Israel mở rộng cơ sở hạt nhân bí mật ở Dimona?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
AP ngày 25-2 dẫn các hình ảnh vệ tinh cho biết, Israel đang thực hiện “một công trình xây dựng mới quan trọng” tại một cơ sở hạt nhân bí mật thuộc một trung tâm của chương trình vũ khí nguyên tử chưa được công bố của nước này.
Israel mở rộng cơ sở hạt nhân bí mật ở Dimona?
Ảnh vệ tinh hôm 22-2 từ Planet Labs Inc cho thấy, công trình xây dựng tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Shimon Peres Negev gần thành phố Dimona, Israel. Ảnh: AP

Theo nguồn tin, đây được coi là dự án xây dựng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Các bức ảnh vệ tinh được AP phân tích cho thấy, hố đào đất lớn có kích thước bằng một sân bóng đá và có khả năng là sâu vài tầng hầm, hiện nằm cách lò phản ứng hạt nhân ở Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Shimon Peres Negev, gần thành phố Dimona, chỉ vài mét. Cơ sở này là nơi có các phòng thí nghiệm dưới lòng đất hàng chục năm tuổi, chuyên xử lý lại các thanh hạt nhân đã qua sử dụng của lò phản ứng để thu được plutonium cấp vũ khí cho chương trình bom hạt nhân của Israel.

Tuy nhiên, mục đích xây dựng là gì vẫn chưa rõ ràng. Chính phủ Israel đã không trả lời các câu hỏi chi tiết của AP. Theo chính sách mơ hồ về hạt nhân của mình, Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc có vũ khí nguyên tử. Nước này chỉ nằm trong số 4 quốc gia chưa bao giờ tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, một hiệp định quốc tế mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Việc xây dựng lần này diễn ra khi Israel - dưới thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu - duy trì những lời chỉ trích gay gắt về chương trình hạt nhân của Iran, vốn vẫn nằm dưới sự giám sát của các thanh sát viên LHQ. Điều đó khiến các chuyên gia gia tăng áp lực kêu gọi Israel công khai chi tiết về chương trình của mình.

Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington, cho biết “Chính phủ Israel phải trả lời rõ ràng đang làm gì tại nhà máy vũ khí hạt nhân bí mật này”. Với sự hỗ trợ của Pháp, Israel bắt đầu bí mật xây dựng cơ sở hạt nhân này vào cuối năm 1950 tại sa mạc trống gần Dimona, một thành phố cách Jerusalem khoảng 90 km về phía nam. Nó đã che giấu mục đích quân sự của địa điểm trong nhiều năm với Mỹ, hiện là đồng minh chính của Israel, thậm chí còn coi đây là một nhà máy dệt.

Với plutonium từ Dimona, Israel được cho là đã trở thành một trong 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân duy nhất trên thế giới. Dù Israel không công bố rõ ràng, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), nước này đang nắm giữ ít nhất 90 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình. FAS cho biết các đầu đạn được sản xuất từ plutonium thu được tại lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Dimona. Những vũ khí đó có thể được chuyển giao bằng tên lửa đạn đạo trên đất liền, máy bay chiến đấu hoặc tàu ngầm.

Trong nhiều thập kỷ, cách bài trí của cơ sở Dimona vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, vào tuần trước, Ủy ban quốc tế về vật liệu nung chảy tại Đại học Princeton lưu ý, họ đã nhìn thấy “công trình xây dựng mới đáng kể” tại địa điểm thông qua các bức ảnh vệ tinh. Các chuyên gia đã đưa ra một số gợi ý về những gì có thể xảy ra ở đó. Lò phản ứng nước nặng của trung tâm đã hoạt động từ những năm 1960, lâu hơn nhiều so với hầu hết các lò phản ứng cùng thời. Điều đó đặt ra câu hỏi về cả hiệu quả và an toàn. Năm 2004, binh sĩ Israel thậm chí còn bắt đầu phân phát thuốc iốt ở Dimona trong trường hợp cơ sở này bị rò rỉ phóng xạ. Iốt giúp ngăn c‌ơ th‌ể hấp thụ bức xạ.

Các nhà phân tích cho biết những lo ngại về an toàn đó có thể khiến các nhà chức trách ngừng hoạt động hoặc trang bị thêm cho lò phản ứng. "Tôi tin rằng chính phủ Israel quan tâm đến việc bảo đảm và duy trì các khả năng hạt nhân hiện tại của quốc gia", Avner Cohen, giáo sư nghiên cứu không phổ biến vũ khí tại viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey nhận định.

Israel đã chế tạo vũ khí hạt nhân khi nước này phải đối mặt với một số cuộc chiến tranh với các nước láng giềng Arab kể từ khi thành lập vào năm 1948 sau thảm họa Holocaust. Một chương trình vũ khí nguyên tử, thậm chí không được công bố, đã tạo cho họ lợi thế để ngăn chặn kẻ thù. Tuy nhiên, chiến lược mờ ám của Israel cũng vấp phải sự chỉ trích từ các đối thủ. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nói đến Dimona trong tuần này khi Tehran chuẩn bị hạn chế sự tiếp cận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật