Cô giáo lớp 4 “trường làng” nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân 2020

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều năm đi dạy xa nhà tại một điểm trường lẻ thuộc xã Châu Thành, tỉnh Long An, cô Thảo nói rằng: “Thấy học sinh yếu, tôi không nỡ rời đi“.
Cô giáo lớp 4 “trường làng” nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân 2020
Nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo. Ảnh: Báo Long An

Trưa ngày 21/1, nhận được điện thoại chúc mừng vì được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2020 là lúc cô Huỳnh Thị Phương Thảo (Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vừa kết thúc buổi dạy sáng. 

Cô Thảo hết sức bất ngờ vì “Mình dạy học suốt từ sáng tới giờ, còn chưa đọc báo”.

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo là giáo viên tiểu học duy nhất trong số 18 nhà giáo nhận danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” năm 2020.

"Thấy học sinh yếu, tôi không nỡ rời đi"

Cô Thảo nói mình theo nghề "gõ đầu trẻ" bởi cả hai bên gia đình nội ngoại đã từng có rất nhiều người đi dạy.

“Thấy các dì, các cậu đi dạy, tôi rất thích nên sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi quyết định theo ngành sư phạm”.

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, cô Thảo được phân công về công tác ở Trường Tiểu học Việt Lâm.

Lúc bấy giờ, Trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông là một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Khi đó, cô cũng không thể hình dung được mình sẽ gắn bó với nơi này đến ngày hôm nay.

"Bây giờ, đường xá đã thuận tiện chứ trước đó, để đi được tới trường là khá khó khăn. Cơ sở vật chất không có gì, ngồi phòng học này nhìn được sang phòng học kia..." - cô Thảo nhớ lại khi được Phòng Giáo dục phân về trường, cô không dạy ở trường chính ngay mà dạy ở điểm trường lẻ. Ở đây, trường chỉ dạy đến lớp 4, vì học sinh lớp 5 sẽ về điểm chính học.

Trường nghèo, học sinh cũng đa phần nghèo khó. Theo lời cô Thảo, sau này một số gia đình có thêm nghề nuôi tôm, chứ trước đó, và cả bây giờ, phụ huynh chủ yếu đi ghe, đi thuyền kiếm sống. Vì thế, họ ít có thời gian chăm sóc con cái.

“Học sinh của mình nhiều em chỉ ở với ông bà nội, ngoại, do ba mẹ còn bận đi kiếm sống. Ba mẹ không có thời gian, ông bà đa số không biết gì để kèm cặp cháu, nên học sinh vùng này hơi yếu, dạy cực hơn giáo viên ở thành phố” – cô Thảo chia sẻ.

Cô Thảo có nhiều sáng kiến trong việc giảng dạy. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, cô đã gắn bó tới nay là 29 năm ở ngôi trường vùng sâu này.

“Mình cũng không muốn xin về dạy ở gần nhà. Mình dạy quen rồi không muốn đi nơi khác, cũng vì rất thương học sinh nơi đây. Dù biết dạy ở thành phố sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng thấy học sinh yếu, tôi không nỡ rời đi”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật