Nga-Mỹ vẫn phải sống nhờ phi đội máy bay ném bom cũ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cả Mỹ và Nga đang nỗ lực hiện đại hóa các loại máy bay ném bom chiến lược cũ, bên cạnh việc phát triển máy bay mới.
Nga-Mỹ vẫn phải sống nhờ phi đội máy bay ném bom cũ
Bộ 3 máy bay ném bom chủ lực hiện có của Mỹ: B-1B Lancer, B-2 Spirit và B-52 Stratofortress

Mới đây, Không quân Mỹ đã quyết định cho ngừng hoạt động các máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer. Ở giai đoạn đầu, họ sẽ loại biên gần một phần ba số máy bay hiện có, sau đó, chương trình này sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn tất việc thay thế.

Lầu Năm Góc dự kiến sẽ thay thế B-1B bằng dòng máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider, nhưng những chiếc máy bay này còn lâu mới được sản xuất hàng loạt.

Mỹ loại biên loạt máy bay chủ lực B-1B Lancer

Không quân Hoa Kỳ hiện có 62 máy bay ném bom B-1B Lancer. Vào cuối năm nay, dự kiến sẽ có tới 17 chiếc sẽ được Mỹ cho ngừng hoạt động. Đây là những phương tiện lâu đời nhất, đã quá già lão, nếu muốn nâng cấp để đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thì chúng phải được hiện đại hóa và sửa chữa lớn với chi phí rất cao.

Chiếc Lancer đầu tiên đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Ellsworth ở Nam Dakota bay đến Nghĩa địa máy bay khổng lồ ở căn cứ quân sự Davis-Monthan, bang Arizona.

Hàng nghìn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đã ngừng hoạt động đang nằm rỉ sét ở nghĩa địa này. Nếu cần thiết, một số máy bay có thể được đưa trở lại hoạt động, một số thiết bị nằm đó chờ bán sắt vụn hoặc tháo dỡ những bộ phận nào còn sử dụng được.

Lầu Năm Góc lưu ý, các hoạt động hỗ trợ liên tục cho máy bay ném bom B-1 Lancer trong 20 năm qua đã làm hỏng cấu trúc khung thân do khai thác quá mức, các máy bay này đã được sử dụng tích cực trong các chiến dịch quân sự, đã thực hiện hàng nghìn lần xuất kích, chủ yếu là ở Trung Đông, mà những chiếc Lancer không phù hợp với các điều kiện khí hậu ở đó.

Theo ước tính của giới chuyên môn, việc bảo dưỡng những chiếc máy bay già cỗi này nhất cần từ 10 đến 30 triệu USD.

Sau khi loại biên một số chiếc máy bay, Không quân Mỹ sẽ chuyển hướng các nguồn lực được giải phóng để tập trung nâng cấp cho 45 máy bay chiến lược còn lại. Theo kế hoạch trước đây, chiếc B-1 cuối cùng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2036.

Máy bay ném bom B-1B Lancer tại nghĩa địa máy bay Davis-Monthan

Các vấn đề với tình trạng kỹ thuật của máy bay Lancer đã xuất hiện từ lâu. Vào năm 2019, Tướng không quân John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ đã báo cáo với Thượng viện rằng, chỉ còn 6 oanh tạc cơ B-1B sẵn sàng chiến đấu! Do có nhiều trục trặc, Lầu Năm Góc đã đình chỉ các chuyến bay của tất cả các máy bay ném bom loại này.

Tuy nhiên, những chiếc B-1B có vai trò quan trọng vì đây là máy bay ném bom chủ lực, nên phạm vi triển khai các máy bay này ngày càng mở rộng. Ví dụ, mới đây Lầu Năm Góc đã chuyển một phi đội Lancer đến Na Uy để một lần nữa phô trương sức mạnh và khả năng sẵn sàng chống lại Nga ở phía Bắc.

Do đó, Mỹ đang cố gắng bằng mọi cách để kéo dài tuổi thọ của những máy bay chiến lược siêu thanh. Nếu không có B-1B, Mỹ không có cách nào để đưa bom và tên lửa đến các khu vực xung đột, bởi tình hình với các máy bay hạng nặng khác cũng không khá hơn là bao.

Hy vọng mông lung vào sát thủ tàng hình B-21 Raider

Không quân Mỹ đặt kỳ vọng vào máy bay ném bom chiến lược đầy hứa hẹn B-21 Raider, được phát triển từ đầu những năm 2000. B-21 được cho là ứng dụng nhiều công nghệ tàng hình mới, máy bay sẽ có khả năng mang theo nhiều chủng loại vũ khí thông minh, kể cả vũ khí hạt nhân và đủ khả năng vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không nào.

Quá trình lắp ráp chiếc máy bay đầu tiên đã bắt đầu vào năm 2019, như dự kiến, chiếc máy bay ném bom này sẽ cất cánh vào tháng 12 năm nay. Chiếc B-21 Raider đầu tiên được dự kiến sẽ sẵn sàng phục vụ vào năm 2025, sau đó sẽ có thêm khoảng một trăm máy bay được đưa vào sử dụng.

Lầu Năm Góc tin chắc rằng, B-21 Raider sẽ đưa phi đội bay lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, Raider có thiết kế và cấu tạo rất giống với máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, mà đây là chiếc máy bay đắt nhất trong lịch sử chế tạo máy bay (giá thành của 1 chiếc B-2 đôi lúc được cho là lên đến 2 tỷ USD).

Chính bởi vậy, tổng số B-2 đã chế tạo chỉ hạn chế ở mức 21 chiếc, mặc dù theo kế hoạch ban đầu phải có 130 chiếc.

Máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider của Mỹ

Ngoài ra, trong quá trình vận hành đã phát hiện những thiếu sót nghiêm trọng trên loại máy bay này, mà trước hết là vấn đề bảo dưỡng. Ví dụ, cần phải có nhà chứa đặc biệt với vi khí hậu được duy trì nhân tạo - nếu không, lớp phủ tàng hình sẽ bị phá hủy.

Ngoài ra, tính năng tàng hình của B-2 Spirit cũng gây ngờ vực. Chiếc máy bay này đã tham gia chiến đấu ở Nam Tư vào năm 1999, sau đó ở Afghanistan, Iraq và Libya – những nước mà hệ thống phòng không của họ không thể được gọi là hiện đại nhất. Hơn nữa, các chiếc máy bay tàng hình đã hoạt động với sự yểm trợ của các máy bay thông thường.

Giới chuyên môn cho rằng, B-2 Spirit khó có thể hoạt động hiệu quả nếu gặp đối thủ có hệ thống phòng không mạnh như Nga, Trung Quốc, lại có sự chuẩn bị tốt để đối đầu với chúng.

Kết quả là Lầu Năm Góc đã từ bỏ B-2. Rất có thể số phận tương tự đang chờ đợi Raider đầy hứa hẹn. Ngoài ra, các loại thiết bị quân sự "tiên tiến" của Mỹ (cả máy bay và tàu chiến), dù có kế hoạch đầy tham vọng, thường không được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Trong khi đó, chỉ có các máy bay B-52 Stratofortress (Pháo đài bay chiến lược) được đưa vào phục vụ từ những năm 1950, giúp Không quân Mỹ duy trì khả năng răn đe chiến lược.

Nhưng những chiếc B-52 này cũng đã rất cũ, các đặc tính kỹ chiến thuật của chúng không đáp ứng được yêu cầu hiện đại. Nhiều máy bay ném bom đã phải chuyển sang chế độ niêm cất do không đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật và thiếu nguồn phụ tùng thay thế. Còn những chiếc có thể cất cánh đôi khi phải hạ cánh ở chế độ khẩn cấp.

Bộ 3 máy bay ném bom Nga Tu-95MSM Bear-H, Tu-160M Blackjack, Tu-22M3M Backfire

Nga hiện đại hóa phi đội máy bay ném bom

Nhiệm vụ tái trang bị không quân chiến lược cũng là một vấn đề cấp bách ở Nga. Các nhà thiết kế đang phát triển các loại máy bay mới về nguyên tắc. Dự kiến, đến năm 2027, Nga sẽ đưa tổ hợp hàng không triển vọng tầm xa PAKDA đi vào hoạt động - các cuộc thử nghiệm động cơ dành cho nó sẽ bắt đầu trong năm nay.

Máy bay ném bom mới của Nga được thiết kế theo sơ đồ “cánh bay” và cũng sử dụng các công nghệ tàng hình, mặc dù không phải ở mức độ như của người Mỹ. Việc sử dụng sơ đồ này giúp mở rộng khả năng chiến đấu, cho phép giấu tải trọng chiến đấu trong các khoang bên trong và tăng khả năng chuyên chở, bởi nó có thể nhận nhiều nhiên liệu và đạn dược hơn. Hơn nữa, nó sẽ được trang bị động cơ mạnh hơn giúp thời gian bay sẽ tăng đến 30 giờ.

Nga cũng đang đổi mới đội máy bay siêu thanh Tu-160 Blackjack. Thời gian tới sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước của máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược Tu-160M được hiện đại hóa sâu. Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch mua khoảng 50 máy bay như vậy.

Máy bay được trang bị động cơ tiết kiệm và hiệu quả hơn, thiết bị dẫn đường và điện tử hiện đại, các loại vũ khí với độ chính xác cao.

Một loại máy bay ném bom chiến lược khác là “ông lão” Tu-95 Bear-H với tốc độ cận âm cũng được hiện đại hóa để kéo dài thời gian sử dụng. Vào tháng 8 năm ngoái, chiếc Tu-95MSM đầu tiên được hiện đại hóa sâu đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Theo các chuyên gia, với các hệ thống vũ khí và hệ thống điều khiển mới, các thiết bị dẫn đường và điện tử tiên tiến, động cơ sửa đổi, trạm radar và thiết bị điều khiển mục tiêu mới, khả năng chiến đấu của Tu-95MSM sẽ tăng gấp đôi; độ chính xác của điều hướng, độ tin cậy của các phương tiện sẽ tăng đáng kể, đặc tính cất cánh và hạ cánh sẽ được cải thiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật