Nghề đóng tàu thuyền ở Hà Nam

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn 70 tuổi, ông Lê Đức Minh ở khu 8, phường Phong Hải (TX Quảng Yên) vẫn đắm đuối với những con tàu gỗ. Cuộc sống của ông từ lúc sinh ra, lớn lên, rồi già đi đều gắn bó với nghề truyền thống của làng Cống Mương này.
Nghề đóng tàu thuyền ở Hà Nam
Toàn cảnh xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền của gia đình ông Lê Đức Minh ở khu 8, phường Phong Hải (TX Quảng Yên).

Ông Minh chia sẻ, ông và gia đình có truyền thống gắn bó với nghề đóng tàu vỏ gỗ Cống Mương đến nay là 5 đời, bản thân ông cũng đã làm nghề được hơn 50 năm. Còn nếu nói về lịch sử làng nghề đóng tàu ở Cống Mương đã có cách đây gần 600 năm. Thợ đóng tàu, thuyền vùng này hầu hết là con cháu Tiên công thuộc dòng họ Nguyễn, họ Lê và họ Vũ.

Tương truyền, xưa kia 17 cụ Tiên công xuôi thuyền đến vùng cửa sông Bạch Đằng dừng thuyền, cắm sào làm nghề chài lưới. Rồi sau đó, các cụ dùng thuyền chở đất đắp đê lấn biển. Ngoài đê, các cụ dùng thuyền đánh cá, vận tải, giao thương buôn bán, trong đê thì trồng lúa. Phương tiện đi lại vào đất liền hay về thăm cố hương Thăng Long là thuyền gỗ. Đó là lý do nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ ở đảo chìm Hà Nam thịnh hành.

Qua tìm hiểu có thể thấy, nguyên lý di chuyển của con thuyền ba vách cánh dơi khi chạy xuôi gió thì vật buồm kiểu cánh tiên, khi chạy ngang gió thì cột buồm kiểu pha chằng và cột vát 2 buồm khi chạy ngược nước, ngược gió. Quan trọng là phải gò sát dây lèo buồm sau, ở phía lái vào một bên mạn thuyền cho buồm căng lên hơi chéo góc hướng về cánh buồm phía trước đã được thả hơi chùng. Gió đập vào cánh buồm sau vốn rất căng nên bật lại đập ngược về cánh buồm trước tạo thành sức đẩy con thuyền tiến lên.

Con thuyền sẽ chạy vát nghiêng về bên không có gió, tiến lên theo đường chữ “Chi”. Bản chất, con thuyền cánh dơi ba vách không phải thuyền chiến, mà được sáng tạo ra để chinh phục thiên nhiên và giao thông vận tải.

Một số con tàu đang trên đà sửa chữa.

Bản thân ông Minh cũng cho rằng, kĩ thuật đóng tàu thuyền ba vách tại làng đảo Hà Nam, không phải ai cũng áp dụng và học hỏi được hết những tinh xảo mà cha ông đã dày công nghiên cứu. Tất cả đều có nguyên lý của nó. Đặc biệt là những kĩ thuật ráp nối, phải căn chuẩn từng mi li mét, để không để xảy ra sai số. Mặt khác, mỗi thời kỳ, lại phải vận dụng linh hoạt trong từng điều kiện cụ thể.

Giờ những con thuyền ba vách đã trở thành hào quang quá khứ. Đến Cống Mương hôm nay, chỉ thấy người dân nơi đây đóng các loại vận tải lớn nhỏ đi trên sông biển; các loại tàu, thuyền đánh cá, chở khách, thuyền nhỏ phục vụ vận chuyển vật liệu sản xuất, sinh hoạt... đáp ứng nhu cầu xã hội với kỹ thuật tiên tiến nhưng vẫn dựa trên kỹ thuật truyền thống trong làm thuyền buồm ba vách.

Theo những người thợ lành nghề, điều quan trọng làm nên một con thuyền tốt, chạy đằm và nhẹ là ở ván thuyền, bộ khung xương thuyền và kĩ thuật đóng thuyền của người thợ.

Ông Minh chế tác những con thuyền ba vách để làm đồ lưu niệm cho du khách.

Một con thuyền ba vách là đồ lưu niệm hoàn chỉnh.

Khi những con tàu gỗ không còn thông dụng, những người thợ đóng thuyền Cống Mương chuyển sang những con tàu vỏ sắt. Vận dụng kĩ năng nghề truyền thống bao đời, những người thợ đóng thuyền ở đây vừa cập nhật kiến thức, áp dụng khoa học công nghệ đóng mới dựa trên nền tảng truyền thống của ông cha. Chất lượng tàu tốt, có tính khả dụng cao, cộng thêm tiếng tăm uy tín lưu truyền nhiều đời, đã giúp cho xưởng đóng tàu gia đình ông Minh lúc nào cũng đông khách.

Cuộc sống của những người thợ đóng tàu thuyền Cống Mương từ bao đời nay vẫn vậy, nặng nhọc, vất vả, và không phải ai cũng theo được nghề ông cha, nhưng một khi đã gắn bó thì không mấy ai muốn bỏ nghề. Những con tàu xuất xưởng tại Cống Mương, sau những ngày lăn lộn ngoài biển khơi lại trở về những xưởng ở đây để được bảo dưỡng, tân trang cho thật mới, thật khỏe mạnh để tiếp tục lướt sóng, vươn khơi, bám biển.

Ông Minh cùng với các con trong gia đình đã lập xưởng đóng tàu, có thể đóng tàu du lịch, tàu cho ngư dân đánh bắt xa bờ với công suất từ 400 đến hơn 1.000 mã lực. Thậm chí có những con tàu đã chạy đến trên 1.500 mã lực. Hiện tại tàu nhà ông Minh có thể đi câu cá ngừ đại dương tận vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Ông Minh cũng tâm niệm ngư dân mua tàu là ân nhân của ông. Chính họ đã nuôi sống nghề truyền thống của vùng đất làng đảo Hà Nam này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật