3 hải tặc lừng danh ph‌ò tá Nguyễn Huệ: Chặn quân Thanh, phá Nguyễn Ánh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong quá trình tiến ra Bắc của Nguyễn Huệ, rồi chặn đánh quân Thanh tại Thăng Long hay đối đầu Nguyễn Ánh ở phía Nam, có sự giúp sức không nhỏ của lực lượng hải tặc gốc Trung Hoa, mà nổi tiếng nhất là bộ ba Mạc Quan Phù, Trần Thiêm Bảo và Trịnh Thất...
3 hải tặc lừng danh ph‌ò tá Nguyễn Huệ: Chặn quân Thanh, phá Nguyễn Ánh
Không những trí dũng, Nguyễn Huệ còn thu phục được một lực lượng tinh nhuệ từ hải tặc (Ảnh: PeopleInfo).

Ngoại trừ người Viking ra thì xưa nay chưa có ai nghĩ đến chuyện thu dụng hải tặc làm lính chính quy vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng Nguyễn Huệ không những thu dụng họ mà còn làm cho họ tín phục ông suốt đời. Thậm chí khi nhà Tây Sơn mất rồi mà vẫn có thủ lĩnh hải tặc dám âm mưu tấn công Phú Xuân để trả thù cho ông. Dưới đây là 3 hải tặc gốc Trung Hoa nổi tiếng nhất từng ph‌ò tá Nguyễn Huệ chặn đánh quân Thanh lẫn đối đầu Nguyễn Ánh...

Mạc Quan Phù (không biết năm sinh, mất năm 1801)

Mạc Quan Phù quê quán huyện Toại Khê, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Phù vốn là tiều phu, vào năm 1787, y lên núi đốn củi thì bị hải tặc bắt rồi theo luôn nghề giặc cướp.

Năm sau, Phù cùng Trịnh Thất dẫn binh quy thuận Tây Sơn, được Nguyễn Huệ phong chức Tổng binh và phân cho dưới trướng Trần Thiêm Bảo, cả bọn lập căn cứ ở duyên hải miền Trung. Từ đó, được Nguyễn Huệ cung cấp chiến thuyền và vũ khí, cứ tháng 3-4 âm lịch hàng năm, họ lại xua quân quấy nhiễu vùng biển các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang của nhà Thanh, tới tháng 9-10 nhiều giông gió thì rút về đại bản doanh neo đậu.

Hải tặc là bộ phận quan trọng của thủy quân Tây Sơn (Ảnh: IT).

Năm 1794, Mạc Quan Phù đánh bại bọn hải tặc Phúc Kiến hơn 600 tên, lại giết đầu đảng là Huỳnh Thắng Trường, nên được ban tước Đông Hải vương. Bọn hải tặc bên Trung Quốc là Trương Á Lục cũng theo đầu quân cho Phù. Đến 1796, Phù đã có 17 tàu chiến, hơn ngàn quân với đầy đủ vũ trang. Mạc Quan Phù và Trịnh Thất là những người liều lĩnh, dám xua quân tấn công cả các cứ điểm trọng yếu của Thanh triều, nên là mối họa lớn uy hiế‌p vùng duyên hải của nhà Thanh.

Năm 1801, vua Nguyễn Ánh vây đánh Phú Xuân, Phù theo ph‌ò Quang Toản và bị bắt. Năm sau, vua Nguyễn Ánh sai Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định đi sứ, giao nộp Mạc Quan Phù cùng hai hải tặc khác là Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài cho Thanh triều (theo tiểu truyện Trịnh Hoài Đức trong “Đại Nam chính biên liệt truyện”). Cả 3 bị vua Gia Khánh xử lăng trì.

Trần Thiêm Bảo (không rõ năm sinh năm mất)

Trần Thiêm Bảo vốn là ngư dân người dân tộc Choang, quê ở Liêm Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Tháng 10.1780, Bảo cùng vợ và hai con đánh cá thì gặp bão, trôi giạt vào Vịnh Bắc bộ. Năm 1783, cả nhà Bảo bị sung vào quân quân Tây Sơn. Năm 1785, Bảo có công trong trận đánh Tây Sơn diệt nhà Trịnh nên được phong Tổng binh. Nguyễn Nhạc từng tài trợ cho Bảo thành lập một hạm đội hùng hậu, nhưng hạm đội này chưa kịp xuất phát đã bị Nguyễn Ánh cho quân đánh úp tan tành.

Năm 1788, quân Thanh đánh sang, Bảo được Nguyễn Huệ phong tước Bảo Đức hầu và cấp cho 6 chiến thuyền cùng 200 quân lính, có nhiệm vụ phòng bị quân Thanh xâm nhập theo thủy lộ. Bảo chiêu dụ thêm được hai hải tặc Trung Hoa là Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài. Khi Nguyễn Huệ xưng hiệu Quang Trung, tiến đánh quân Thanh ở Thăng Long thì Bảo được cấp thêm 10 chiến thuyền để cùng trợ lực. Mạc Quan Phù và Trịnh Thất đã theo về dưới trướng Bảo trong thời gian này, và nâng đội thuyền của Bảo thành hơn trăm chiếc.

Hải tặc Trung Hoa luôn là nỗi khiếp sợ của Hải quân Anh lẫn Hà Lan trong nhiều thập kỷ.

Cuối tháng 4.1794, Bảo chặn đánh thủy quân Nguyễn Ánh ở Đà Nẵng, phá tan kế hoạch tiến chiếm Quy Nhơn của Nguyễn Ánh. Bảo được Nguyễn Huệ phong Đại đô đốc, thành tổng đầu lĩnh của lực lượng hải tặc. Được sự giúp đỡ của nhà Tây Sơn, lực lượng hải tặc do Bảo đứng đầu được cơ cấu thành lực lượng tinh nhuệ, các đầu lĩnh đều được phong chức “Tổng binh Tàu Ô”, thế lực của Bảo càng thêm hùng hậu.

Năm 1797, Trần Thiêm Bảo dẫn hải tặc bao vây và khống chế được Diên Khánh, Biên Hòa, nhưng năm sau phải rút quân về.

Năm 1799, Nguyễn Ánh mang quân chinh phạt, Quy Nhơn bị thất thủ. 1800, Trần Thiêm Bảo mang hơn trăm chiến thuyền cùng với Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng lấy lại được Quy Nhơn.

Đầu năm 1801, Nguyễn Ánh dẫn đại quân tiến đánh kinh đô Phú Xuân của Tây Sơn, Trần Thiêm Bảo mang quân tham chiến. Quân Tây Sơn thảm bại, Phú Xuân thất thủ, chiến thuyền Tàu Ô bị đánh chìm quá nửa, 3 vị tổng binh Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài bị bắt. Quang Toản dẫn tàn binh chạy ra Thăng Long, lực lượng hải tặc cũng tứ tán.

Trần Thiêm Bảo ảo biết rằng đại cục đã định, vận mệnh Tây Sơn đã hết nên dẫn theo hơn 30 thân tín về Trung Hoa chịu tội. Vua Gia Khánh miễn chết, cho an trí Bảo cùng gia quyến ở phủ Nam Hùng (nay là thành Nam Hùng, tỉnh Quảng Đông), là nơi sâu trong đất liền, cách xa gió biển trùng khơi.

Trịnh Thất (1760-1802)

Trịnh Thất người Quảng Đông nhưng là con cháu hải tặc Phúc Kiến. Tổ tiên Thất là Trịnh Kiến, bộ hạ của Trịnh Thành Công. 1661, Kiến lui về Quảng Châu Loan (Quảng Đông) để sinh sống bằng nghề đánh cá. Kiến mất, các con ông đều trở thành hải tặc. Vài đời sau, thì hai cháu chắt của Kiến là Trịnh Liên Phúc và Trịnh Liên Xương đã lên ngôi đầu lĩnh hải tặc. Và Trịnh Thất chính là con thứ bảy của Trịnh Liên Phúc.

Năm 1788, Thất hội quân với Mạc Quan Phù thần phục Tây Sơn, được phong Tổng binh.

Hình vẽ minh họa đội quân hải tặc trên biển (Ảnh: aseanstrategic).

1795, Thất tách ra, dẫn theo hai phó tướng thân tín Huỳnh Đại Hưng và Trần Trường Phát quay về Trung Hoa, tới trấn Giang Bình (nay thuộc thành phố Đông Hưng trong Khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây) tự lập bang phái. Trịnh Thất trở thành hải tặc kiêu hùng, thủ lĩnh Hồng Kỳ bang, thế lực mạnh nhất trong hải tặc Trung Hoa, chiếm cứ một vùng suốt Quảng Đông tới Vịnh Bắc Bộ. bộ hạ của Thất nhiều tay vũ dũng thiện chiến, như Ô Thạch Nhị, Trịnh Nhất, thường tấn công cả vào thành trì của Thanh triều, quan quân nhà Thanh nghe danh Hồng kỳ đều phải tránh xa.

Năm 1801, hay tin các chiến hữu thân thiết của mình là Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài bị giết hại. Thất quyết định trở lại báo thù cho đồng bọn. Y mang theo hơn 200 chiến thuyền đến Thăng Long ra mắt Quang Toản và được phong Đại Tư Mã. Nhưng trong trận Đồng Hới, ở cửa biển Nhật Lệ, Thất đại bại và phải tháo chạy. Tháng 8 cùng năm, thủy sư Gia Long được phép của Thanh triều đã truy sát tận ổ, công phá sào huyệt Giang Bình, Thất bị bắt xử trảm. Phó tướng của Thất, đồng thời cũng là em chú bác là Trịnh Nhất (con Trịnh Liên Xương) lên tiếp quản làm thủ lĩnh Hồng Kỳ bang.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật