Nhưng chiến tranh xa rồi, còn cuộc sống trước mắt với nhiều lo toan đang thúc giục mỗi ngày. Làm sao để thoát được nó là câu hỏi đâu chỉ của mình Diên. Việc gối việc, lo toan kế tiếp lo toan nên lời hứa đi tìm ông cứ lần nữa mãi rồi bụi thời gian cũng phủ mờ. Về nhà không ai dám nhắc vì thấy Diên đang kiệt sức mỗi ngày, chỉ có dáng ngồi của bà là chất vấn lòng Diên. Dãy Trường Sơn, Diên từng đến một lần. Vào những năm tháng sinh viên cùng đoàn thực tế của khoa đi xuyên Việt. Xe dừng lại bên nghĩa trang Trường Sơn, những ngọn đồi lặng lẽ cạnh thượng nguồn sông Bến Hải. Hơn mười nghìn phần mộ nằm lại nơi này có biết bao liệt sĩ vô danh.
Trong đó liệu có ông của Diên?
Dáng lặng lẽ, nhỏ nhoi của Diên lẫn trong những hàng mộ trắng. Đi đến rã rời chân và nhức nhối tâm can vẫn không gặp được ông ở nơi này. Có thể ông đang nằm đâu đó trong bảy mươi hai nghĩa trang trên mảnh đất Quảng Trị này, hoặc cũng có thể không. Núi rừng bao la, đất trời rộng lớn, Diên đã chẳng đủ thời gian để mà đi. Ông ở rất gần trong tiếng lá reo, trong từng cơn gió, trong bông hoa tím ngát mà Diên cúi xuống hôn trên đoạn đường nghỉ chân ngắn ngủi. Và cũng đã có lúc Diên nghĩ, nếu không thể tìm đón được ông về chắc Diên sẽ đưa bà vào thăm mảnh đất này để được hội ngộ cùng ông. Trường Sơn lùi lại phía sau, thành phố đã đón Diên trở lại.
Suốt sáu năm qua, thỉnh thoảng Diên gặp lại Trường Sơn trong những giấc mơ đứt đoạn.
Lần gần nhất Diên về thăm nhà, nghe bà bảo “Sáng nay thức dậy, bà lỡ không nhớ rõ khuôn mặt ông rồi, giờ biết làm sao?”. Trong câu nói tựa có hơi sương, như là nước mắt, như chiếc lá khô vừa rụng xuống ngoài vườn. Diên nằm xuống trên chiếc chõng tre cạnh chỗ bà ngồi, muốn ôm bà an ủi. Bà ngồi đó, vừa nhai trầu vừa hồi tưởng những câu chuyện về ông. Vườn nhà, lá xôn xao, mây trên trời bay ngang một dải… Hôm Diên quay lại thành phố, bà theo ra cổng dúi vào tay Diên một lá thư:
- Trong này có ảnh ông và các thông tin cần thiết, cháu giúp bà gửi đến chương trình “Nhắn tìm đồng đội”. Bà thấy trên đài người ta tìm thấy cũng nhiều. Biết đâu…
Diên nắm tay bà, rồi lặng lẽ đi. Thành phố đang dần trước mặt còn quê nhà thì hun hút sau lưng.
* * *
Diên nhớ đến vườn hoa của bà, những bông cúc vàng rực rỡ và lay ơn đỏ, bà đã trồng nó cho ông. Mấy mươi năm hoa nở vườn bà chắc đủ một thảm hoa vàng nối hai bờ sông Bến Hải. Mùa hè năm 1972, bà nhận được bức thư cuối cùng từ ông, giờ đã hoen màu.
Ông đã lẫn vào cỏ cây, sông suối, xanh tốt và phẳng lặng. Vài người nói thoang thoảng như gió bên tai bà, rằng chiến tranh qua lâu rồi còn đau đáu làm chi…
Diên dừng lại sáu mươi giây đèn đỏ thì nhận được điện thoại của bố. Bố bảo bà dạo này yếu lắm, mấy hôm nay khớp đau, bà đã không thể ra hiên ngồi được nữa. Diên trôi đi trong dòng người tấp nập, phố xá nhộn nhịp nháo nhào, chỉ lòng Diên đơn lạnh. Có một nỗi mất mát mơ hồ, xa xôi nào đó ám ảnh Diên. Như là người ta nhìn thấy những cây cổ thụ giữa rừng đang cằn cỗi dần và úa vàng sắc lá. Thế hệ của những người như ông bà Diên đến một lúc nào đó chỉ còn nằm trên trang sách.
Diên chìm vào giấc ngủ mệt mỏi sau cái ý nghĩ sẽ hoàn thành sớm công việc để trở về bên bà. Chuông điện thoại reo vang, một số máy lạ. Diên nghe máy, đầu dây bên kia có vẻ ngập ngừng rồi một giọng nói vang lên:
- Cô à! Cô có phải là thân nhân của liệt sĩ…
Giọng nói ấy nghẹn đi, Diên kịp nhận ra đó là giọng của một người cao tuổi. Diên ngồi bật dậy, muốn nói gì đó mà lời mắc kẹt trong lời.
- Ông cháu…
- Tôi thấy thông tin trên “Nhắn tìm đồng đội” nên liên lạc với cô. Chúng tôi cùng đơn vị với nhau...
Tim Diên như muốn vỡ òa. Cuộc điện thoại kéo dài khá lâu, hai thế hệ đứng trước câu chuyện về chiến tranh thành ra có quá nhiều điều để nói. Diên kể cho đồng đội của ông nghe về những năm tháng chờ đợi mỏi mòn của bà, về vườn hoa vàng sắc nắng, về những cái giật mình thảng thốt giữa đêm. Đồng đội của ông thì kể về những ngày đêm chiến đấu, những người đã ngã xuống và cả những công việc của người may mắn trở về.
- Đơn vị tôi mỗi người một quê. Trở về sau chiến tranh, xen giữa cuộc sống nhật thường, chúng tôi vẫn hội tụ nhau để quay lại chiến trường xưa tìm đồng đội...
- Giá mà một ngày nào đó ông cháu trở về. Với cháu thì đó là
cổ tích...
- Ông cháu rồi sẽ trở về bằng cách này hay cách khác…
Diên hiểu. Chỉ là thỉnh thoảng cũng tự vẽ lên trong hy vọng mờ ảo như sương núi. Cuộc trò chuyện ấy kéo Diên trở lại Trường Sơn một lần nữa để tìm ông. Đồng đội của ông còn nhớ mang máng vị trí căn hầm bị sập, nơi có chín liệt sĩ nằm lại khi xe tăng địch càn qua. Nhưng giữa bạt ngàn rừng núi, trí nhớ qua mấy chục năm mưa nắng liệu còn có thể dẫn đường? Dù thế nào Diên cũng phải đi, nhất định phải đi, ông đang đợi Diên nơi ấy.
Mọi công việc được gấp gáp hoàn thành với sự trợ giúp của sếp Diên. Lịch sử vẫn luôn được coi trọng. Diên điện về nhà dặn bố đừng vội nói với bà. Người già như sợi đàn tơ, sợ căng ra mãi rồi cuối cùng sẽ đứt. Diên không muốn gieo vào lòng bà sự hy vọng quá lớn này khi không biết trước được kết quả sẽ ra sao. Bố định nói gì nhưng ngập ngừng hồi lâu, trước khi tắt máy, Diên kịp nghe thấy tiếng ho của bà lẫn trong tiếng gió…
* * *
Tựa đầu vào cửa kính, thấy hơi thở của nhịp sống hiện đại đang trôi đi dọc hai bên đường Hồ Chí Minh. Nhìn màu xanh tốt tươi của sự sống, những người trẻ như Diên thật không thể tưởng tượng được rằng mỗi tấc đất nơi đây từng bị bom cày, đạn xới, biết bao xương máu đã rơi. chiến tranh đã qua lâu rồi, hãy yêu những cung đường tươi đẹp này đi. Diên mỗi lúc lại cảm thấy ông đang ở gần hơn.
Hay là những nơi Diên đi qua từng mòn dấu giày ông ở đó. Diên nhắm mắt, hít hà mùi hương gió trời luồn qua cửa kính. Mọi thứ thân thuộc đến kỳ lạ. Đồng đội của ông chắc đang chờ Diên ở đó.
Diên đến. Rất nhiều thân nhân liệt sĩ khác cũng có mặt. Vị trí của căn hầm bị vùi lấp đã được xác định. Các cựu chiến binh đã mất rất nhiều ngày mới có thể tìm ra, cũng là vì vị trí của căn hầm chiếu thẳng vào chóp một quả núi nhỏ phía trước. Quả núi nhỏ ấy, chiến tranh, bom đạn đã oanh tạc, giờ đây cây cối mọc lên trùng điệp, bạt ngàn như muốn thử thách lòng người. Đồng đội của ông đã vỡ òa khi tìm thấy căn hầm. Một buổi chiều lặng gió, Diên đứng đó giữa bao nhiêu người thuộc cả hai thế hệ nhưng không hề có một khoảng cách nào. Chờ đợi từng giây phút, có một ý nghĩ đã an ủi Diên rằng suốt mấy chục năm qua ông nằm gần đồng đội nghe lá xôn xao và lảnh lót tiếng chim chuyền.
Tất cả đã hòa vào đất. Còn lại vài di vật và hài cốt chưa thể xác định danh tính nên được chính quyền đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ. Diên cúi xuống, rưng rưng bốc một nắm đất gói vào chiếc khăn tay. Ông đây rồi, Diên sẽ đưa ông về bên bà, hồn ông đã lẫn vào hồn đất. Khi đoàn người đưa hài cốt các liệt sĩ trở về, gió đại ngàn thổi hun hút phía sau lưng như khúc tráng ca tiễn biệt. Khi đã ngồi trên chuyến xe Bắc Nam đông nghẹt, Diên cúi xuống hôn nắm đất trên tay, nước mắt lặng lẽ rơi. Chắc hẳn bà đang đứng trước vườn hoa vàng chờ ông về…