Tăng thêm thu nhập từ nghề vẽ tranh tường

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay, vẽ tranh tường đang là trào lưu được nhiều người ưa chuộng bởi sự độc đáo, sinh động, góp phần tăng thu nhập cho nhiều người.
Tăng thêm thu nhập từ nghề vẽ tranh tường
Những bức tranh tường góp phần tô điểm cho đường quê thêm rực rỡ

Xem Video: Nghệ thuật vẽ tranh đường phố trên tường cũ

Ngày nay, chúng ta không khó để bắt gặp những bức tranh tường tại các quán cà phê, nhà hàng, trường học, phòng khách, phòng ngủ của các gia đình,... Đó có thể là những bức tranh với chủ đề về đồng quê, con vật, đời sống sinh hoạt. Song, để vẽ được bức tranh tường đẹp, độc đáo và chân thật, họa sĩ không chỉ có khiếu thẩm mỹ, trí tưởng tượng mà còn phải biết chọn chủ đề phù hợp với từng địa điểm, hoàn cảnh, nhất là phải làm hài lòng khách hàng.

Vẽ tranh trên tường khác với vẽ tranh trên giấy thông thường. Để bắt đầu vẽ tranh trên tường, người vẽ phải sơn lót trắng từ 1-2 lần, sau đó lên ý tưởng cho khung tranh. Tiếp theo, người vẽ sẽ phác hình, chia bố cục bức tranh và lên màu. Giai đoạn lên màu được chia thành 2 bước, lên màu nền và vẽ chi tiết. Sau khi vẽ xong, họa sĩ thường phủ tiếp một lớp dầu bóng để giữ màu cho tranh và giúp bức tranh có chiều sâu hơn. Về chất liệu vẽ, nếu vẽ ngoài trời, họa sĩ sẽ sử dụng các loại sơn màu chất lượng cao, đắt tiền hơn để giữ bức tranh bền màu. Thông thường, tuổi thọ của tranh tường trên 10 năm. Với những bức tranh tường ở không gian ngoài trời phải chịu tác động của thời tiết, màu dễ bạc thì giữ được từ 5-7 năm. Tranh tường còn được chia ra làm 2 yếu tố là màu sắc và bố cục.

Anh Lý Văn Trường (họa sĩ vẽ tranh tường, giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Tân Ninh, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cho biết: “Vẽ tranh trên tường không thể xóa như trên giấy, vì vậy người vẽ phải đặc biệt cẩn thận và chính xác. Vẽ tranh tường, công đoạn khó khăn nhất là vẽ chi tiết, đòi hỏi người vẽ phải thật tỉ mỉ, có kỹ thuật và óc sáng tạo mới thể hiện được thần thái của bức tranh, làm người nhìn cảm thấy chân thật như đang sống trong không gian thật”.

Được biết, cách đây 5 năm, anh Trường đã bắt đầu “bén duyên” với nghề vẽ tranh tường. Lúc đó, tranh tường chưa thịnh hành ở Long An, vì vậy, anh thường theo bạn lên TP.HCM hoặc về tận quê hương Đồng Tháp để vẽ. Nguyên nhân anh gắn bó với nghề vẽ tranh tường là vì đam mê và có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Giá vẽ mỗi bức tranh trên tường được tính theo mét vuông như những bức tranh 2D vẽ tại các trường học có giá 250.000 đồng/m2; tranh vẽ 3D, tranh phong thủy có giá 400.000-500.000 đồng/m2; tranh đắp nổi giá từ 700.000-800.000 đồng/m2. Tuy nhiên, giá tiền của tranh còn phụ thuộc vào thương hiệu, trình độ của họa sĩ, gu thẩm mỹ của khách hàng. Có người vẽ những bức tranh đơn giản có thể chỉ cần vài tiếng đồng hồ là xong, tranh phức tạp hơn mất từ 2-4 ngày. Một số bức tranh còn có giá từ 10-15 triệu đồng/bức.

Theo anh Trường, giai đoạn vẽ tranh tường khó nhất là vẽ chi tiết

Theo các họa sĩ, tranh tường bắt đầu phát triển ở Long An cách đây 3 năm. Nắm bắt được nhu cầu này, đồng thời tạo điểm nhấn chào mừng Xuân Tân Sửu 2021, huyện Tân Thạnh tổ chức vẽ 40 bức tranh tường với chủ đề quê hương, xây dựng nông thôn mới, những thành tựu của huyện. Với màu sắc phong phú, nét vẽ tinh tế làm người dân rất thích thú.

Anh Võ Sức Khỏe - giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh), bộc bạch: “Khi huyện phát động ý tưởng vẽ tranh tường, tôi và anh Lý Văn Trường đã lên ý tưởng cho từng bức tranh. May mắn, chúng tôi được huyện chọn. Trong quá trình vẽ, chúng tôi luôn nghiêm túc tiếp thu ý kiến của nhiều người để các bức tranh sống động, chân thật. Theo quan sát, hầu hết người dân đi ngang đều thích thú”.

Có thể thấy, việc thuê vẽ tranh tường không tốn nhiều chi phí, đề tài đa dạng, phong phú và đáp ứng được yêu cầu của nhiều người so với mẫu giấy dán tường in sẵn. Vì vậy, tranh tường đang là lựa chọn của nhiều người, góp phần tăng thu nhập cho người vẽ. Hơn hết, qua bàn tay khéo léo của họa sĩ còn làm phong phú đời sống tinh thần của người dân

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật