Tấm gương giàu nghị lực

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là ông Lục Văn Thanh, ở thôn Kim Chòi, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng. Mặc dù bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn vượt khó vươn lên, tích cực lao động, hỗ trợ gia đình sản xuất và trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Tấm gương giàu nghị lực
Ông Lục Văn Thanh chăm sóc đàn gà

Xem Video: Sức lan tỏa của tấm gương khuyết tật giàu nghị lực

Ông Lục Văn Thanh sinh năm 1968, trong một gia đình nghèo, có 9 anh chị em, bố mẹ làm nghề nông. Vào năm 3 tuổi, một cơn bạo bệnh đã lấy đi ánh sáng đôi mắt của ông. Thủa nhỏ, ông từng rất buồn tủi vì không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, mọi sinh hoạt đều khó khăn, chỉ có thể dựa vào cảm quan của bản thân.

Thế nhưng khi lớn lên, với tâm hồn yêu đời và tinh thần lạc quan, ông đã vượt qua những mặc cảm bản thân, tích cực lao động sản xuất bằng khả năng của mình. Khi ông 19 tuổi, người dân quanh vùng có phong trào trồng cây, gây rừng nên nhu cầu đóng bầu cây rất lớn. Vì thế, ông nhận đi đóng bầu cây cho bà con. Hồi đó, ông cùng anh, em, bạn bè đi đóng bầu cây ở khắp các xã trong và ngoài huyện như: Tân Thành, Hồ Sơn (Hữu Lũng), Vạn Linh, Đồng Mỏ (Chi Lăng)… Trong những chuyến đi ấy, ông đã gặp bà Nguyễn Thị Hiền và lập gia đình vào năm 1989.

Đến năm 2004, để có thể ở gần nhà phụ giúp vợ con, ông quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà. Nghĩ là làm, ông bàn với vợ mua 2 con lợn nái, 200 con gà để gây giống. Mặc dù không nhìn được nhưng ông lại có cảm quan rất tốt. Ông vẫn có thể lấy thức ăn cho gà, lợn, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ nuôi… Nhờ cần cù, chăm chỉ, chịu khó, những lứa lợn, gà đầu tiên đã mang về cho gia đình ông thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm, đủ để trang trải cuộc sống. Thấy hiệu quả, gia đình ông tiếp tục nhân rộng đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc quy mô lớn nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông hay bị dịch bệnh. Ví như năm 2014, gia đình ông đã phải tiêu hủy hơn 1.000 con gà bị mắc bệnh Gumboro; năm 2017 tiêu huỷ 30 con lợn mắc bệnh tả, tổng thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.

Tuy gặp rủi ro dịch bệnh nhưng ông không hề nản chí, luôn chủ động tìm tòi đổi mới cách làm.  Ông cho biết: Từ năm 2019, tôi quyết tâm duy trì mô hình nuôi gà. Để có kinh nghiệm, tôi học hỏi từ anh, em, bạn bè, nghe đài phát thanh và tự rút ra bài học sau những rủi ro. Tôi chọn nuôi gà hồ, gà chọi, gà mía, vì những giống gà này dễ nuôi, dễ tiêu thụ. Để hạn chế dịch bệnh, tôi lựa chọn những con giống khỏe mạnh, thức ăn đảm bảo, tránh mốc, hỏng, tiêm phòng và nhỏ thuốc cho gà định kỳ (để phòng các bệnh Newcastle, cúm, hô hấp, Gumboro, tiêu chảy…). Quan trọng nhất là chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng khí, đủ ấm.

Nhờ đó, những năm gần đây, đàn gà nhà ông luôn sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Từ năm 2019 đến nay, ông duy trì đàn gà hơn 7.000 con/năm. Mỗi năm, gia đình ông thu được hơn 12 tấn gà. Với giá bán từ 45 đến 60 nghìn/kg, cho tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, ông còn vận động gia đình trồng hơn 500 cây ăn quả các loại như: nhãn lồng, vải, bưởi da xanh, đu đủ, mít… và trồng hơn 2.000 cây bạch đàn, với tổng diện tích gần 3 ha. Với mô hình kinh tế tổng hợp (chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng) sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng/năm.

Với những nỗ lực đó, tháng 9/2020, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó, sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2015 – 2020.

Bà Vũ Hoàng Thúy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân cho biết: Mặc dù bị khiếm thị nhưng ông Lục Văn Thanh vẫn luôn cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực tham gia lao động sản xuất. Ông là tấm gương điển hình để nhiều người noi theo. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật