Ghét bạn của mẹ

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực lòng mà nói, gia đình em không “ổn” như em nghĩ. Việc vợ chồng em ly thân là dấu hiệu cho thấy tình trạng tổn thương của gia đình.
Ghét bạn của mẹ
Ảnh minh họa

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em 39 tuổi, có một con gái 12 tuổi và một con trai 8 tuổi. Vợ chồng em đang có vấn đề về tình cảm nên thống nhất sẽ sống ly thân một thời gian. Chồng em về ở nhà nội, em và hai con ở nhà riêng. Cuộc sống của em vẫn ổn, em vẫn lo được cho hai con mà không cần ba chúng.

Mặt khác, sống riêng cũng bớt cãi vã, nhà cửa đỡ ồn ào, ăn uống thì đơn giản hơn. Em thấy quyết định ly thân của mình là đúng, còn mọi việc sau này thế nào tạm thời em cũng chưa nghĩ đến vội. 

Thỉnh thoảng em cũng có vài người bạn đến chơi nhà, cả nam lẫn nữ. Tuần trước, con gái em đã làm một chuyện rất bất ngờ.

Trên Facebook của cháu có hình cháu chụp mấy người bạn đang ngồi chơi ở nhà em, cháu viết đại ý rất ghét những người này, thường rảnh rỗi tới nhà chơi, lê la ăn uống, hát thì dở, nói chuyện thì vô duyên, cháu mong ba về để đuổi hết đi, mấy người này đừng tới nhà nữa.

Em cũng không biết chuyện này, cho tới khi một chị bạn gửi em mới biết. Em cảm thấy có lỗi với bạn bè. Khi em xin lỗi, ai cũng nói là chuyện con nít, không chấp, nhưng em biết mọi người buồn bực. Em bảo con gái phải gỡ bài đăng và xin lỗi các cô chú, nhưng cháu cãi lại, còn tuyên bố thẳng: “Con ghét bạn mẹ”.

Em không kiềm chế nổi, đã đánh con. Con bé tỏ thái độ thách thức, không những không gỡ bài, mà sau đó còn vô trang cá nhân của bạn bè em, “còm” thẳng là con ghét cô, chú. Hiện mẹ con em đang rất căng thẳng, em không biết làm sao để xử lý việc này, xin chị cho em lời khuyên.    

Ngọc Hương (TPHCM)

Em Ngọc Hương thân mến, 

Người lớn chúng ta rõ ràng là đang chậm hơn bọn trẻ trên mạng xã hội em ạ. Trẻ nhanh nhạy hơn với công nghệ, ham thích mạng xã hội và dành cho thế giới ảo nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, mặt trái của mọi chuyện đang diễn ra, không riêng em mà rất nhiều gia đình cũng kêu trời vì bất lực khi con trẻ tham gia mạng xã hội theo cách chúng ta không muốn.

Thực lòng mà nói, gia đình em không “ổn” như em nghĩ. Việc vợ chồng em ly thân là dấu hiệu cho thấy tình trạng tổn thương của gia đình.

Tất cả các thành viên như cha, mẹ, hai con… đều chịu tác động, có thể nói c‌ơ th‌ể gia đình đang trong thời kỳ suy yếu, ốm đau. Sự cứng đầu, ngang bướng của con gái em, phản ứng “con ghét bạn của mẹ” có thể là một dấu hiệu cho thấy bé đang tìm cách tự vệ, phản kháng. 

Có thể cháu tìm người, tìm nguyên cớ đổ lỗi cho việc không có ba ở nhà. Có thể cháu chỉ đơn giản muốn gia đình là của riêng mình, không chấp nhận người lạ vô nhà, dù chỉ là ghé chơi. Cũng có thể, cháu không muốn thấy mẹ vui vẻ với những người khác, với lòng ích kỷ trẻ con, cháu chỉ muốn mẹ là của mình. 

Trẻ thường không hiểu hết ý nghĩa của những điều chúng nói, em đừng quá suy xét, phân tích lời nói của bé, mà hãy tập trung để thay đổi hành động của bé.

Các chuyên gia khuyên rằng em nên bày tỏ tình cảm với con, nói với bé rằng vẫn thương con nhưng không tán thành thái độ của con vì nó làm tổn thương những người khác.

Em hãy nói chuyện với con về việc nhà có khách, về tình bạn giữa con và các bạn cùng lớp, về sự khác nhau giữa việc con không thích nhà có khách và con xử sự thiếu tôn trọng khách. 

Cũng có thể em phải ngừng việc mời bạn bè đến nhà một thời gian, cho đến khi con gái “qua cơn” này và hiểu được cách cư xử. Bên cạnh đó, em cũng cần dành thời gian quan tâm đến hoạt động của con trên mạng xã hội, giúp con hiểu cách cư xử đúng, cách sử dụng mạng xã hội an toàn. 

Nếu cần hãy nói chuyện với chồng, chia sẻ phần trách nhiệm dạy con, bởi cho dù giữa hai người có thể có những chuyện này khác nhưng cả em và chồng đều mong muốn con trưởng thành.

Khi có sự tham gia của chồng em, việc nói chuyện với con gái em sẽ dễ hơn. Đừng để cháu coi ba như một đồng minh và biến mẹ thành phe đối đầu. Cẩn thận em nhé, gia đình đang cần em dành nhiều thời gian, công sức vào lúc này.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật