Treo biển “ăn Tết văn minh không hỏi bao giờ lấy chồng?”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thay vì bận tâm chuyện sắm Tết, cô bạn thân của tôi đang hối hả đi in ấn tấm biển “không hỏi bao giờ lấy chồng“ để treo trước nhà.
Treo biển “ăn Tết văn minh không hỏi bao giờ lấy chồng?”
Ảnh minh họa

Tết với nhiều người là niềm vui, niềm hân hoan, nhưng với không ít người, đó lại là một áp lực. Không phải vì chuyện kinh tế, dọn dẹp, bếp núc mà là nỗi ám ảnh trước những câu hỏi về đời sống riêng tư cá nhân. Cô bạn thân của tôi là một trường hợp như thế. 30 tuổi, có công việc đáng mơ ước ở một tập đoàn nước ngoài, lương tháng tính ra cũng ngót nghét 50 triệu. Ấy vậy mà Tết với bạn tôi luôn là cơn ác mộng dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Là con một trong gia đình, nhưng đến nay vẫn chưa một mảnh tình vắt vai, bạn tôi đương nhiên không thoát khỏi những điều tiếng từ họ hàng, làng xóm. Nhiều năm qua, cứ đến Tết là bạn tôi trốn tiệt sang nhà tôi, chỉ về nhà khi đến bữa hoặc để ngủ. Tất cả bắt nguồn từ việc bị người thân hỏi han quá nhiều đến chuyện kết hôn, lấy chồng, sinh con đẻ cái... Với một đứa tính cách hướng ngoại, luôn muốn cháy hết mình cho công việc và phát triển sự nghiệp đến mức chẳng có thời gian yêu đương gì, bạn tôi đương nhiên rất mệt mỏi với những câu hỏi như vậy từ năm này qua năm khác. Vậy là bạn quyết định dọn sang nhà tôi ở đến lánh nạn mấy ngày Tết do "ngán bị hỏi dò hơn ngán bánh chưng".

Năm nay, đã bước sang tuổi 30 - cái tuổi mà nhiều người vẫn quan niệm là "gái ế", lường trước những màn "hỏi thăm" tăng cấp Tết này, bạn tôi quyết định không trốn chạy nữa mà đối mặt trước tiếp, "giải quyết một lần cho xong". Nghĩ vậy, mấy ngày nay, bạn tôi hỳ hụi thiết kế tấm biển với nội dung "Ăn Tết văn minh không hỏi bao giờ lấy chồng". Bạn dự định in khổ lớn rồi đem treo ngay trước cửa nhà dịp Tết. "Biết là hơi sỗ sàng nhưng không làm thì mất Tết", bạn tôi tuyên bố.

Tôi biết, câu chuyện này khá phổ biến ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Thay vì đi chúc Tết theo đúng nghĩa đen, nhiều người có thói quen hỏi han quá sâu đến chuyện đời tư của người khác, nhiều lúc tới mức bất lịch sự. "Bảo giờ lấy vợ/chồng?", "bao giờ đẻ con?", "lương tháng bao nhiêu?"... là những câu hỏi khiến không ít người rơi vào cảnh "khóc dở mếu dở", trở thành gánh nặng mỗi dịp Tết đến xuân về. Cũng từ đó mà Tết với nhiều người trở nên bớt vui, bớt ý nghĩa, thậm chí chán ghét Tết.

Mới đây, tôi đọc được thông tin nhiều người trẻ Singapore lựa chọn mẫu khẩu trang in các thông điệp như "chưa có bạn trai/gái", "chưa muốn kết hôn"... để sử dụng dịp Tết Nguyên Đán năm nay. Xét cho cùng, đó cũng chỉ là hạ sách bởi ai cũng hiểu, làm vậy chẳng hay ho gì vào ngày đầu năm mới. Thế nhưng, để cứu lấy một cái Tết trọn vẹn, người ta không còn cách nào khác bằng việc tự vệ ngay từ đầu.

Giá như người ta có thể bỏ bớt tư duy quan tâm thái quá đến đời tư cá nhân người khác, nghĩ đến cảm xúc của người đối diện trước khi đặt câu hỏi, những chuyện như thế này có lẽ đã chẳng xảy ra. Nhiều người nói rằng "đó là truyền thống, phải tôn trọng" những cá nhân tôi cho rằng, chẳng có dân tộc nào coi chuyện tò mò đến đời sống riêng tư của người khác là truyền thống tốt đẹp cả. Ngày nay, đất nước đã phát triển hơn nhiều, đời sống đã hiện đại hơn nhiều, chúng ta chỉ còn thiếu những tư duy đổi mới để trọn vẹn một cái Tết văn minh.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật