Lần thứ ba mở phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, triệu tập cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau hai lần trì hoãn, sáng 22/4, TAND TP Hà Nội lần thứ ba mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm liên quan đến lô đất hơn 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM.
Lần thứ ba mở phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, triệu tập cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Sáng 22/4, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 bị cáo khác trong trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 22-29/4, xét xử vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Hội đồng xét xử gồm 5 người (2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân) do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa.

Giống 2 phiên xử bị hoãn trước đó, HĐXX triệu tập ông Nguyễn Nam Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng đại diện UBND TP.HCM và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Xem Video: Vì sao phải hoãn phiên xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng gây thiệt hại 2.700 tỉ đồng?

//

Trong vụ án này ngoài ông Vũ Huy Hoàng còn có 9 bị can khác bị truy tố gồm: Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tám đồng phạm khác bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” gồm: Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM); Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM); Đào Anh Kiệt (nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM); Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM); Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM); Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị thuộc UBND TP.HCM); Trương Văn Út (nguyên Phó phòng thuộc Sở TN&MT TP.HCM); Nguyễn Lan Châu (nguyên chuyên viên Sở TN&MT TP.HCM).

Hai lần trước, phiên xét xử bị hoãn vì một số bị cáo, người liên quan vắng mặt, trong đó có bị cáo Nguyễn Hữu Tín (63 tuổi, cựu phó Chủ tịch UBND TP.HCM). Lần này, bị cáo Nguyễn Hữu Tín tiếp tục xin được xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Theo cáo trạng, vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM liên quan dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê trên khu đất hơn 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng hiện đang bỏ trống. Ảnh: Zing.vn

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Bởi lẽ, các bị can trong vụ án là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và UBND TP.HCM. Vì nhiều động cơ khác nhau, các bị can đã thực hiện hành vi vi phạm Pháp Luật nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài.

Cụ thể, VKS cáo buộc ông Vũ Huy Hoàng cố ý chuyển giao khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (vốn trước đó được giao cho Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương) nhằm mục đích đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê và không được thành lập pháp nhân mới.

Ông bị cáo buộc chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái quy định.

Các bị cáo đã ký công văn đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl đồng thời để các sở ngành cho phép Công ty Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định Pháp Luật.

Tháng 7/2011, UBND TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là hơn 1.236 tỷ đồng. Do số tiền phải nộp quá lớn, Sabeco không thể nộp đúng hạn, nên đơn vị này báo cáo cơ quan chủ quản.

Ngày 24/10/2012, cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải ký công văn số 10194 gửi UBND TP.HCM để đề nghị chính quyền gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất cho Sabeco. Bộ Công Thương chỉ đạo Sabeco khẩn trương tìm kiếm nhà đầu tư mới có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm để triển khai dự án hiệu quả.

Dù Sabeco không nộp đủ hơn 1.200 tỷ đồng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các nghị quyết của Chính phủ về việc rà soát các dự án.

Giai đoạn 2012-2016, ông Hoàng chỉ đạo các đồng phạm ra văn bản yêu cầu cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất trên và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân, thành lập Sabeco Pearl để kinh doanh bất động sản.

Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án, mà để đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân. Do đó, quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được dịch chuyển từ tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân là Công ty CP đầu tư quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl).

bị can Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm đã cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật