuyên đề Ở Nhà Sinh Chuyện

Khi nghe câu chuyện của anh hiện tại tôi thấy có ba bó đũa lớn. Bó thứ nhất là sự mâu thuẫn xảy ra hai vợ chồng sống chung với bố mẹ. Bó đũa thứ hai là khi hai vợ chồng kết hôn được một năm có những sự khác biệt trong tính cách lối sống và cách xử lý vấn đề chưa thể dung hòa cũng như tìm ra cách chia sẻ để có thể hiểu nhau. Bó đũa thứ ba là sự nghiệp của anh công ty đang phá sản và có một khoản nợ 500 triệu đồng thì đây là bó đũa lớn nên mình cần phải quay vào bên trong để bình tĩnh lại và mình xác định xem bó đũa nào mình sẽ bẻ trước và thứ tự bẻ ra sao? Mình có thể bẻ đồng thời hay không? Nếu có thể thì mình sẽ làm cách nào? 

Khi hoàn cảnh xảy đến thì cách mà chúng ta phản ứng, nhìn nhận cách chúng ta đối diện, hành động sẽ quyết định kết quả của tương lai vậy thì chúng ta chỉ có thể tập trung vào trong hiện tại, hiện tại mình có thể làm điều gì, mình làm tốt nhất cái gì mà cho mình tại mình có thể. Mỗi một ngày thức giấc mình cần phải xác định xem chiếc đũa nào ngày hôm nay mình sẽ cần phải bẻ và mình có thể làm gì với nó? Khi mà phần lớn năng lượng chúng ta tập trung vào giải pháp mình tập trung những suy nghĩ cảm xúc của mình và những điều tích cực thì mình sẽ chuyển biến được tình thế". 

Còn về câu chuyện của chị H.M, Thạc sĩ Tạ Thị Thúy cũng có chia sẻ riêng rằng: "Khi nghe câu chuyện của chị thì tôi thấy có 3 thông tin sau: Thứ nhất hai anh chị đã kết hôn được 6 năm và có 2 bé, đây là một điều vô cùng đáng trân trọng. Thứ hai là hai anh chị trong thời gian dịch bệnh này, anh chị không bị ảnh hưởng quá nhiều, đó là một điều tuyệt vời. Thứ ba là giai đoạn này chị cảm thấy chán nản, chán chồng, cảm thấy chồng mình quá thiếu sự quan tâm chia sẻ trong giai đoạn mình xây nhà và những lúc mình ốm đau. 

Tôi nhớ đến một câu nói của Nguyễn Du trong truyện Kiều đó là: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Cũng có thể là vẫn anh chồng này, vẫn là tình huống tương tự nhưng mà trong những ngày khỏe mạnh, năng lượng của mình tràn đầy, chị cảm thấy có tình yêu, cảm xúc mình tốt, tâm trạng mình tốt thì mình sẽ xử lý tình huống này ổn hơn. Tuy nhiên, hiện tại mình đang trong một trạng thái khá mệt mỏi nhưng lại xử lý vấn đề bế tắc.

Chúng ta có 5 cách phản ứng cơ bản khi chúng ta gặp phải mâu thuẫn cũng như sự khác biệt. Thứ nhất là Tránh né, thứ hai đó là tấn công, thứ ba là Nhượng bộ, thứ tư là Thỏa hiệp, cuối cùng là Hợp tác. 

Hiện tại, tôi thấy chị sử dụng 2 cơ chế phổ biến, đầu tiên là Chỉ trích, Trách móc, tấn công. Cho dù là nói ra hoặc giữ trong lòng. Điều này xuất phát từ sự giận dữ do những kỳ vọng của mình không đạt được. Cơ chế thứ hai mà chị sử dụng đó là cơ chế Tránh né, nó biểu hiện qua việc mình im lặng và muốn ly hôn để giải quyết vấn đề. Hai cơ chế này sẽ không giúp ích cho chị trong việc giải quyết vấn đề và rất có thể anh nhà cũng đang sử dụng cơ chế tương tự. Vậy thì hai anh chị cần có thời gian để tìm ra "Cơ chế cùng thắng". Tôi lại nhớ đến một câu nói nữa của Mahatma Gandhi đó là: "Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới này". 

Trước tiên, mình cần phải quay vào bên trong mình chăm sóc tốt cho mình để mình có một năng lượng tốt và tâm trạng tốt, khi mà mọi thứ đều tốt mình nhìn nhận vấn đề ở góc nhìn của mình nó cũng sẽ hay hơn và chị có tin rằng khi mà mình an lành, năng lượng của mình tích cực thì những người xung quanh mình sẽ chuyển biến theo mình không?".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật