Bảo trì đường bộ hiệu quả giúp giao thông an toàn, êm thuận

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã triển khai công tác bảo trì đường bộ (BTĐB) đồng bộ, hiệu quả trên toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường cao tốc trên cả nước, góp phần đảm bảo cho các phương tiện được lưu thông an toàn, thông suốt...
Bảo trì đường bộ hiệu quả giúp giao thông an toàn, êm thuận
Năm 2021, tổng kinh phí cần thiết thực hiện công tác bảo trì đường bộ là 11.760,9 tỷ đồng.

Đốc thúc bảo trì đường đúng quy định

Theo Tổng cục ĐBVN, 100% các dự án sửa chữa có trong kế hoạch bảo trì 2021 và đã được giao vốn, đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án và đã hoàn thành đấu thầu qua mạng. Một số dự án đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu từ giữa tháng 4/2021. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực triển khai thi công. Riêng về an toàn giao thông, đến 30/6/2021, ngành đường bộ đã xóa 51 điểm đen và điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông, sơn kẻ 119.000m trên mặt đường, thay 1.190 biển báo, sửa và bổ sung 75.000m hộ lan.

Tính đến 15/6/2021, toàn hệ thống giải ngân đạt 3.515,4 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch vốn được giao. Khối lượng thực hiện đạt khoảng 30% (riêng công tác bảo dưỡng thường xuyên đạt 50%), khối lượng thực hiện đã đủ thủ tục để nghiệm thu đạt 20%.

Đối với tình hình thực hiện quản lý bảo trì tại các dự án BOT, 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục ĐBVN đã có các văn bản hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai công tác bảo trì theo quy định của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và các thông tư của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Xây dựng. Đồng thời, Tổng cục ĐBVN đã giao các cục quản lý đường bộ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện công tác bảo trì. Cá biệt, tại một số dự án việc bảo trì còn chậm, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đã bị cảnh cáo xử lý. Mặt khác, Tổng cục ĐBVN và các cục quản lý đường bộ cũng đã tiến hành chỉ đạo các nhà đầu tư rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định mới vào quy trình bảo trì đã ban hành; tổ chức kiểm tra xác nhận chi phí quản lý, vận hành khai thác, tổ chức thu phí và kinh phí bảo trì tại các dự án BOT đang khai thác. 

Riêng đối với các dự án BOT đã dừng thu phí do đã thu đủ theo phương án tài chính, sau khi có báo cáo của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu phương án trả lời. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hiện  đang nghiên cứu ý kiến của các bộ để trả lời Bộ GTVT. Đối với các tuyến đường cao tốc của VEC, theo quy định hiện nay thẩm quyền quyết định vốn, kế hoạch bảo trì các tuyến cao tốc do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC thực hiện, tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Tổng cục ĐBVN đã hướng dẫn, phối hợp thực hiện đồng thời đã có chỉ đạo về phương án sửa chữa tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai để VEC thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, công tác quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, tuy nhiên để thực hiện tốt công tác này, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, Tổng cục ĐBVN cũng đã có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương triển khai công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn đúng quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN và các đơn vị cũng triển khai kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ; tổ chức đếm xe trên các tuyến đường; công bố lại tải trọng và khổ giới hạn cầu, đường; xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở phục vụ cho việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong công tác quản lý, bảo trì; tổ chức thẩm tra, quyết toán các dự án bảo trì theo quy định...

Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn

Trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm, Tổng cục ĐBVN sẽ cùng với các cục quản lý đường bộ, sở GTVT và các đơn vị phấn đấu tập trung triển khai thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, quan trắc và các nhiệm vụ chi khác để bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn bảo trì từ ngân sách nhà nước.

Tổng cục ĐBVN cũng tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng tiến độ và các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đúng quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng các tuyến đường quốc lộ, chất lượng, hiệu quả các dự án sửa chữa và công tác bảo dưỡng thường xuyên, công tác vận hành các bến phà, cầu phao.


Các đơn vị liên quan sẽ tăng cường rà soát, xử lý điểm đen về tai nạn giao thông; theo dõi kiểm tra phát hiện các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông báo cáo Bộ GTVT kịp thời để cho chủ trương khắc phục; tăng cường kiểm tra, giám sát thu phí của các dự án BOT; kiểm tra xác định cụ thể các chi phí trong quản lý, khai thác, bảo trì các dự án BOT đồng thời thường xuyên cập nhật xác định thời gian dừng thu phí…

Kinh phí bảo trì đường bộ năm 2021 gần 10 nghìn tỷ đồng

Năm 2021, tổng kinh phí cần thiết thực hiện công tác bảo trì đường bộ là 11.760,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự toán ngân sách trung ương giao năm 2021 để chi cho công tác quản lý bảo trì là 9.986 tỷ đồng (cơ cấu gồm 1.281,7 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác phà, cầu phao và vận hành công trình khác; 7.760,8 tỷ đồng sửa chữa định kỳ (gồm cả chi trả các dự án chuyển tiếp từ 2020); 866,3 tỷ chi công tác sửa chữa đột xuất và 167,6 tỷ chi các nhiệm vụ khác).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật