AI tạo clip từ ảnh người đã khuất

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Deep Nostalgia tạo ra những video sống động từ các bức ảnh xưa cũ, nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy nỗi sợ khó mô tả.
AI tạo clip từ ảnh người đã khuất
Hình ảnh được tạo ra trên hệ thống Deep Nostalgia. Ảnh: MyHeritage.

Thật khó để giải thích cảm xúc lẫn lộn khi chứng kiến bức ảnh của Frederick Douglass sống dậy chỉ với một nút bấm. Nhưng Douglass lại chớp mắt và gật đầu như thể vẫn còn sống, dù ông đã qua đời từ năm 1895, nhiều năm trước khi phim ảnh trở nên phổ biến.

Những video sống động của Frederick Douglass và nhiều người khác được tạo nên nhờ Deep Nostalgia, chương trình AI của website phả hệ trực tuyến MyHeritage. Công nghệ làm nên những hình ảnh này không thực sự phức tạp.

Người dùng được đề nghị cung cấp ảnh cũ của người thân, AI sẽ dùng thuật toán học máy để áp chuyển động vào khuôn mặt của người trong ảnh. Nó cũng bổ sung những điểm không xuất hiện trong ảnh gốc, như hàm răng hoặc một bên đầu bị khuất.

Hình ảnh của Deep Nostalgia dẫn tới nhiều phản ứng khác nhau, từ rơi nước mắt khi thấy người thân đã khuất mỉm cười, tới cảm giác lạ lùng khi thấy sự kết nối với những nhân vật lịch sử đã qua đời từ lâu. Nó chạm đến một bức tường cảm xúc bí ẩn giữa con người và công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.

Con người dựa vào nhận thức và cảm xúc

"Những hình ảnh thị giác tác động đến bản năng, có sức hút và chúng ta thường phản ứng với chúng. Con người hoạt động dựa vào thị giác. Khi thấy người thân hoặc các nhân vật nổi tiếng sống dậy, chúng ta có cảm giác cuốn hút vào những bức ảnh", Hany Farid, giám đốc Trường Thông tin tại đại học UC Berkeley, nhận xét.

Não người có những phản ứng được xây dựng từ thời tiền sử với những thứ gần giống con người, nhưng không thực sự là con người. Nhiều hình ảnh deepfake hoặc phát triển từ AI kích hoạt cảnh báo trong não. Ngay cả MyHeritage cũng đề cập tới vấn đề khi mô tả AI của họ. "Kết quả có thể gây tranh cãi và rất khó để giữ quan điểm công bình với công nghệ này", website cho hay.

Khi người thân xuất hiện dưới dạng gần như thật nhưng không phải thật, bộ não người sẽ xuất hiện những cảm xúc lẫn lộn giữa yêu quý và sợ hãi, dù tất cả đều biết rằng hình ảnh trước mắt không phải thật.

"Cách bộ não xử lý hình ảnh người khác xa với vật thể vô tri. Chúng ta đã tạo ra những hình ảnh vô tri từ nhiều năm qua và đánh lừa hệ thống thị giác vì con người không biết chúng sẽ di chuyển như thế nào. Nhưng khi xét đến hình ảnh con người, công nghệ vẫn đi sau, một phần bởi chúng ta nhận ra những chuyển động đó", Farid nói.

"Cảm giác kinh ngạc của tôi có thể lẫn với sự khiếp sợ", La Marr Jurelle Bruce, giảng viên Đại học Maryland cho biết khi chia sẻ ảnh Frederick Douglass. Bức ảnh thu hút sự chú ý của hàng trăm nghìn người trên mạng xã hội.

AI dựa vào dữ liệu và quy tắc

Công nghệ deepfake đã gây tranh cãi về mặt đạo đức suốt nhiều năm, nhất là khi nó bị lạ‌m dụn‌g cho mục đích xấu, như trả thù hoặc giả mạo thông tin để làm nhiễu loạn thị trường tài chính và an ninh quốc gia.

Về mặt tích cực, nhiều công ty đã ứng dụng công nghệ này cho những chiến dịch quảng cáo ngày càng dễ cá nhân hóa. Chúng giúp người giúp gắn kết hơn với sản phẩm hoặc thương hiệu bằng cách nhận thấy cách chúng hòa vào cuộc sống của mình.

Những ứng dụng này đang tìm cách chạm tới kết nối tương tự Deep Nostalgia, nhưng thực tế là chúng không phản ánh cách tương tác giữa người với người.

Farid chỉ ra rằng các thuật toán học máy, vốn đứng sau những công nghệ như Deep Nostalgia, đều nằm trong lĩnh vực AI. Chúng quét lượng lớn dữ liệu để tìm ra những hình mẫu. Chương trình có thể ngày càng quét dữ liệu một cách hiệu quả, nhưng cách áp dụng các hình mẫu vẫn mang tính máy móc và không có sự thông minh của con người.

"Khi dự báo thị trường chứng khoán hoặc chẩn đoán ung thư, bạn muốn phát hiện các hình mẫu lặp lại. Chúng ta không cần hiểu vì sao nó xuất hiện, chỉ cần biết liệu nó có xuất hiện hay không", Farid nói.

Tuy nhiên, điều này lại trở thành vấn đề với những vấn đề liên quan tới con người nhiều hơn. Hình ảnh người thân có thể khiến người xem cảm động, nhưng sẽ mất đi tính tự nhiên nếu họ không còn tin vào nó nữa.

Các khuôn mặt người do AI tạo ra thường đi kèm với nhiều lỗi hài hước, khi phần mềm không thể xử lý những yếu tố bất thường như kính đeo mắt và tạo ra những thứ quái dị trong những hình ảnh vốn có sức thuyết phục.

Ngay cả những hình ảnh deepfake cực kỳ phức tạp như của Tom Cruise cũng có những điểm bất thường nhỏ, khiến người xem nghi ngờ tính chân thực của nó. Chúng có thể được hạn chế khi công nghệ phát triển và đã đến lúc các công ty cần xem xét nghiêm túc với vấn đề đạo đức khi sử dụng deepfake.

"Chúng ta cần chấm dứt phát triển những cái mới chỉ vì chúng thú vị và nên bắt đầu đặt những câu hỏi khó trước khi quá muộn", Farid nêu quan điểm.

MyHeritage cảnh báo người dùng không đăng ảnh của người còn sống khi chưa được phép, khẳng định sẽ không đưa ra tùy chọn âm thanh để bảo đảm an toàn cho người dùng.

Trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện những phần mềm lấp vào khoảng trống này, cho phép người dùng nghe nhìn và nói chuyện với những người đã khuất. Những công nghệ đó chắc chắn sẽ mang đến nhiều thách thức mới vối an ninh và cảm giác thực tế của con người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật