Năm ấy mẹ tôi khoảng mười bốn mười lăm tuổi, vì nhà nghèo lại đông con, cho nên với tầm tuổi ấy mẹ tôi đã phải đi làm nương rẫy từ rất sớm. Ngoài việc quốc nương reo trồng rồi cơm nước ở nhà, hàng tuần bà đều cùng với một người bạn thân thiết ở cách đấy khoảng hai cây số lên rừng cặt củi mang về để dùng.
Thời ấy những nông dân miền xuôi lên vùng cao Sơn La này khai khẩn đất hoang không nhiều, tiên phong chỉ có mười mấy hộ thâm nhập vào các làng bản xã nơi thưa người để khai khẩn đất hoang. Và gia đình ngoại tôi cũng nằm trong số đó.
Đất đai vùng này rộng gấp mấy lần miền xuôi, cứ độ một huyện trên này thì phải rộng cỡ bằng một tỉnh như Hưng Yên hay Hải Dương dưới xuôi vậy. Người dân thì thưa thớt lại thêm nhiều người dân tộc thiểu số ở những vùng hẻo lánh ít khi ra ngoài, có khi đến tiếng phổ thông họ cũng chẳng nói được từ nào.
Vì thế nên cuộc sống của hơn chục hộ dân khai hoang theo tiếng gọi của cách mạng ở đây gần như bị cô lập giữa chốn rừng thiêng nước độc hoang vu hẻo lánh.
Mẹ tôi thời niên thiếu có chơi thân với một cô bạn.
Cô bạn của mẹ tôi là một người có vóc dáng đậm người hơn rất nhiều so với những người con gái cùng tuổi, điển hình là cô ta phải to béo gấp mẹ tôi một lần rưỡi, và nhìn trông cô ấy rất là gan dạ. Ấy vậy mà cô này bình thường thì rất cứng rắn, nhưng chỉ có mỗi cái tật là hay sợ ma.
Mỗi lần cô ấy cùng mẹ tôi vào rừng lấy củi, chui vào tận sâu trong rừng cả mấy cây số. Đường rừng hoang vu không một bóng người, thi thoảng thì rắn rết là bò lê lết trên đường mà cũng không hề làm cô ấy sợ hãi được, thậm chí cô ấy còn thò tay bắt rắn nữa cơ. Người trông qua có vẻ gan dạ là thế, nhưng mà lại nhát ma đến khủng khiếp. Mẹ tôi thường có nhiều câu chuyện kể về cô, về tật này tật kia, nhưng mà cái tật sợ ma là nặng nhất.
Bởi lẽ đi trong rừng âm u như vậy không một bóng người, lại thêm các cụ ở nhà cứ cảnh cáo là đi rừng phải cẩn thận, kẻo chốn rừng thiêng nước độc mà bị ma lôi thì mất xác không tìm được về.
Chính vì cái tật sợ ma ấy, mà mỗi lần đi lấy củi, cô ấy luôn không rời mẹ tôi nửa bước, mà nếu có cách xa khỏi tầm mắt của nhau, thì thi thoảng cô ấy lại hô một câu rõ to "Phượng ơi!". Cái tiếng hô của cô ấy gào thét như bị ma đuổi. Và chỉ cần mẹ tôi đáp lại, là ngay lập tức năm phút sau mẹ tôi đã có thể thấy cô ấy xuất hiện trước mặt mình và thở hồng hộc.
Hôm ấy, cứ như thường ngày, cứ cách vài phút là mẹ tôi lại nghe thấy tiếng cô ấy gọi. Hai người thi thoảng chốc chốc lại tách nhau ra để kiếm được nhiều củi khô hơn, và cũng là để nhanh chóng về nhà.
Vậy mà nửa tiếng sau đó, trời đã dần ngả về chiều mà mẹ tôi không hề nghe thấy tiếng cô ấy gọi như thường lệ. Bà tặc lưỡi:
- Con bé này hôm nay gan thật, bình thường giờ này chẳng cắt không còn giọt máu mà chạy ra chỗ mình, mà giờ này vẫn chưa thấy đâu, hay là lại đi lấy nước rồi?
Bà cười nhạt, đặt gánh củi xuống đất, đem ít xôi chuẩn bị sẵn từ nhà bỏ ra ăn chờ đợi, vì bà đã chắc mẩm rằng hẳn là không lâu nữa thôi, cô bạn của mình sẽ đánh tiếng gọi bà như mọi khi. Mà cô Thanh thì cũng có khi vì đi lấy nước mà tách xa bà hơi lâu.
Và bà cứ chờ như vậy, tiếp tục chờ, chờ đến nửa tiếng sau. Mặt trời đã bắt đầu ngả bóng sau rặng núi, màn đêm âm u dần kéo đến.
Mẹ tôi bình thường không sợ ma, vậy mà cái cảm giác rờn rợn lại chợt ập đến. Lúc này nghĩ lại, bà mới nhận ra rằng đi rừng một mình hoang vu thì ra nó lại có cảm giác rờn rợn người như thế, vậy mà bà cứ trách cô bạn mình vì cái tật sợ ma, mà kể bây giờ nghĩ lại cũng thấy cô ấy sợ là có căn cứ.
Trời càng tối dần thêm, bà đâm ra lo lắng tự nhẩm:
- Chết dở, cái con bé này nó lại đi đâu rồi nhở? Mày mà cứ đi linh tinh thì không phải ma nó lôi đi thì về ông bà già mày cũng đánh cho nhừ đòn, cái tội giờ này mà còn chưa về cơm nước!
Bà quải cái nón lá quạt cho mát, rồi đứng dậy hướng cái hướng mà vừa nãy bà và cô ấy tách nhau ra gọi rõ to:
- Thanh ơi! Mày không về à? Cẩn thận ma nó lôi mày đấy...
Bà vừa nói vừa cười, nhác thấy trời tối, bà quay mình xách gánh củi và chuẩn bị sẵn sàng đi về. Vì bà nghĩ rằng, cũng giống như mọi khi mà thôi, cô Thanh ấy chắc chẳng mấy phút mà lại chạy đến xuất hiện trước mặt bà, rồi còn cả một đống củi to ấy chứ. Chính vì cái tật sợ ma của cô ấy, mà việc kiếm củi của cô ấy cũng năng suất hơn gấp mấy lần bà. Bình thường bà mà gánh được hai gánh củi, thì cô ấy phải kiếm được bốn gánh củi khô rồi. Và cũng như vậy, khoảng thời gian cô ấy phải vào rừng lấy củi thì cứ cách hai tuần một lần, còn bà thì tuần nào cũng phải đi vì lấy được ít củi.
Bà quải nón ngân nga hát, mà chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy cô Thanh xuất hiện. Thậm chí ngay cả âm thanh lá xào xạc bởi sự tác động của bàn chân con người bà cũng không nghe thấy.
Cảm giác có chuyện chẳng lành, bà vội đặt gánh củi xuống, cầm thanh liềm chạy về hướng cô Thanh kiếm củi khi nãy. Miệng bà liên tục hô to:
- Thanh ơi! Thanh ơi...
Bà càng gọi thì giọng bà càng dồn dập và gọi càng gấp. Bởi nhẽ bình thường gọi câu thứ nhất câu thứ hai không trả lời, là đến câu thứ ba đã nghe thấy cô ấy ý ới ở đằng xa rồi. Vậy mà hôm nay bà gọi đến khản cả giọng vẫn không có một âm thanh nào đáp lại.
Bà hoảng hồn tự nhủ:
- Thôi chết rồi, con này không khéo có khi lại bị ma nó lôi đi thật...
Thế rồi bà cố gắng tìm kiếm khắp cái lối mòn mà người đi rừng để lại, rồi sục sạo khắp xung quanh để tìm kiếm tung tích cô Thanh mà chẳng thấy.
Bà lại nhớ lại lời cụ ngoại dặn: " Nếu mà đi trong rừng thấy lạc, thì có khi là ma đưa dẫn lối không cho mày tìm được đường về, khi ấy mày chỉ cần lấy một vốc nước tiểu bôi hết lên mặt, là mọi chuyện sáng tỏ ngay"...
Bà vội tiểu lấy một vốc bôi hết lên mặt lên người, và tiếp tục tìm kiếm. Đêm xuống thì bà đốt đuốc, tìm khắp những nơi hay lấy củi có thể tìm. Sau này khi bà kể cho tôi câu chuyện này, bà cũng thường tự nhủ là khi ấy tại sao bà lại gan dạ như vậy, hình như càng lớn tuổi thì lòng gan dạ của mẹ tôi càng giảm đi mà thay vào đó là sợ hãi nhiều hơn thì phải. Bà nhắc lại rằng nếu bây giờ mà còn cho bà đi rừng, khéo bà ù té chạy chứ đừng nói là sục sạo khắp nơi tìm kiếm người bạn thân như vậy.
Bà cứ tìm mãi tìm mãi, một nửa thì lo cô Thanh xảy ra chuyện, lại lo về muộn bị ông bà ngoại đánh cho một trận vì không cơm nước. Một phần nữa là nghĩ cô Thanh khéo đi lạc mình, nên đã về sớm từ trước. Mình lại cứ ở lại đây, khéo người tìm thì không thấy, mà ma cỏ nó lôi đi thật.
Nhưng bà vẫn cứ kiên trì lòng tin của mình, rằng cô Thanh mà rời mình ra thì sẽ chẳng dám về một mình.
Và quả nhiên là lòng tin của bà đã đúng.
Ngay khi bà dường như muốn bỏ cuộc, thậm chí còn trách cô Thanh bội bạc vì đã bỏ về trước không nói tiếng nào khiến bà bị về muộn. Thì bà đã cảm giác được một thứ gì đó như linh tính mách bảo...
Bà chầm chậm sục sạo kĩ bằng cái lưỡi niềm trong một bụi tre theo thói quen. Mà cho dù theo lẽ thường bụi tre san sát kín mít thì người cũng chẳng chui vào được, việc bà làm cũng chỉ để cho có lệ. Thậm chí là ngay cả nơi mà con người không thể chui vào được, không có khả năng xảy ra mà bà cũng hy vọng, một niềm hy vọng không căn cứ. Ấy vậy mà hành động ấy lại như cứu giúp được người bạn chí cốt của bà.
Khi bụi tre xanh dần dần được vạch ra, trong cái ánh sáng lờ mờ của ngọn đuốc luồn vào trong kẽ tre.
Tiếng gió rít hiu hiu qua từng bụi tre khiến cho người ta có cảm giác lạnh giá, da gà da ốc cứ nổi lên.
Thì...
Đập vào mắt mẹ tôi là một đôi mắt mở to của một con người, miệng liên tục mấp máy đang không ngừng đưa đất cát vào miệng nhai ngấu nghiến nuốt lấy nuốt để.
Bà bàng hoàng nhận ra cái người ngồi giữa bụi tre không một lối vào lại chính là cô Thanh, người bạn thân chí cốt của bà.
Bà sợ hãi quá run bắn người, liệng cả thân người xuống đất. Bà phải cố sức lắm mới giữ được cái lưỡi niềm trong tay như có một cong rơm cứu mạng.
Lúc này, bà có cảm giác như có một nỗi sợ vô hình bao trùm lấy bà, và thứ đó cứ lẩn khuất xung quanh đâu đây, và cũng không biết là lý do tại sao nó lại không hề làm điều gì.
Bà toát mồ hôi hột lẩm bẩm:
- Thanh ơi là Thanh ơi, mày làm cái gì mà lại để ma lôi vào bụi cỏ thể này Thanh ơi...
Bà hoảng sợ chảy nước mắt, giữa rừng vắng hoang vu chẳng biết kêu ai.
Bà cố gọi cô Thanh đang ngồi giữa bụi tre, không ngừng đi đất vào miệng, mắt mở to như mất đi chi giác. Dù bà có gọi to cách mấy, lay động thế nào thì người bạn của bà cũng không mảy may suy chuyển, giống như đã hoàn toàn mất đi ý thức.
Bụi tre tua tủa mọc kín mít, thân tre trưởng thành già cỗi, chiếc niềm mỏng trong tay bà chặt vào mà chẳng mảy may chút gì.
Qua cái kẽ hở mỏng manh của khóm tre bà mới có thể nom thấy cô Thanh ngồi ở giữa. Xung quanh cô là tre mọc san sát, tre chọc qua kẽ tay cô, bám sát thân mình cô giống như đang bóp chặt. Bụi tre đung đưa lay động, mà cô Thanh chỉ ngồi lom khom trong một góc nhỏ bé. Thậm chí đôi chân còn tõe ra cũng đã bị tre cột chặt xung quanh. Tre bám quanh người cô cứ như là nó mọc tự nhiên như vậy đã rất lâu rồi.
Phải cố gắng lắm bà gạt đi nỗi hoảng sợ, để cố nghĩ đủ mọi cách cứu cô Thanh ra ngoài.
Chặt tre, tách bụi, dùng tay lôi kéo thân người cô Thanh. Nhưng không cách nào dùng được, thân người cô ấy to quá so với kẽ hở của khóm tre. Không phải là ma quỷ lôi vào thì người bình thường muốn chui vào trong ấy làm sao được.
Bà cố gắng kiềm nén nỗi sợ hãi trong sự bất lực cùng cực, cho đến khi mà nước tiểu trên người bà cũng dần khô hết. Bà cũng đã bắt đầu cảm thấy xung quanh mình đường đi mờ ảo, bà biết mình nếu không hành động ngay, thì rất có thể kết quả cũng giống như cô Thanh ở trong kia. Bị ma lôi vào bụi cây, bốc đất không ngừng ăn cho đến chết. Rồi đến khi người ta lại lan truyền tai nhau rằng, hai người đi lấy củi bị ma lôi đi mất tích, lại thành một câu chuyện nhát ma trẻ con.
Bà loạng choạng chạy ra khỏi chỗ này cố gắng hướng đến bờ suối cách đấy nửa cây số. Vục mặt thật nhanh vào nước uống lấy uống để, bà hy vọng có thể uống càng nhiều nước thì càng tốt, và như vậy thì rất nhanh sẽ có thể nước tiểu để cứu mạng mình.
Bà uống no nước cho đến khi đi tiểu được thật, thì bà cố nhịn tiểu mà chạy đến chỗ cô Thanh. Bà tiểu bôi lên mặt, lên tay chân, rồi bôi vào cả người của cô Thanh nữa.
Lần này bà cố sức lôi cô ấy ra khỏi bụi cây, và quả nhiên nước tiểu đã phát huy tác dụng. Cái bụi tre um tùm, không có một kẽ hở lớn nào đủ thân người chui qua, lại như giãn lỏng tách dần ra.
Đôi mắt vô hồn không ý thức của cô Thanh cũng dần tỉnh lại.
Phải hì hục mất mấy phút, mẹ tôi mới lôi được cô ấy ra ngoài, trong khi cô Thanh tỉnh lại còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị mẹ tôi kéo tay chạy như bay như biến ra khỏi rừng. Bà bỏ qua cả hai gánh củi vất vả kiếm cả hồi chiều mà chẳng thèm nhặt đến, lúc này tính mạng mình mới là quan trọng.
Cô Thanh mồm miệng toàn đất đá khản giọng không nói được câu nào.
Đến khi ra khỏi được bìa rừng mẹ tôi mới bớt sợ hãi hét toáng lên:
- Thanh ơi là Thanh ơi mày vừa bị ma nó lôi đấy mày có biết không?
Cô Thanh còn đang định hỏi chuyện gì xảy ra, cô còn định hỏi là Phượng ơi tao làm sao thế này, nhưng cô không nói được. Đến khi mẹ tôi nói ra một câu ấy, người cô mới hiểu ra, cả người cô mềm nhũn không có sức lực mà ngất đi.
Mẹ tôi dìu cô về nhà, và cũng nhanh chóng trở về nhà ông bà ngoại.
Đêm ấy mẹ tôi bị ông bà ngoại đánh cho một trận vì tội làm mất gánh củi, đi cả ngày trời mà không được cái gì.
Còn cô Thanh thì sau khi bố mẹ cô ấy biết cô ấy bị ma lôi vào bụi tre, từ bấy đã cấm tiệt không cho cô ấy đi vào rừng. Có đi rừng thì cũng chỉ lớm chớm ở ngoài bìa rừng chứ cấm có bén mảng vào trong.
Mẹ tôi thương cô ấy, nên mỗi lần đi rừng đều cố lấy thêm một gánh củi để đỡ cho cô ấy mất nhiều công sức. Bởi lẽ bìa rừng làm gì có củi, chỉ có một ít que khô nhưng ít đến đáng thương, tội nghiệp cô ấy phải kiếm củi đến mấy ngày mới đủ đun nấu, mà đáng nhẽ ra cái việc ấy chỉ cần một buổi chiểu.
Nhưng cho dù là tốn nhiều thời gian, hay bố mẹ cô ấy không cấm, thì cô Thanh cũng không bao giờ dám vào rừng một lần nữa. Bởi cứ nhìn thấy khoảng rừng âm u, là cô ấy lại nghĩ tới chuyện mình đã trải qua mà cô đã cảm thấy sợ hãi không nhấc nổi bước chân một bước vào rừng chứ đừng nói là đi vào cả cây số như trước đây để kiếm củi.
Đêm đã muộn, nên hôm nay tôi chỉ xin mạn phép kể đến đây. Câu chuyện tiếp theo vẫn là ma gọi, nhưng là ở một tình huống khác.
Nếu các bạn cảm thấy hay thì xin bình luận ở dưới để khích lệ tác giả, phần tiếp theo của "Ma Gọi" tôi sẽ cố gắng viết sớm nhất có thể. Và để kể thêm một vài câu chuyện ma có thật trong tuyển tập truyện ma tôi được nghe kể hồi nhỏ này, tôi xin phép được thay đổi tên của một vài nhân vật chính trong truyện để tránh trùng lặp nhắc tới trong đời thực.