Nhớ Tết quê hương

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm nay, do dịch Covid-19, nhiều người con xứ Nẫu đang ở nước ngoài không trở về Bình Định để đón tết Tân Sửu. Mỗi người chọn một cách để khuây khỏa nỗi nhớ quê hương, nhớ không khí Tết cổ truyền Việt Nam.
Nhớ Tết quê hương
Ảnh minh họa

                                  Xem Video: Nhớ Tết quê hương
                                     

Nếu dịch Covid-19 không bùng phát, anh Nguyễn Minh Quốc (26 tuổi), nhà ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, đã về nước cuối năm 2020, bởi đã hết thời hạn trong hợp đồng đi xuất khẩu lao động tại Nukata - gun, tỉnh Aichi (Nhật Bản). Đêm giao thừa, anh Quốc cùng 3 người Việt Nam ở bên Nhật cũng tổ chức gặp mặt để phần nào khuây khỏa nỗi nhớ quê hương. “Tại nơi tôi ở có siêu thị Viet Kota chuyên bán đồ khô Việt Nam. Giá nguyên liệu làm bánh chưng, bánh tét khá đắt, nên anh em chỉ đặt mua 1 cây bánh tét ăn cho có hương vị Tết”, anh Quốc cho biết.

Chị Hồ Thị Tuyết (52 tuổi) cùng nhiều người cùng quê ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, đi lao động ở Philippines gần 10 năm. Năm nào, chị cùng các đồng hương đều dành thời gian nghỉ phép để về đón Tết cùng gia đình. Tình hình dịch Covid-19, việc đi lại khó khăn nên năm nay là lần đầu tiên cả nhóm chị Tuyết đều ở lại Philippines,  cùng tham gia làm bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, mứt gừng, thịt kho trứng…để ăn Tết.

Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng lấy chồng ở thị trấn Inzinzac-Lochrist phía Tây Bắc nước Pháp, cũng không thể về đón Tết quê nhà ở phường Đập Đá, TX An Nhơn.  Pháp và Việt Nam múi giờ chênh nhau khá nhiều, nên chị Phượng tranh thủ sắp xếp thời gian để có thể gọi điện về nhà nói chuyện thật lâu cho nguôi đi phần nào nỗi nhớ… Có khi tranh thủ giờ nghỉ giữa ca, chị Phượng lại gọi điện qua mạng xã hội từ Pháp về xem trực tiếp gia đình chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét; cúng giao thừa, chúc Tết… Cuối tuần được nghỉ, chị Phượng cũng diện áo dài, gói bánh chưng, bánh tét và chuẩn bị mâm cơm với các món truyền thống Việt Nam để mời chồng và ba mẹ chồng người Pháp cùng ăn Tết cổ truyền của người Việt…

Gia đình anh Nguyễn Trần Đức Huy (quê Quy Nhơn) đang sống tại Samuel dr San Jose Ca, California (Mỹ), dịp tết Tân Sửu đã bỏ nhiều thời gian, công sức làm đến 400 bánh chưng, bánh tét và 700 bánh ít lá gai Bình Định phục vụ cho các gia đình người Việt Nam ở Mỹ. Anh Huy chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ tính làm ít bánh cho gia đình chuẩn bị mâm cúng ông bà theo truyền thống, nhưng bạn bè đặt nhiều nên làm luôn. Cả gia đình đi mua gom nguyên liệu và cùng gói bánh cho mọi người thưởng thức món ăn cổ truyền ở xứ người. Ngày Tết xa quê, nhìn mâm cơm cúng ông bà có được bánh chưng, bánh tét, đặc biệt là dĩa bánh ít lá gai cũng thỏa nỗi nhớ Quy Nhơn - Bình Định”.

Tết của những người con Bình Định ở nước ngoài dù cũng có áo dài, bánh chưng, bánh tét, bánh ít, họ vẫn mong muốn được ngắm nhìn cảnh vật quê hương, rồi ba mẹ, người thân chuẩn bị mâm cúng gia tiên. Không khí Tết ở quê hương luôn vẫn ở trong tim mỗi người con xứ Nẫu xa quê. Nhờ có công nghệ, mạng xã hội,  khoảng cách địa lý và nỗi nhớ này phần nào đã được “thu xa về gần”. “Thời đại công nghệ nên các con đi du xuân, dạo chơi ở TP Quy Nhơn đều gọi điện thoại quay cảnh trực tiếp cho tôi xem. Mới một năm không về mà thấy quê hương đổi thay phát triển khá nhiều. Anh chị em dân Nhơn Lý chúng tôi đi xa quê hương cũng chung niềm vui trước điều này, chỉ mong dịch Covid-19 được khống chế là nhanh chóng sắp xếp công việc để trở về thăm nhà…”, chị Tuyết chia sẻ.

Chị Lý Thị Hạnh, nhà đường Nguyễn Thi, TP Quy Nhơn, suốt mấy ngày trước và trong tết Tân Sửu khi đi dạo chơi ở hội hoa xuân, hay về quê xã Cát Trinh (Phù Cát) thăm bố mẹ đều gọi điện thoại cho con gái đang du học ở Úc. Chị Hạnh tâm sự: “Năm đầu tiên xa con vào đúng ngày Tết, tôi lo lắng con buồn, nhớ nhà nên gọi điện thoại trực tiếp để cháu trò chuyện chung vui cùng gia đình. Hai mẹ con tâm sự, chia sẻ nhiều hơn trong dịp này. Thông qua mạng xã hội, khi thấy con cùng mấy người bạn châu Á tổ chức đón Tết tại ký túc xá, tôi cũng an tâm”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật