Tàu vũ trụ NASA ghi dấu ấn lịch sử mới trên sao Hỏa

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tàu vũ trụ Perseverance của NASA ghi dấu ấn mới ngoạn mục trên sao Hỏa khi lần đầu tiên tạo ra ôxy ở hành tinh đỏ.
Tàu vũ trụ NASA ghi dấu ấn lịch sử mới trên sao Hỏa
Các kỹ sư đưa thiết bị MOXIE vào tàu thăm dò sao Hỏa, tháng 3.2019. Ảnh: NASA

Theo Space, lần đầu tiên tàu vũ trụ Perseverance đã sử dụng thành công thiết bị MOXIE của mình để tạo ra ôxy từ bầu khí quyển mỏng và áp đảo bởi carbon dioxide (CO2) trên sao Hỏa, chứng minh công nghệ có thể giúp các phi hành gia thở và giúp đẩy tên lửa đưa họ trở về Trái đất.

Sự kiện quan trọng của MOXIE diễn ra hôm 20.4, chỉ một ngày sau khi Perseverance theo dõi chuyến bay đầu tiên của trực thăng sao Hỏa Ingenuity ngày 19.4.

Jim Reuter - phó quản trị viên Ban điều hành Sứ mệnh Công nghệ Không gian của NASA - cho biết trong một tuyên bố ngày 21.4: “Đây là bước đầu tiên quan trọng trong việc chuyển đổi CO2 thành oxy. MOXIE còn nhiều việc phải làm, nhưng kết quả từ cuộc trình diễn công nghệ này là đầy hứa hẹn khi chúng tôi tiến tới mục tiêu một ngày nào đó nhìn thấy con người trên sao Hỏa".

MOXIE (viết tắt của "Thí nghiệm sử dụng tài nguyên oxy tại chỗ trên sao Hỏa") - có kích thước bằng máy nướng bánh mì - tạo ra oxy từ carbon dioxide và loại bỏ carbon monoxide. Quá trình chuyển đổi xảy ra ở nhiệt độ khoảng 800 độ C, vì vậy, MOXIE được làm bằng vật liệu chịu nhiệt và có lớp phủ vàng mỏng để giữ nhiệt có khả năng gây hại không tỏa ra bên ngoài vào c‌ơ th‌ể của Perseverance.

Nhóm MOXIE đã làm ấm thiết bị trong hai giờ, sau đó cho nó sản xuất ôxy trong một giờ. Các quan chức NASA cho biết, MOXIE tạo ra 5,4 gram ôxy trong khoảng thời gian đó, đủ để giúp một phi hành gia thở dễ dàng trong 10 phút.

MOXIE có thể đạt được đến mức khoảng 10 gram ôxy mỗi giờ, vì nhóm nghiên cứu có kế hoạch thực hiện thêm khoảng 9 lần chạy nữa trong suốt một năm sao Hỏa (khoảng 687 ngày Trái đất).

Theo các quan chức NASA, những thử nghiệm này sẽ được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là kiểm tra và xác định đặc điểm của thiết bị, giai đoạn thứ hai sẽ đánh giá hiệu suất của MOXIE trong các điều kiện khí quyển khác nhau. Trong giai đoạn thứ ba và là giai đoạn cuối, "chúng tôi sẽ đẩy bầu khí" - Michael Hecht nghiên cứu viên chính của MOXIE tại Đài quan sát Haystack của viện Công nghệ Massachusetts - nói trong cùng một tuyên bố. Việc này có thể liên quan đến thử nghiệm các chế độ hoạt động mới để so sánh các hoạt động ở ba hoặc nhiều nhiệt độ khác nhau.

Bản thân MOXIE không thể tạo ra đủ ôxy để tạo ra sự khác biệt cho các nỗ lực khám phá trong tương lai. Ví dụ, phóng bốn phi hành gia ra khỏi bề mặt sao Hỏa có thể sẽ cần khoảng 17.000 kg nhiên liệu tên lửa và 25.000kg ôxy.

Nhưng những người kế nhiệm MOXIE lớn hơn nhiều có thể là những công cụ thăm dò tuyệt vời, cho phép các phi hành gia trên sao Hỏa "sống ngoài mặt đất" thay vì phụ thuộc vào nguồn cung cấp đắt đỏ và không thường xuyên từ Trái đất.

Tàu thăm dò Perseverance đã hạ cánh bên trong miệng núi lửa Jezero rộng 45km vào ngày 18.2, được giao nhiệm vụ săn lùng các dấu hiệu của sự sống cổ đại trên sao Hỏa và thu thập các mẫu để quay trở lại Trái đất trong tương lai. Perseverance sẽ có thể tập trung hoàn toàn vào những công việc cốt lõi đó trong khoảng hai tuần, khi thời hạn chuyến bay kéo dài một tháng của trực thăng Ingenuity kết thúc. Và MOXIE sẽ tiếp tục làm công việc của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật