Năm tôi lên chín, có thằng bạn, nó tên Khánh. Nhà Khánh nằm thục sau con đường đất phèn đắp cao. Nhà xây tường, lát gạch tàu, mái tôn, hai gian. Nhà nó cách nhà tôi một quãng ngắn bẻ đôi, hay tót sang lúc Cha Mẹ tôi đi vắng mà hú.
- Duy ơi, đi chơi không!
Đương nằm xem hoạt hoạ trên đi-văng. Nghe tiếng nó, tôi lật đật trốn con vện để ra ngoài. Chó vện nhà ai tôi không rõ, riêng nhà tôi nó khôn chúa. Hễ Cha tôi dặn nó canh nhà, thì không người lạ nào vào được nửa bước. Một hôm ông dặn nó canh tôi, không cho đi chơi. Nhân lúc nó ngủ tôi lẻn ra ngoài, được vài bước thì bị cắn vạc áo kéo lại. Tôi hãi con này lắm.
Trốn được con vện, tôi theo Khánh men trên con đường ruộng, hai bên những cánh đồng lúa nước trải dài để đi ăn "cỏ nước". Cây này trái theo mùa, trái lớn hơn hạt tiêu một chút, màu tím, ăn rất ngọt. Chúng tôi trèo, ăn một thôi thì môi miệng đứa nào cũng "tím rịm", răng như nhuộm đen. Thấy ngoài vườn nhiều chim sâu đang chuyền cành, Khánh rủ đi làm ná thun bắn chim.
- Tôi hỏi - Nạng đâu mà làm.
- Khánh đáp – Vườn ông Chín củ.
Nghe ông Chín Củ tôi hãi. Ông này là thương binh. Thời loạn theo hậu cần, không may bị boom đạn va trúng phải cưa mất một chân, gắn chân giả vào. Tôi không sợ ổng rược, chỉ mỗi tội nhà nuôi chó dữ. Con nào cũng hung hăng lạ thường, nhe nanh, múa vuốt, nước miếng chảy thòng trong rất gớm ghiếc.
Có bận tôi đi học về ngang, thấy vườn có mấy cây Lê – ki – ma cho trái vàng ươm, trong rất ngon. Tôi bèn thò tay định hái, chưa kịp đụng đã bị chó sủa đinh tai. Tính ra con vện nhà tôi còn hiền chán.
Tôi bèn nói – Chó nhà ổng ghê lắm.
Nó đáp – Sợ khỉ gì, bắt quá phóng sông.
Bọn tôi xách dao lẻn vào vườn. Hai thằng lục đục đến "bụi dâu" sau mấy cây Lê-ki-ma, kiếm nhánh dâu có hình chữ "Y". Đang lạch cạch chặt, Khánh liếc mắt thấy gốc Nhãn Long, trái quằng nhánh. Nó nuốt nước miếng cái ực. Tôi nhìn cũng dư hiểu thằng nầy nghĩ gì. Bèn chặc lưỡi quát khẽ.
- Để chặt xong đã.
Tính Khánh chuyên ăn cắp vặt. Hễ đồ của ai cũng lấy bỏ túi, xong lại trả. Hỏi thì nói ngứa tay rồi cười haha. Ai chơi với nó cũng biết tánh nên không ai chấp.
Chặt xong, hai thằng định qua gốc nhãn làm "vài chùm" lấy thảo. Đang với tay hái thì chó từ nhà chạy ra theo tiếng hô như tiếng "xung phong" của cựu thương binh "cà thọt" hệt trên mặt trận chống Mỹ. Cụ quát.
- Tao biết con cái thằng nào chết với tao!
Lũ chó xong xáo nhe răng sủa nhiệt tình. Cái bọn cẩu nô này làm tôi sợ thật, bọn chúng mà được ông chỉ huy già hô cắn một cái, chắc bọn tôi thành hai cái giẻ rách.
Chúng tôi chạy vắt giò lên cổ một mạch về đến nhà. Thằng nào cũng thở dốc, nhìn nhau cười. Hai thằng nghỉ một lát, quyết định làm ná đi bắn rắn mối nướng ăn cho bõ ghét. Nhắc đến rắn mối tôi mới nhớ, không biết ai đồn ác, nhưng có đứa nói.
- Bị rắn mối cắn, không uống nước trước nó sẽ chết.
Hôm đó, có thằng Tình xóm trên cũng bắn rắn mối. Nó bắn trúng một con, con đó vật ra lăn lộn dưới đất, nó lại gần nhặt lên bỗng thấy đau đau ở tay, tưởng bị cắn nó vứt con rắn mối đi, con vật gắng sức tàn chạy mất. Tình hãi quá cuống cuồng tìm nước uống. Ngặt nỗi giữa vườn tìm đâu ra nước. Duy chỉ có mỗi cái cầu cá vồ gần đó. Sợ chết, Tình đánh liều ngớp đại một ngụm. Về kể cho Cha nghe, Cha nó cười haha, gõ đầu mắng thằng con đúng ngu.
Hai thằng đi lả cặp giò. Bắn toàn "hụt lất", chả được con nào. Bèn đến ngồi dưới một gốc dừa nghỉ chân. Thường vườn nhà này nằm cạnh nhà kia, người ta không rào lại, cứ ai muốn vô thì vô.
Có khi người làm ruộng gần đó khát nước, thấy dừa say trái. Không thấy ai để xin bèn hú lớn.
- "Cho trái dừa nghen!" Ai nghe không nghe thì kệ, có xin là được.
Bọn tôi đưa mắt nhìn nhau.
- Tôi nói. "Mày leo đi, tao mệt quá!".
Nó chẳng chịu nhường, nói.
- "Tù xì mày".
Số tôi đen nên phải leo dừa cho nó. Trước khi leo, tôi cũng hô lớn.
- "Cho xin trái dừa nha!"
Đang định ngồi ếch leo lên, bỗng có tiếng người nói.
- "Dừa của ai mà cho mày hái?"
Tôi và Khánh lại chạy "dắt giò lên cổ", bụng tôi nhủ thầm.
- "Làm con nít cái gì cũng thiệt thòi".
Một buổi sáng gà gáy xiết. Tôi dậy sớm, thấy con vện đang nằm thiu thiu trước nhà, tôi lại gần đá vô đít nó một cái khiến vện ta dựng mình dậy, vẻ bực dọc. Tôi cười xã giao với nó như lời chào buổi sáng. Cha tôi đang nhấp trà, hỏi.
- Đi đâu đó Duy?
Tôi đáp.
- Con lên thằng Khánh học bài.
Ông lắc đầu, thừa biết hai thằng tôi dốt như Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, học nhau cái nỗi gì.
Tôi lơn tơn đi chân trần trên con đường đất, nghe lòng bàn chân mát rượi. Những hạt sương giăng giăng còn đọng đâu đó trên những lá mít, lá dừa, lá trâm bầu ven đường và phảng phất trên đầu những ngọn lúa nước xanh ưm phía xa xa. Nước sông uốn lượn, đưa những chiếc lá vàng rơi lìa cành trôi về phía hạ nguồn. Những con chim sâu chuyền cành trên nhánh bạch đàn. Dưới đất, tiếng lục tục của mấy mẹ gà mái kéo bầy con "líp chíp" như những cụm bông trắng đi tìm mồi. Ông mặt trời uể oải ban phát cái nắng nhợt nhạt buổi sớm lên những mái lá có khói bếp của người nông dân đi ruộng sớm.
Hai thằng tôi chả buồn đi đâu, chỉ ngồi nhà lấy "bi" ra bắn. Bắn chán lại chơi bài tiến lên. Bài vỡ ở trường thì vứt một bên, có khi đang chơi cũng hỏi vài câu liên quan rồi thôi. Đến trưa, nắng hơi gắt. Tôi rũ Khánh đi ruộng bắt dế. Chả là dạo này xong mùa gặt, nên dế rất nhiều. Vừa đi Khánh vừa nói.
- Tao có đọc cái truyện cười về mấy con dế, hay lắm.
Ở một trường mù nọ, có ba đứa mù tên Liên, Thanh và con Bé Thư. Tuy mù nhưng bọn này rất thích đá dế. Một hôm, ba đứa nghe trước cổng trường có mấy tiếng dế kiêu, bèn đổ nước rồi thọc tay vào kẹt bắt. Bắt xong bỏ vào chậu định đá nhưng không nghe dế gáy, ba đứa tưởng dế đói nên cho ăn no, xong vẫn không động tĩnh gì, cứ hồi hộp ngóng nghe. Chờ mãi, thằng Thanh điên tiết bèn nắm lấy con dế liện ra trước cổng. Bọn trẻ ồ lại bắt, bỗng có đứa kiêu lên. Anh Thanh, Chị Liên, Bé Thư. Dế mái thì đá thế nào?
Khánh kể xong hai thằng tôi ôm bụng cười lăn cười lộn.
Đến ruộng, thấy đồng vắng lại ngập nước. Chắc người ta xả nước để cày vụ sau. Bọn tôi thất vọng tới ngồi ở một hàng me gần đó. Gió ngoài đồng từ bốn phương tám hướng thổi mái dịu, ngoài trời nắng gắt, khiến tôi có cảm tưởng ngồi đây như lạc vào cõi khác.
Gần đó có một chuồng trâu, chắc trâu nhà ông Sáu Quang. Con trâu đen tuyền đang ăn cỏ cạnh một gốc me, kế đó có dựng cái cày. Miệng nó nhai trệu trạo, đưa mắt nhìn bọn tôi. Tôi nhìn cái sừng nhọn hoắt như cái "tù và" của nó hơi hãi, bèn quay chỗ khác. Bên trên, "chênh chếch" mấy cánh cò đang bay lượn, như làm bầu trời lệch sang một bên.
Tôi vừa nói, vừa gảy gảy cái chân bê bết sình.
- Đói bụng quá mày ơi!
Thì ra mãi đi, bọn tôi không biết đã giữa trưa. Lấy tay che trán, tôi nhìn lên thấy ông mặt trời ngó xuống trên đỉnh đầu. Hèn gì, ngoài ruộng gần mấy chục mẫu nằm cạnh nhau mà không một bóng người. Lâu lâu chỉ nghe tiếng gà gáy trưa, tiếng "ụm bò" vang lên một góc.
- Khánh đáp. "Bắt cua nướng ăn đi".
Tôi chép miệng một cái, vẻ thèm thuồng. Tót ngay xuống ruộng tìm hang cua. Hai thằng lúi húi một lát cũng bắt được dăm con, lấy mấy cọng lát bệnh thành dây, buột cua theo cách "rừng rú" rồi cười haha! Do mới biết bắt, lại không rành thọc hang nên tôi bị kẹp không dám nhút nhích. Khánh thấy vậy bèn giật mạnh tay tôi, lôi cả con cua theo. Tôi muốn "dọng" cho nó một cái hết sức.
Được kha khá thì nắng như đổ lửa, hai thằng trầm mình xuống một đường lạch gần đó mà "lặn ngụp"
Tôi hỏi. - Lửa đâu nướng mạy?
- "Tao cũng hông biết".
Nói rồi hai thằng nhìn nhau, lại cười ha ha!
Bọn tôi lên bờ, dắt theo xâu cua đi nghênh ngang. Đến một líp cam gần đó, thấy cam sành láng vỏ, biết ăn được nên thằng Khánh nổi ý. Tôi nói rồi, thằng này chúa cắp vặt.
Hai thằng với xâu cua "tòng teng" trên tay tiến vào, như tướng cướp gặp phải món hời. Nhưng dường như hôm nay số đen hay sao ấy. Vừa đưa tay "ghị" một quả thì bị một tiếng quát như sấm rền, khiến bọn tôi điếng hồn.
- Ê!! Làm gì đó?
Biết chủ vườn ra, hai thằng vắt giò lên cổ mà chạy. Vừa chạy, tôi vừa nghe tiếng "lỏm chỏm" sau lưng, thì ra người lấy đất ném bọn tôi như chim.
Chạy đến lúc tới được một đám lao xậy, có bụi lát lớn gần đó mới núp vào mà nghỉ chân. Lúc đó hoàn hồn, chợt nhớ xâu cua thì không biết đã đánh rơi lúc nào.
Tôi thở phì phò nói với nó.
- Dùm ơn đi Khánh. Mày đừng có táy máy tay chân nữa.
Nó cũng thở khì khò, nói.
- Chứ cam ngon quá, biết sao giờ.
Lúc bấy giờ cũng gần xế chiều. Bụng đói meo, chúng tôi biết phải về nhà lục cơm, nhưng quần áo đứa nào cũng lấm lem. Thằng Khánh mặc quần cục như tôi, áo trắng thâm kim dính đầy những sình. Tôi chắc cũng thảm không kém, có khi hơn cả thằng An trong tiểu thuyết Đoàn Giỏi.
Hai thằng bèn về khúc sông gần nhà, chỗ đó có cái đập, nước chảy mạnh nên tắm rất thích. Trầm mình xuống làn nước mát, tạt nước lẫn nhau, cốt la cho lớn để người trong nhà điều biết hai thằng đang tắm. Kiểu như vô tội. Được một lúc, tụi thằng Tình đi đâu về cũng cởi áo xuống nhập hội. Sáu đứa vẫy nước đùng đùng, nhộn cả một khúc sông.
Trên bờ, những người đàn bà, đàn ông, tất tả về lo cơm nước sau khi làm ở lò gốm về. Họ tay xách, nách mang đủ thứ đồ ăn, miệng nói rươm rả về công việc, việc đồng áng. Có người làm ruộng, vác cuốc về ngang cũng xúm lại góp chuyện phiếm. Ánh tịch dương trên nền trời chạy thành một vệt dài. Rải rác một hai cánh chim lênh đênh giữa trời như làm nền cho con đường đất nghèo thêm sinh động.
Vẫy nước chán, bọn tôi lên cây mù u gần đó phóng xuống, đùng đoàn như tiếng đại bác nổ. Có thằng nhảy thế nào không biết, tay nắm chặt nhánh cây treo lơ lửng như vượn. Bọn tôi cả cười hô hố, xúm lại lấy trái mù u chọi nó rớt xuống. Chọi một hồi thành ra cục diện chọi lộn. Tôi thằng Khánh thằng Tình một phe, móc đất sình tố vùn vụt vào đối phương. Đã chọi ắt trúng, tôi thấy thằng Khánh đang thở hổn hển thì bị nguyên một cục sình đen thùi lùi nện trúng đầu, bê bết. Nó ngã lăn quay, ngụp xuống nước rồi trồi dậy, mắt đỏ như tôm luộc mà vẫn còn sình ở tóc và tai. Trong rất tức cười.
Khi mặt trời tắt nắng, khuất sau rặng trâm bầu, mẹ nó gọi lên. Tay cầm cây roi nhặt ở đâu đó trên đường như chiến sĩ cầm bảo kiếm hầm hầm nhìn nó. Thằng Khánh nhanh như con sóc, vụt lên bờ rồi lèn qua mép đường tránh mẹ nó, nhưng vẫn kịp ăn một roi vô đít, nó vừa chạy vừa khóc huhu.
Tôi nhìn cảnh đó mà cười không dô, buồn bã bước lên. Tôi hiểu số phận tôi rồi cũng bị roi vô đít mà khóc huhu, khác gì nhau. Cái trò lận tập sau mông xưa rồi diễm ơi! Mẹ tôi quất "bơm bớp" là biết ngây. Thôi thì... cũng đành, cá với cua.
Tôi còn lắm chuyện để kể về nó, có điều kể đến lúc nào mới hết. Chúng tôi lớn lên bên nhau đại loại bằng những mẫu chuyện chắp vá như vậy, có lẽ niếu tuổi thơ thiếu một trong hai sẽ rất tẻ nhạt.
Đến ngày tựu trường năm lớp bốn, hai thằng tôi chở nhau chông chênh trên con xe đạp kiêu "cót két" của Khánh. Như vậy một năm. Đến cấp hai tôi chuyển trường. Lâu lâu về thăm nhà, tôi vẫn hay lên kiếm nó.
Ban đầu bọn tôi vẫn giữ được sự hồn nhiên. Đối thoại vẫn như ngày nào. Nhưng dần thì khác, rời rạc, bất cần, dường như có tính thù nghịch. Tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi đâm buồn. Nó nhạt nhẽo hơn, xã giao hơn. Tôi biết tôi có những cách nhìn, thú vui mà Khánh nó không thích, ngược lại với tôi nó cũng vậy.
Điều đó được Khánh nói rất rõ.
- Mày về đi, tao bận.
Tôi hỏi. - Bận cái gì.?
- Bận đi chơi được hông? Mày quản tao chắc!
Tôi nói.
- Mày đua xe có ngày chết thôi.
Nó đáp.
- Kệ cha tao! Chơi được thì chơi, không thì dẹp mày đi. Tao cóc cần. Nói rồi nó phóng xe qua mặt tôi.
Khánh học gần hết cấp ba thì bỏ, tụ tập bạn bè đánh nhau, lớn hơn thì đốt thuốc, rượu chè. Hơn nữa thì yêu đương, tệ hơn thì sa lầy. Gần đây, nó phóng xe như bay trong cơn say cuộc đời nó. Xe đụng phải một chiếc Inova, người ta cán đi chợ rẫy, đầu quấn băng trắng. Xuất viện mấy tháng nó vẫn tiếp tục như con thêu thân.
Có bận nó vụt xe qua lúc tôi đương đi bộ, trong một thoáng ánh mắt chúng tôi chạm nhau, ngời sáng rồi vụt tắt, như đóm lửa nhỏ của tuổi thơ không đủ cứu lấy một tâm hồn rời rạc.
Tôi đứng nhìn dòng sông cạnh gốc mù u, muôn đời vẫn chảy. Tuổi thơ, tôi nghĩ như những chiếc lá mù u vàng kia vậy, trôi là đà trên mặt nước. Có những chiếc lá trôi đi rồi lại trôi về, cũng có những chiếc lá trôi xa mãi mãi khỏi nơi nó lìa cành, bị dòng nước nhận chìm, quên bẵng.
Tiếng cười haha năm nào dưới dòng sông này chỉ còn trong miền ký ức vọng lại, xa xăm.
Có lẽ thời gian đã khiến con người ta thay đổi chăng? Tôi hay Khánh. Chắc cả hai.
Những áng vần vũ trôi lừ đừ dưới vệt hoàng hôn. Đằng xa, hai cánh cò đang lênh đênh về hai hướng đối nghịch. Tôi tự hỏi, liệu trong những cuộc vui của Khánh, có một lúc nào, Khánh chợt nhớ đến những ngày của tuổi thơ. Chắc có, nhưng nhập nhoè, chắp vá, thiếu lòng tin, thiếu sức mạnh gắn kết lại một tình bạn.
Ở đời, con người lớn lên họ đánh mất nhiều thứ lắm. Có người mất của cải. Người mất tâm hồn. Còn tôi, tôi mất một người bạn.