Ông Biden và chính sách ngoại giao quốc tế có gì mới?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 20/01/2021, ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Điều mà mọi người chờ đợi là chính sách đối ngoauj của Hoa Kỳ sẽ như thế nào?
Ông Biden và chính sách ngoại giao quốc tế có gì mới?
Biden sẽ tiếp tục chiến lược “xoay trục về châu Á” của Obama

Ngay từ trước đây, giới chuyên gia và truyền thông đã đưa ra những dự báo về chính sách đối ngoại của tân chính quyền Hoa Kỳ đối với châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đây, các đời Tổng thống Barak Obama hay Donald Trump cũng đã có những kế hoạch rất lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương, nhưng đều chưa hiện thực hóa được. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu sau đó chính sách của Mỹ ở châu Á có thay đổi hay không?

Và giờ đây, rất nhiều điều đã trở nên rõ ràng về lập trường chính quyền ông Biden, sau khi tân Tổng thống Mỹ công bố ê-kip của mình.

Chính sách châu Á của Mỹ sẽ không thay đổi?

Theo giới chuyên gia, sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào trong chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ nếu ông Biden trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng cách tiếp cận và cơ chế cân bằng sức mạnh sẽ có nhiều thay đổi so với thời Donald Trump.

Trước hết, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã, đang và sẽ vẫn là trung tâm thu hút các quá trình chính trị và kinh tế hiện đại. Và cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, vì các lý do khách quan và chủ quan, Mỹ cũng dành nhiều quan tâm ưu tiên cho khu vực này.

Cũng cần lưu ý rằng, chính Tổng thống của đảng Dân chủ là ông Barack Obama là người đã tuyên bố xoay trục chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á. Và khi đó, ông Joe Biden là phó tổng thống của ông Obama.

Washington của ông Trump thích quan hệ song phương hơn các cơ chế đa phương vì chúng cung cấp nhiều đòn bẩy hơn.

Vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump quyết định không tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khiến một số đồng minh châu Á của ông không có cơ chế cân bằng đối chọi lại với Trung Quốc.

Đó chính là lý do để tin rằng nếu ông Biden đắc cử, Mỹ có thể quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, có thể chỉ vì hiệp hội này là đứa con tinh thần của Barack Obama.

Khi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) lần đầu tiên được thành lập, Mỹ không muốn tham gia vì sợ rằng mình không phải là người có ưu thế trong khối (dù sau đó cũng đã tham gia).

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt là RCEP), một hiệp ước thương mại được ký kết vào tháng 11 năm 2020 bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á cùng với các đối tác ngoài khu vực là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Australia, đã tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới, mà không có Mỹ.

Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu vào năm 2012, trước nhiệm kỳ tổng thống của Trump và qua hai đời Tổng thống Mỹ (cả Barak Obama), Mỹ đã quyết định không tham gia vào Hiệp định này.

Với sự vắng mặt của cường quốc kinh tế số 1 thế giới, RCEP gửi một thông điệp rõ ràng tới các đối tác châu Á rằng, Trung Quốc là đối tác thương mại chính của cả khu vực và vai trò của Mỹ ở châu Á đang giảm dần. Và giờ đây, ông Biden sẽ phải sửa chưa điều đó.

Theo giới phân tích, vấn đề đầu tiên mà ông Biden phải làm sau khi lên nắm quyền là tăng cường vai trò của Mỹ trong APEC; tìm cơ chế để quay trở lại các cơ cấu quốc tế châu Á-Thái Bình Dương mà Trump đã rời bỏ như TPP, RCEP; đồng thời tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng "Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở".

Biden sẽ tiếp tục chính sách chống Trung Quốc nhưng sẽ mềm dẻo hơn Trump

Thành viên nội các mới cho thấy quan điểm về Trung Quốc

Nếu nhìn vào những nhân vật mà Joe Biden đưa về ê-kip của mình, có thể phán đoán khá chính xác về đường lối chính sách đối ngoại mà Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ sẽ theo đuổi.

Ngoại trưởng Mỹ sẽ là Antony John Blinken, người chủ trương kiềm chế Trung Quốc và Nga. Ông này xuất thân từ một gia đình Do Thái, vì vậy nhiều khả năng tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ tiếp nối chính sách thân Israel của người tiền nhiệm Donald Trump ở Trung Đông.

Quả thật, chính ông Biden đã hứa rằng một trong những hành động đầu tiên của ông sau lễ nhậm chức sẽ là hủy bỏ lệnh của Trump cấm công dân của một số nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Ông Jake Sullivan sẽ giữ chức Trợ lý Tổng thống về An ninh. Gần đây, ông này tuyên bố rằng cần “ngồi xuống và tháo gỡ những bất đồng kinh tế” mà Hoa Kỳ hiện có với Trung Quốc. Nhưng đừng chờ đợi Washington sẽ nhẹ tay với Bắc Kinh, mà tư thế của Hoa Kỳ sẽ là sự áp đặt của kẻ mạnh.

Bà Katherine Tai sẽ là đại diện thương mại của Hoa Kỳ, nhưng khác với trường hợp Ngoại trưởng Antony John Blinken, ít ai tin rằng người phụ nữ gốc Hoa này sẽ biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thành nền hòa bình lâu dài. Bởi đa phần các Hoa kiều ở Mỹ có tâm thế thù địch với nước Trung Hoa.

Nhân vật trụ cột trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ theo hướng quan hệ với Trung Quốc có thể là Kurt Campbell. Trong những năm 2009-2013 dưới thời Barak Obama, ông này từng là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Ông được coi là tác giả của chủ thuyết “xoay trục về châu Á” dưới thời Tổng thống Obama. Kurt Campbell cho rằng, chính sách của Bắc Kinh năm qua đã gây nhiều tổn hại cho nước Mỹ.

Ít hy vọng vào sự khởi sắc trong quan hệ Mỹ-Triều dưới thời Biden

Như vậy, những chuyên gia am tường về Trung Quốc và người Trung Quốc sẽ đảm trách các lĩnh vực quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng ở châu Á.

Điều này có nghĩa hẳn sẽ vẫn còn đó những trở ngại trên con đường phát triển bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, điển hình là: Cuộc đấu giành vị trí thủ lĩnh thế giới, cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, tình trạng mất cân bằng thương mại song phương, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông, Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng và sắc dân Uyghur Duy Ngô Nhĩ (người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương).

Tuy nhiên, có lẽ việc gây sức ép với Bắc Kinh về những vấn đề này sẽ được xúc tiến một cách tinh vi hơn, mang tính ngoại giao, bớt những tuyên bố ồn ào lớn tiếng trước báo chí.

Trong quan hệ với Trung Quốc, bản thân ông Biden muốn thực hiện điều mà Trump đã không thành công, đó là quy tụ một liên minh chống Trung Quốc từ các nước khác nhau.

Các vấn đề trọng tâm khác ở châu Á

Ở Nam Á, đặc biệt là quan hệ đối với Ấn Độ, chuyên gia Nga Piotr Tsvetov nêu ý kiến rằng, những hy vọng tốt đẹp sẽ có thể mở rộng thêm cho đất nước này dưới thời ông Biden.

Chuyện là ở chỗ nhân vật được bầu chọn làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ là bà Kamala Harris là người có tổ tiên từ Ấn Độ đến nước Mỹ và ngoài bà ra, còn thêm 20 người gốc gác Ấn sẽ làm việc trong chính quyền Biden, kể cả Chánh Văn phòng của Nhà Trắng. Vì vậy, sẽ không thực tế khi lo rằng, quan hệ Mỹ-Ấn sẽ giảm sút và xấu đi.

Ấn Độ sẽ là trọng tâm của "Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở"

Nhiều khả năng, tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ tiếp tục thúc đẩy hiện thực hóa khái niệm "Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở" mà Tổng thống Trump đã đề xuất cho các quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó, mắt xích trọng tâm sẽ là Ấn Độ.

Ở Đông Á, cũng không nên chờ đợi thay đổi gì trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên.

Nếu mục tiêu chính của ông Trump là tước bỏ khả năng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, thì ông đã không đạt được mục tiêu đó, vì Triều Tiên đã tiếp tục phát triển khả năng tấn công tầm xa của mình (như Bình Nhưỡng đã thể hiện trong cuộc duyệt binh gần đây nhất với hàng loạt ICBM mới).

Nhưng dù sao nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng đạt được một thành tựu to lớn là đã mở một kênh liên lạc trực tiếp với ông Kim Jong-un mà Tổng thống sắp tới Joe Biden sẽ có thể sử dụng để tiếp tục đối thoại và giảm leo thang. Tuy nhiên, hy vọng là rất mong manh.

Các nhà lãnh đạo hai nước ngay từ trước đây đã bộc lộ sự khó chịu của họ với nhau. Ông Joe Biden từng gọi người đứng đầu Triều Tiên là “kẻ độc tài tàn nhẫn”, còn ông Kim Jong-un thậm chí gọi tân Tổng thống Mỹ là “chó điên”.

Nhưng ông Kim đã nhận định đúng khi phát biểu tại Đại hội VIII của Đảng Lao động Triều Tiên rằng: “Ai nắm quyền ở Hoa Kỳ cũng chẳng nghĩa lý gì, bản chất thực sự của Hoa Kỳ và chính sách mang tính nguyên tắc của họ đối với Triều Tiên sẽ không thay đổi”.

Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Triều Tiên chính xác hơn bao giờ hết. Đáng tiếc là nhận xét đó dường như cũng phù hợp để đánh giá đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ trong những hướng khác. Ai làm Tổng thống Hoa Kỳ cũng không quá quan trọng bởi đó chỉ là nhân vật thực thi ý chí của giai cấp thống trị nước Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật