Doanh nghiệp bất động sản cần trợ lực để phục hồi nhanh sau “khoảng lặng” dịch bệnh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Doanh nghiệp bất động sản vẫn luôn trong tâm thế chuẩn bị nguồn lực để hồi phục nhanh nhất sau dịch, tuy nhiên, họ kiến nghị cần trợ lực thêm từ Chính phủ thông qua việc tháo gỡ rào cản chính sách giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực...
Doanh nghiệp bất động sản cần trợ lực để phục hồi nhanh sau “khoảng lặng” dịch bệnh
Doanh nghiệp bất động sản xác định sống chung với dịch bệnh đến hết năm nay hoặc hết quý 1 năm sau. (Ảnh: Minh Thư)

Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), đóng góp của lĩnh vực xây dựng bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11%, trong đó bất động sản đóng góp khoảng 4,5% GDP và xây dựng khoảng gần 6%... Như vậy, hoạt động bất động sản luôn luôn có một vai trò hết sức quan trọng, doanh thu của bất động sản chiếm khoảng hơn 2% và lợi nhuận chiếm khoảng 7% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tới 35% ngành nghề lĩnh vực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch, doanh nghiệp bất động sản cho rằng đây là “khoảng lặng” của thị trường mà họ phải chấp nhận.

Là doanh nghiệp chuyên phát triển các khu dân cư lớn trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, một trong những rủi ro mà công ty đang phải đối mặt là chịu tác động từ ngoại cảnh tình hình kinh tế xã hội, pháp lý, tài khóa của các dự án khi các dự án kéo dài hàng chục năm.

Đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra như “rào chắn” làm cho các hoạt động ngưng trệ, buộc doanh nghiệp vừa phải duy trì hoạt động và vừa đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động.

“Dù dịch bệnh xuất hiện từ năm trước nhưng thị trường bất động sản vẫn có sự bật dậy. Tuy vậy, đến đầu năm 2021, khi xuất hiện làn sóng dịch thứ 4 này thì doanh nghiệp như chúng tôi phải đối mặt với kịch bản rủi ro cao nhất. Gần như 100% nhân viên làm việc tại nhà trừ hoạt động của bộ phận dịch vụ cần thiết ở khu dân cư. Chúng tôi xác định rằng khi có dịch bệnh xảy ra sẽ ảnh hưởng lộ trình đầu tư và doanh thu của doanh nghiệp”, bà Hương nói.

Dù đánh giá đây là “khoảng lặng” của thị trường buộc phải chấp nhận, là yếu tố bất khả kháng mà doanh nghiệp cùng đồng lòng với Chính phủ nhưng theo Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, doanh nghiệp của bà cũng chuẩn bị cho sự hồi phục, tăng tốc ngay sau dịch.

“Chúng tôi dự đoán, thị trường những tháng cuối năm không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chống chịu của doanh nghiệp, mà phần lớn phụ thuộc vào kịch bản kiểm soát dịch bệnh, thời gian kiểm soát dịch càng kéo dài thì doanh nghiệp càng giảm sức chịu đựng. Trung và dài hạn vẫn có những tín hiệu tích cực của thị trường, nhưng trước hết doanh nghiệp phải đồng lòng với Chính phủ trong phòng chống dịch”, bà Thanh Hương nói.

Theo bà Thanh Hương, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải phân kỳ đầu tư, xác định sống chung với dịch bệnh đến hết năm nay hoặc hết quý 1 năm sau.

“Chúng tôi vẫn ở trong trạng thái bền bỉ chống chịu chuẩn bị nguồn lực cho sự hồi phục nhanh nhất sau đó. Doanh nghiệp bất động sản ở Việt nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp thâm niên từ 10 năm trở nên, có nguồn lực dự phòng để đảm bảo chống chịu qua các đợt khủng hoảng là thấp.

Do đó, để việc phục hồi nhanh hơn cho các doanh nghiệp ở năm sau hay các năm tới thì những rào cản cần được giải quyết rốt ráo nhất. Đặc biệt, cần đề cao tính thực thi của các chính sách cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần trợ lực thêm từ Chính phủ thông qua việc tháo gỡ rào cản chính sách giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực trong thời gian sắp tới”, bà Hương kiến nghị.

Còn ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group mong rằng sớm có Luật Đất đai sửa đổi để việc giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi nhận vào trong báo cáo tài sản của doanh nghiệp một cách rõ ràng.

Mặt khác, cần phân định rõ loại hình bất động sản nào được quyền mua bán, loại hình nào cho thuê như Condotel, Officetel, bất động sản dịch vụ... ông Hưng đề nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng như Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, Hội quy hoạch, Hội kiến trúc có ý kiến phân định rõ các loại tài sản này.

“Khi cấp chứng nhận đầu tư mà ghi rõ các loại hình nào được phép xây dựng để bán, để cho thuê... nhưng nếu mập mờ giữa cấp phép xây dựng công trình nhưng không biết được bán hay cho thuê thì rất khó cho doanh nghiệp”, ông Hưng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hưng, việc dựa vào nguồn vốn của ngân hàng khiến doanh nghiệp luôn luôn bị động. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có cơ chế tháo gỡ nhiều hơn trong việc doanh nghiệp được phép huy động vốn bằng nhiều hình thức, như các quỹ tín thác, chính sách, chủ trương mà Chính phủ đã cởi mở nhưng vẫn còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện.

“Hiện nay tại Việt Nam, mới có 1-2 quỹ tín thác (REIT) được cấp phép nhưng chưa hoạt động đáng kể, vì còn thiếu văn bản thực hiện. Đây là nguồn lực rất quan trọng trong dân, những người chỉ có một vài triệu đồng đến một vài chục triệu đồng nhưng cần có kênh để đầu tư bất động sản hợp lý”, ông Hưng nói thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật