Ăn gì ở xứ Lạng những ngày rét mướt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ẩm thực Lạng Sơn từ lâu đã được coi như một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đến với vùng đất này có những món ăn bạn nhất định không được bỏ qua, nhất là trong những ngày mưa lạnh.
Ăn gì ở xứ Lạng những ngày rét mướt
Ảnh minh họa

Chúng tôi đến thành phố Lạng Sơn vào một buổi chiều đầu thu khi trời mưa như trút nước. Nhưng cơn mưa này không ngăn được sự say mê khám phá, tìm hiểu vùng đất giàu văn hóa của những con người trẻ. Chúng tôi đi bộ dọc theo những con đường ẩm thực nổi tiếng như: chợ đêm Kỳ Lừa, chợ Chi Lăng,... để ăn những món ăn mà bất cứ du khách nào cũng phải thử khi đến thành phố này.

1. Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Có một món điểm tâm buổi sáng mà người Lạng Sơn đều rất thích ăn, ấy là món bánh cuốn trứng ăn nóng. Kỹ thuật tráng bánh cuốn của người Xứ lạng cũng giống như những địa phương khác: Người Hà Nội, xứ Kinh Bắc, người Thành Nam (Nam Định) ăn bánh cuốn nóng (hoặc nguội) và nước mắm pha chế thêm dấm, đường, hạt tiêu, ớt thái lát.

Người Xứ Lạng dùng thứ nước chấm pha chế như thế nhưng có nhân thịt băm nhỏ (hoặc xay nhỏ) rồi xào cho săn thịt lên với gia vị mắm muối vừa phải - xúc đĩa thịt rang lên mùi thơm phức. Đĩa bánh cuốn trứng nóng bưng ra bốc hơi nghi ngút được dưới thêm một lớp thịt xay nhỏ rang khô, thêm chút mùi hoa, mùi tàu thái thật nhỏ, và lát măng ngâm ớt hoặc xu hào ngâm dấm, ớt tỏi, bạn sẽ có một món ăn điểm tâm thật sang trọng. Bánh cuốn trứng vừa bổ, vừa ngọt, vừa ngon, khi ăn hương vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng sẽ làm thực khách vương vấn mãi.

Thưởng thức miếng ngon ấy, nhất là trong cái không khí rét mướt của xứ Lạng, cũng đủ để bạn nhớ mãi. Bạn có thể dễ dàng tìm được quán bánh cuốn trứng ở bất cứ đâu xung quanh thành phố, vì nó đặc trưng và phổ biến, nhưng người Lạng Sơn chủ yếu bán để ăn sáng, nếu muốn ăn chiều hoặc tối thì có ít quán hơn.

2. Bún chả Lạng Sơn

Bún chả Lạng Sính Lạng Sơn (Ảnh: Yến Nhi)

Bún chả được biết đến là nét ẩm thực văn hóa đặc trưng của đất Kinh Kỳ, tuy nhiên bún chả ở Lạng Sơn cũng mang nét đặc trưng riêng. Bún chả bao gồm 3 phần chính là nước chấm, chả nướng và bún. Một suất bún chả có ngon hay không được quyết định phần lớn bởi nước chấm. Nước chấm bún chả được pha đầy đủ chua, cay, mặn, ngọt với mắm, giấm, đường, tỏi, ớt cùng lượng phù hợp tùy vào người pha chế, trong bát nước chấm luôn có thêm nộm gồm đu đủ xanh hay cà rốt. Nếu ở Hà Nội khi thưởng thức một xuất bún chả, người bán sẽ mang ra cho bạn một bán chấm đầy đủ những gia vị như thế, thì ở Lạng Sơn, bát nước chấm ra sao sẽ tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Du khách đến đây thưởng thức bún chả sẽ có cơ hội tự pha một bán nước chấm cho riêng mình, với nước chấm nóng để sẵn trong bình giữ nhiệt, nộm đu đủ ở trong âu, ngoài ra còn có dấm, tiêu, tỏi ớt, đường.

Đối với chả nướng sẽ có 2 loại là chả miếng và chả viên, chả miếng được làm từ thịt ba chỉ để thịt có độ mềm và ngọt nhất định, chả viên được nặn thành khối tròn bằng khoảng ¼ lòng bàn tay, tẩm ướp và nướng dưới bếp than củi đỏ hồng. Bún trong bún chả ở Lạng Sơn là bún rối, tuy nhiên theo truyền thống thì bún con mới được sử dụng nhiều hơn cả.

3. Bánh áp chao Lạng Sơn

Thưởng thức món ăn bánh áp chao Lạng Sơn (Ảnh: Yến Nhi)

Trước khi chúng tôi đến Lạng Sơn, có một người bạn xứ Lạng đã “nhắc nhở” chúng tôi rằng “lên đến thành phố nhất định phải thử bánh áp chao”. Bánh áp chao nghe cái tên đã gợi lên một sự tò mò nhất định. Áp chao là gì? Qua cuộc trò chuyện với cô chủ quán chúng tôi mới biết người Lạng Sơn giải thích tên món bánh này theo nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, là do cách làm, bánh được nặn rồi đem chao nóng nên người dân hay gọi là áp chao. Thứ hai, nó là phiên âm của từ “vịt chao”. Loại bánh này có gốc gác chế biến từ món ăn của người Tày Nùng ở vùng cao Đông Bắc. Vỏ bánh được làm bột gạo nếp kết hợp cùng với gạo tẻ ngâm xay sền sệt, trộn cùng một chút đỗ tương, cho cả khoai môn nạo để tăng thêm độ thơm giòn, tạo nên vị đặc trưng.

Bánh áp chao nhìn qua trông có vẻ giống bánh rán, lúc cô chủ bưng lên tôi còn cứ ngỡ đây là bánh rán mặn, nhưng sự khác biệt thật sự thì phải ăn mới biết. Ẩn giấu bên trong nhân bánh là thịt vịt chuẩn xứ Lạng, được tẩm ướp gia vị làm sao đó rất cân bằng và đậm đà. Bánh lên đĩa vẫn còn thật nóng, ăn kèm với nước chấm chua ngọt ngâm gỏi đu đủ xanh, thêm ít ớt tiêu cay tê tê đầu lưỡi và rổ rau sống xanh mướt chống ngán, đoàn chúng tôi cũng ăn hết ba lượt gọi.

Ở Lạng Sơn bánh bán quanh năm, nhưng đông khách nhất phải từ cuối thu đầu đông, tầm tháng 11 đến tháng 2 hàng năm. Giữa những ngày mưa lạnh, ăn một đĩa bánh áp chao cùng vịt quay, ngon hết biết!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật