Bỏ qua mọi lời đàm tiếu nhận mẹ nuôi 80 tuổi phụng dưỡng suốt đời

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cụ bà 80 tuổi hàng xóm bị mù lòa, già yếu sống một mình không có người thân chăm sóc nên bà Lê Thị Mộng Thu nhận làm mẹ đưa về nuôi dưỡng.
Bỏ qua mọi lời đàm tiếu nhận mẹ nuôi 80 tuổi phụng dưỡng suốt đời
Ảnh minh họa

                                      Xem Video: Cảm động cảnh con trai chăm mẹ già 90 tuổi

                                       

Cuộc sống gia đình bà Thu không mấy khá giả nhưng hai vợ chồng tự nguyện chăm sóc cụ Mịch đến cuối đời.

Về thôn Tân Quý, xã Tam Vinh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) gặp người dân địa phương hỏi nhà bà Lê Thị Mông Thu (53 tuổi) ai cũng biết. Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi chạy theo con đường bê tông tìm đến nhà bà Thu nằm giữa thôn, phía trước hiện ra một căn nhà cấp bốn cũ kỹ. Sau lời chào hỏi, chủ nhà mời khách vào uống nước.

Bà Thu nói rằng, mình mới kết thúc công việc đồng áng nên xin lỗi khách chờ đợi để làm việc riêng. Người phụ nữ có dáng người gầy ốm, làn da bánh mật rửa tay chân đi đến giường, nơi cụ Nguyễn Thị Mịch (81 tuổi) bị mù lòa đang nằm.

“Do mẹ tôi lớn tuổi và sức khỏe yếu, không còn minh mẫn nên chẳng làm được việc gì. Mấy hôm nay, chúng tôi đang vào vụ gieo sạ nên ra đồng từ sớm để mẹ ở nhà một mình, giờ đến trưa rồi nên phải nhanh chóng đưa đi vệ sinh”, bà Thu giải thích.

Làm xong việc, bà Thu xuống nhà bếp chuẩn bị cơm trưa cho gia đình, trong lúc đợi chồng và ba người con về ăn bữa trưa, bà Thu tranh thủ xới một bát cơm, có thức ăn là thịt lợn, canh bí xanh mang lên giường ngồi cạnh đút cho cụ Mịch ăn.

Từng thìa cơm xúc lên, bà Thu miệng nói những lời dỗ dành giống như đứa trẻ để cụ Mịch ăn. "Mẹ ăn xong con dẫn đi chơi", "Mẹ ăn đi mai con mua áo quần mới cho"… thì cụ Mịch nhai nuốt. Những thìa cơm tiếp theo bà Thu phải nói lời ngon ngọt để bà cụ ăn hết bát cơm.

Bữa ăn cho mẹ, bà Thu mất 20 phút rồi kể, cụ Mịch không phải là người thân của mình, mà là hàng xóm. Theo bà Thu, cụ có hoàn cảnh hết sức T.Tâm từ lúc còn nhỏ. Gia cảnh cụ Mịch có hai anh em nhưng mồ côi cha mẹ. Lúc cụ lên ba tuổi bị mù lòa nên người anh trai tên Nguyễn Khoái không lấy vợ để chăm sóc em gái mình. Cuộc sống luôn khó khăn nhưng cụ Mịch được người anh chăm sóc nuôi dưỡng, nhiều lúc thiếu thốn người dân trong làng chung tay đóng góp phụ giúp.

Bà Lê Thị Mộng Thu cho cụ Mịch ăn. Ảnh: Lộc Hà.

Tuy nhiên, năm 2014, ông Khoái ở 85 tuổi bị bệnh qua đời để lại một mình cụ Mịch trong căn nhà trống vắng. Thiếu bàn tay chăm sóc của người thân, cụ Mịch bị mù lòa nên cuộc sống qua ngày được những người hàng xóm thay nhau nấu cơm mang đến, tắm giặt, vệ sinh…, trong đó có bà Thu.

Nhiều hôm hàng xóm, cũng như bà Thu bận việc mùa mang đi về muộn, cơm nước không được đúng giờ. Đặc biệt, ngày mưa bão, giá rét việc đưa đồ ăn cho cụ gặp nhiều khó khăn trong lúc đi lại.

Sau một thời gian chia nhau chăm sóc, bà Thu cảm thấy sự bất tiện, phần nữa cụ Mịch lớn tuổi, mù lòa sống một mình lỡ có việc gì xảy ra không ai hay biết. Cuối năm 2014, bà Thu bàn với chồng và các con đưa cụ về nhà ở cùng để tiện nuôi dưỡng và được mọi người trong gia đình ủng hộ.

Căn nhà bà Thu tuy chật chội nhưng dành một phòng nhỏ phía cuối ngôi nhà đặt một cái giường cho cụ Mịch nằm. Nơi đây không rộng rãi nhưng mỗi ngày cụ Mịch được sống cùng một gia đình hàng xóm và nhận sự chăm sóc từ người dưng để bớt đi phần cô quạnh.

Ông Nguyễn Công Dũng (53 tuổi) chồng bà Thu làm thuê ở trang trại chăn nuôi để kiếm tiền nuôi ba đứa con ăn học; còn bà Thu ở nhà quần quật với vài sào ruộng, nuôi mấy con lợn. Gia cảnh bà Thu không mấy khấm khá nên khi biết tin đưa cụ Mịch về nuôi dưỡng, nhiều người thân thích ra sức ngăn cản, bảo đón cụ về là rước cái khổ cả đời. Có người còn nói là chắc vì tiền, vì đất đai của cụ Mịch mà bà Thu làm vậy để hưởng gia tài sau khi cụ qua đời.

“Họ nói thế nào tôi cũng mặc kệ. Tôi nghĩ mình đã có nợ kiếp trước với cụ, xem như kiếp này phải trả”, bà Thu nói và kể tuổi thơ của mình không gặp được may mắn.

Lúc 6 tuổi, bà Thu đã mồ côi mẹ, sống chung với mẹ kế. Khi đưa cụ Mịch về ở cùng, chăm sóc bà Thu chấp nhận vất vả. Bởi nuôi dưỡng người già đã khổ nhưng cụ Mịch bị mù lòa, sau này già yếu nằm liệt giường còn khổ hơn.

Bà Thu tâm sự: “Tôi xem cụ là mẹ của mình, mà con cái thì có bổn phận nuôi dưỡng mẹ khi về già. Được chăm sóc mẹ, với tôi là hạnh phúc. Biết cuộc sống khi đón cụ về nhà sẽ thêm phần khó khăn nhưng đổi lại tăng cường lao động, nuôi thêm con lợn, còn gà bán có thu nhập thì bù lại được”.

Đều đặn hơn 5 năm qua, mỗi ngày bà Thu thức dậy từ sớm nấu cơm, cháo cho cụ ăn, công việc thì làm quanh quẩn gần nhà không được đi xa để trông nom. Riêng việc cho ăn uống, tắm giặt cho cụ đã mất gần một buổi nhưng bà Thu chấp nhận.

“Khoảng một năm nay, cụ Mịch không còn minh mẫn, tính khí bắt đầu thay đổi, ăn rồi nói chưa ăn. Nhiều lúc cụ quậy phá, chửi mắng vì bệnh tuổi già. Đôi lúc tôi phải năn nỉ, nhiều khi dọa trả cụ về nhà, thế là cụ mới ngoan, nghe lời”, bà Thu chia sẻ và bày tỏ tính khí người già, cụ có mắng mình cũng phải chịu thôi, còn đưa qua nhà thì ai nuôi, ai lo cho cụ.

Những lúc rảnh rỗi, bà Thu dẫn cụ Mịch đi chơi quanh làng xóm. Ảnh: Lộc Hà.

Bà Thu bày tỏ, chuyện sướng khổ bà chấp nhận được, nhưng những điều tiếng phát sinh từ việc chăm sóc cụ Mịch thì đôi lúc cũng khiến bà phiền lòng. “Cũng có nói ra nói vào là chắc vì tiền, vì đất đai gì của cụ Mịch mà tôi mới làm vậy. Nghĩ cũng buồn nhưng tôi mặc kệ. Tôi cố gắng chăm sóc và cầu mong cụ khỏe mạnh để sống với gia đình mình”, bà Thu chia sẻ.

Ông Dũng, chồng bà Thu cho rằng, khổ thì đã khổ rồi, cụ Mịch về sống chung gia đình ăn thì cụ ăn nấy. “Đưa cụ về nuôi coi như làm phước cho con mình sau này. Tôi mong vợ chồng mình luôn mạnh khỏe để phụng dưỡng cụ Mịch đến cuối cuộc đời”, ông Dũng nói.

Bà Lê Thị Loan, sống cạnh nhà bà Thu cho hay, không có mấy người như chị Thu đưa người dưng về nuôi. Nhiều gia đình con cái xảy ra việc đùn đẩy nuôi dưỡng bố mẹ khi về già nhưng bà Thu làm điều ngược lại. Mà cụ Mịch không phải người thân nhưng chị Thu vẫn yêu thương chăm sóc như mẹ của mình.

“Gia cảnh cụ Mịch không có gì để mà thừa kế, không biết người khác nghĩ gì, còn tôi thấy bà Thu là người tốt, có tấm lòng rộng mở nên rất khâm phục”, bà Loan nói.

Với việc làm đầy tình người của mình, bà Lê Thị Mộng Thu là 1 trong 16 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh trao giấy khen năm 2019. Nhiều năm liền bà được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện khen tặng danh hiệu phụ nữ xuất sắc cấp huyện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật