Cảnh tượng chưa từng có tại lễ cầu an chùa Phúc Khánh vì dịch Covid-19

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không còn cảnh hàng nghìn người xếp hàng trước chùa Phúc Khánh trong lễ cầu an. Thay vào đó người dân ở nhà theo dõi buổi lễ qua các nền tảng trực tuyến.
Cảnh tượng chưa từng có tại lễ cầu an chùa Phúc Khánh vì dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Tối 25/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), các nhà sư tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) tổ chức đại lễ cầu an theo hình thức trực tuyến.

Trái ngược với cảnh hàng nghìn người xếp hàng ngồi kín trước cổng chùa, tràn xuống cả lòng đường như mọi năm, lễ cầu an năm nay lác đác một vài người dân tìm đến đây.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết chủ trì đại lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh. Đúng 20h ngày 25/2, chương trình được bắt đầu và phát trực tiếp trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Nhiều máy quay chuyên dụng được bố trí trong khuôn viên chính điện. Bên trong một căn phòng, đội ngũ kỹ thuật viên ngồi xử lý hình ảnh truyền trực tiếp lên mạng xã hội.

Phật tử trong chùa đeo khẩu trang, ngồi giãn cách khi hành lễ.

Ở cổng trước và sau của nhà chùa đều có lực lượng bảo vệ canh gác, khuyến cáo người dân không vào trong, chấp hành quy định của thành phố. Nhiều phụ nữ đành vái vọng từ xa.

Có mặt từ 18h để dự lễ cầu an, bà Tâm (người dân sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi chưa biết thông tin chùa đóng cửa nên đã tới từ sớm để đợi. Vì lợi ích chung của cộng đồng đây là việc làm phù hợp để phòng chống dịch Covid-19".

Trái ngược với vẻ đông đúc như các năm trước, mặt đường Tây Sơn giao thông đi lại thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc cục bộ, lác đài vài người dân đứng bên cầu vượt Ngã Tư Sở vái vọng về phía chùa Phúc Khánh.

Lần đầu tiên dự lễ cầu an qua nền tảng trực tuyến, chị Trương Thùy Linh (29 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Xem lễ cầu an onine cũng khá thú vị vì lần đầu tiên tôi được biết tường tận các quy trình của buổi lễ do các sư thầy thực hiện, khác hẳn với mọi năm chỉ ngồi ngoài đường và theo dõi qua loa phóng thanh".

Ý nghĩa của lễ cầu an là thiết lễ, tụng kinh, cầu nguyện cho con người thoát khỏi bệnh tật hay tai qua nạn khỏi, mong muốn cho tâm mọi người được bình an, công việc, sự nghiệp, danh vọng, đời sống vật chất được hanh thông tốt đẹp. Vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm, người dân thường đi cầu nguyện cho các thành viên trong gia đình họ một năm mới an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật