Làm về mệt, con dâu tủi thân vì bố mẹ chồng cứ chừa cơm thừa: Ráng ăn không dám kể với chồng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dâu thì cũng là con cái trong nhà, bố mẹ đối xử với dâu thế này thì chẳng có lý nào bênh vực được cả. Đừng nói cha mẹ ăn được con cái phải mừng, xin lỗi, cha mẹ ăn cả mâm cơm cũng chẳng ai nói nhưng đã mang tiếng dành phần cho con thì phải làm đàng hoàng.
Làm về mệt, con dâu tủi thân vì bố mẹ chồng cứ chừa cơm thừa: Ráng ăn không dám kể với chồng
Mâm cơm nhiều hay ít món không quan trọng, vấn đề là mình được tôn trọng. Ảnh minh họa, baovanhoa.vn

Lấy chồng, đi làm cả ngày chiều về ăn cơm nhà chồng, quan sát mâm cơm từng ngày có thể phần nào hiểu được tấm lòng của nhà chồng đối với mình như thế nào chị em ạ. Như tôi đây này, quần quật cả ngày ở cơ quan, chiều về đến nhà là có mâm cơm ngon lành đang dọn. Mẹ chồng một tay làm hết, mẹ nói vợ chồng tôi cứ yên tâm lo công việc, mẹ sẽ phụ trách nấu ăn cho cả nhà. 

Mỗi tháng tôi gửi mẹ 3 triệu tiền chợ, chẳng bao giờ nghe mẹ than thiếu hay dư, mỗi ngày đều có cơm ngon canh nóng, không ăn bà còn mắng đấy. Có mẹ chồng tâm lý thương dâu thế này tôi thật hạnh phúc vì mình đã chọn đúng chồng và gia đình chồng tốt.

Nhưng hôm nay lướt facebook tôi nhìn thấy tâm sự của một chị cùng chung phận làm dâu với tôi. Thấy chị tâm sự về mâm cơm mà gia đình chồng để phần lại cho, tôi thật giận sôi gan. Mâm cơm ấy là những món thừa cặn sau khi cả nhà đã ăn no nê và cảnh này đã diễn ra rất nhiều lần rồi. Chị không dám nói, cứ cam chịu ngày qua ngày. Thử hỏi đi làm về mệt thấy mâm cơm như vầy liệu có ai muốn ăn không? Chứ nếu là tôi, góp ý 1-2 lần không được thì tôi ra ngoài ăn luôn cho rảnh nợ.

Đăng tải bức ảnh mâm cơm thừa, chị viết: "Bữa cơm nào cũng vậy. Hễ bố mẹ chồng mình ăn trước là ăn hết sạch, chỉ để lại cơm với vài thứ sót lại. Lúc nào có chồng mình thì ông bà lại như kiểu ốm yếu không ăn được.

Bạn nào đồng cảnh ngộ không kêu ca được với ai, không nói được với chồng, không làm gì được như mình không? Mình không trút giận mà vẫn luôn tự nhủ cầm lòng vậy, bằng lòng vậy, vui lòng vậy".

Ảnh trái: Thố xương nhà chồng để lại cho con dâu khiến chị vô cùng buồn lòng. Ảnh phải: Người phụ nữ khác cũng chung số phận khi bị chừa đồ thừa.

Nhìn mâm cơm rồi tự hỏi: còn thứ gì để ăn không? Bao nhiêu người chọc đũa vào mâm thức ăn này rồi họ có suy nghĩ cho người ăn sau không? Là thói quen của gia đình như vậy hay họ thực sự coi thường con dâu? Tủi thân là điều tất nhiên luôn đó chị em ơi:

- "Thời nay còn thiếu ăn nữa đâu mà phải khổ thế, cho ăn thì cho tử tế còn không thì thôi".

- "Mua thêm đồ ăn riêng hoặc là nấu nhiều lên. Bỏ ngay cái suy nghĩ chịu nhịn rồi nhịn nhục các kiểu đi nhé, ai cũng là con người cả thôi. Làm gì có ai cho ai cái quyền hành hạ người khác vậy? Kể cả là bố mẹ, trước hết phải coi trọng con cái mình rồi mới tính đến hiếu lễ nghĩa".

- "Không làm bố mẹ chồng yêu thì làm bố mẹ chồng sợ đi bạn, còn không thấy ngõ cụt thì quay đầu. Phần cơm như này không ăn chung nữa, đừng có nhịn. Chồng thì chồng mà chả chồng thì thôi".

Dù mâm cơm toàn đồ thừa thải, xương xốc lổn nhổn nhưng vẫn có người bênh vực nhà chồng bằng những lý lẽ như:

- "Cơ bản là sân si, mình có thể ăn mì tôm sống để người già trong nhà ăn thịt nhé. Cái xương này lấy đâu ra thịt, người ta không ăn được chẳng dư thừa".  

- "Thôi thì cứ sống cho hết nhẽ chị ạ. Biết là tủi thân nhưng cũng không thể làm gì để thay đổi. Chiên thêm quả trứng là xong bữa. Quan trọng là chồng với mình như thế nào thôi".

- "Bữa sau nấu nhiều lên là được, vẫn thiếu thì lần sau lại nhiều hơn nữa. Các cụ ăn được nhiều thì con cháu mừng thôi. Còn nếu thấy tủi thân vì khi có chồng các cụ lại thái độ khác thì cứ khéo léo chia sẻ với chồng cho đỡ buồn".

Vâng, không biết các chị nghĩ sao chứ tôi đã nói ở trên rồi đấy, gặp tôi mà chừa cho cái mâm thừa này 1-2 lần là tôi ra ngoài ăn luôn, hoặc tôi mua đồ về tự nấu ăn riêng nhé. Chẳng có gì đáng bênh vực ở đây cả, không thấy có tí gì hợp lý để bênh nhà chồng luôn đó.

Mâm cơm có thể ít món, nhưng mang tiếng chừa phần cho con thì phải chừa cho đàng hoàng. Ảnh minh họa, ngotoc.vn

Đồng ý là bố mẹ chồng ăn ngon miệng mới ra được đống xương kia nhưng bố mẹ ăn được thì đâu có nghĩa là bắt con ăn đồ thừa? Ơ hay, thế trước lúc nhúng đũa vào mâm thì không múc riêng cho con dâu mỗi món một ít được sao? Để dành cơm cho người sau về ăn là chừa đồ nguyên, để riêng ra và tuyệt đối không ai được động vào. Đó là cái cơ bản nhất mà mỗi người phải biết chứ nhỉ? Mang tiếng chừa đồ ăn mà ăn hết sạch mâm, còn thừa bao nhiêu người sau về "hưởng" thì đó là mất lịch sự, không biết điều đấy chứ mà bênh vực à? Thử hỏi ai chừa bố mẹ chồng mâm cơm như thế thì họ có lộn gan lên đầu không?

Không nói đến chuyện trước mặt con trai thì ông bà than thở ăn không được, chỉ riêng nói đến chuyện chừa đồ thừa đã thấy sôi gan thật sự. Nói chứ con dâu thì cũng là con, cũng đi làm kiếm tiền về phụ nuôi gia đình thì đáng lý phải được đối xử công bằng chứ? Mai này ông bà già yếu đau ốm thì sẽ phải phiền đến dâu con, nên bây giờ đối đãi tử tế để mai này dâu còn thương nữa chứ. Trần đời chẳng thấy ai ăn thừa rồi để bừa ra đấy cho con dâu cả, nếu cứ tiếp tục nhịn là nhục đấy chị gái ạ.

Theo tôi, nếu nói với bố mẹ chồng không tiện thì cứ nói với chồng, chụp ảnh hoặc dẫn anh đến thẳng mâm cơm chỉ vô cho anh thấy. Sau đó, vợ chồng bàn bạc, lựa lời bày tỏ quan điểm một cách khéo léo để ông bà không tổn thương. Cho ông bà thấy làm như thế là sai, là rất quá đáng với con dâu. Từ lần sau phải chừa phần cho tử tế, còn nếu thấy họ không thay đổi, không chịu hợp tác thì mình tự nấu hoặc ăn ngoài luôn.

Nói chung, mình đi làm có tiền thì chẳng việc gì phải chịu thiệt cả. Miếng ăn không phải miếng nhục, mình có quyền được ăn ngon theo ý thích và không ai được bắt mình ăn đồ thừa cả chị em ạ. Cha mẹ chồng thì mình tôn trọng, nhưng không có nghĩa họ làm gì sai quấy mình cũng im lặng được đâu. Cứ lựa lời mà nói, không được thì tự giải quyết theo ý mình thôi. nhu nhược không mang lại hạnh phúc đâu nhé!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật