Điểm danh quan chức cấp cao Mỹ ‘chung thuyền’ với Tổng thống Trump trọn nhiệm kỳ

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở thời điểm khó khăn nhất sau diễn biến biểu tình bạo loạn tại Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump vẫn có một nhóm quan chức cấp cao, những thành viên nội các làm việc cùng ông trọn cả nhiệm kỳ.
Điểm danh quan chức cấp cao Mỹ ‘chung thuyền’ với Tổng thống Trump trọn nhiệm kỳ
Bộ trưởng Mnuchin đứng nghe Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở St. Louis, Missouri, tháng 3/2018. Ảnh: Getty Images

Steven Mnuchin - Bộ trưởng Tài chính: Trụ sở của Bộ Tài chính nằm sát cửa ra vào Nhà Trắng và thông thường, Bộ trưởng Tài chính Mỹ luôn là đồng minh chính trị thân cận của Tổng thống. Ông Mnuchin không phải ngoại lệ. Là người sớm ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhà quản lý tại tập đoàn Golman Sachs này nhanh chóng được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính. 

Là người trung thành với tổng thống, ông Mnuchin không muốn tạo ra sự ồn ào, gây chú ý tại Bộ Tài chính. Trước mỗi biến cố nổi cộm tại Mỹ, Steven Mnuchin hiếm khi cho thấy sự cách biệt giữa ông và Donald Trump. Vị bộ trưởng này cũng là người am hiểu ngõ ngách trong nội các, tạo lập được quan hệ chiến lược với một số quan chức khác, như Ngoại trưởng Mike Pompeo. 

Một trong những thành công nổi bật nhất của ông Mnuchin là dự luật cải cách thuế năm 2017, do Bộ Tài chính tham gia soạn thảo và trình ra Quốc hội. Ông cũng là một nhân tố quan trọng trong việc ra quyết định áp thuế trừng phạt với Trung Quốc, thỏ‌a mã‌n một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump về gây sức ép, buộc Trung Quốc phải thoái lui. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ từng phải hứng chịu chỉ trích từ một số nhân vật trong đảng Cộng hòa khi đàm phán với phe Dân chủ tại Quốc hội về gói cứu trợ kinh tế thứ nhất chống COVID-19. Tuy nhiên, nỗ lực của ông đã giúp Nhà Trắng và Quốc hội đi tới thỏa thuận quan trọng, tạo ra các khoản vay, gói hỗ trợ cần thiết, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ của Mỹ. 

Sonny Perdue – Bộ trưởng Nông nghiệp: Ông gần như là người “ngoại đạo” khi được chọn làm bộ trưởng, thành viên nội các của chính quyền mới, do ít có mối liên hệ trước đó với ông Trump. Phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, công việc và nghị trình của Sonny Perdue ít có cơ hội được xuất hiện nhiều trên truyền thông, nhưng cá nhân ông Perdue chính là nguồn lực thầm lặng sau bức màn kín ngay từ thời điểm gia nhập chính quyền.

Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue đứng kế bên ông Trump tại hội nghị bàn tròn với nông dân được tổ chức tại Nhà Trắng tháng 4/2017

Một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 4/2017, Perdue xuất hiện tại Nhà Trắng và hối thúc Tổng thống xuống thang đe dọa rút khỏi Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), điều ông Trump đã tuyên bố trước đó với báo giới.

Ông Perdue, người nhanh chóng nắm bắt được cách thức truyền tải thông tin thích hợp cho Tổng thống, cảnh báo việc rút khỏi NAFTA sẽ gây ra phản ứng tiêu cực từ số cử tri nông thôn, lực lượng ủng hộ ông Trump mạnh mẽ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Sonny Perdue thường xuyên thừa nhận công khai tổn thất mà nông dân Mỹ phải gánh chịu từ đòn trừng phạt trả đũa của Trung Quốc. Nhưng ông là người bảo vệ chính sách thương mại của Donald Trump, coi đây là điều có lợi cho nông nghiệp Mỹ trong dài hạn.

Chính ông Perdue lên tiếng ủng hộ trợ cấp cho nông dân bằng hình thức phát tiền trực tiếp khi Trung Quốc gây sức ép ngược trở lại với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Đây có thể là nhân tố khiến tỉ lệ cử tri ở hầu hết các vùng nông thôn bỏ phiếu ủng hộ ông Trump trong năm 2020 tăng so với năm 2016. 

Wilbur Ross - Bộ trưởng Thương mại: Wibur Ross là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Trump. Bộ ba gồm Wibur Ross, Cố vấn Peter Navarro và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chính là bên giành phần thắng trong cuộc đua tại Nhà Trắng trước nhóm ủng hộ tự do thương mại, đứng đầu là Gary Cohn – người sau đó đã từ chức Cố vấn Thương mại vào tháng 3/2018. 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wibur Ross. Ảnh: Reuters

Tại Bộ Thương mại, ông Ross đã thực thi việc áp thuế, các biện pháp bảo hộ khác mà không hề do dự. Chính Wibur Ross là người khuyến nghị ông Trump kích hoạt quyền lực rộng khắp của Tổng thống trong vấn đề an ninh quốc gia, lấy đó là cơ sở để áp thuế đối với mặt hàng sắt, thép đối với Trung Quốc và cả các đồng minh của Mỹ, như Canada, nhiều nước châu Âu. 

Trong nhiều lần trao đổi với cấp dưới, ông Trump thường nói rằng ông có ý định sa thải Bộ trưởng Ross vào mùa thu năm 2019, nhưng cuối cùng vẫn giữ lại, bởi cả hai có chung quan điểm và rất khó để cá nhân ông Trump ra quyết định sa thải một người bạn cũ. 

Ben Carson - Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị: Khi lên nhậm chức, ông Trump đề cử hai nhân vật từng là đối thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa vào Nội các: Cựu Thống đốc bang Texas Rick Perry cho vị trí Bộ trưởng Năng lượng và Ben Carson cho cương vị Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị (HUD). Nếu như ông Perry có kinh nghiệm hoạt động chính trị trong nhiều thập kỉ, với 14 năm làm thống đốc bang, Ben Carson bước vào Nhà Trắng với tư cách hoàn toàn ngoại đạo về chính trị. 

Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị Ben Carson phát biểu trước sự hiện diện của ông Trump tại Nhà Trắng ngày 12/1/2018. Ảnh: Getty Images

Trên cương vị Bộ trưởng, ông Carson từng dính một số vụ lùm xùm, nổi bật là vụ dùng ngân sách mua bộ bàn ghế ăn 31.000 USD tại trụ sở của HUD, từng bị dư luận phản ứng gay gắt, buộc ông phải hủy đơn hàng này. 

“May mắn” cho Ben Carson là Tổng thống Mỹ dường như không quan tâm nhiều đến vấn đề nhà ở, miễn là Ben Carson và HUD chứng tỏ được sự trung thành. 

Mike Pompeo – Ngoại trưởng: Một trong những người trung thành nhất còn ở lại với ông Trump trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ là Ngoại trưởng Mike Pompeo. Từng chỉ trích Donald Trump là người “độc tài”, ông Pompeo chuyển sang ủng hộ ông Trump ngay trong cuộc đua năm 2016.

Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ảnh: AP

Khi mới còn là Tổng thống đắc cử, ông Trump tháng 11/2016 đã đề cử Kike Pompeo làm Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Sau khi Rex Tillerson bị sa thải, ông Pompeo được chọn vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ, từ tháng 3/2018. 

Chính Mike Pompeo là thúc đẩy ông Trump chọn cách tiếp cận mở cửa đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cũng là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách của chính quyền Trump trong gây sức ép tối đa với Iran, hậu thuẫn mạnh mẽ, thậm chí thiên vị Israel. 

Ngay cả khi Tổng thống Mỹ bị chỉ trích nặng nề, bị phe Dân chủ đòi phế truất, mở quy trình luận tội, Mike Pompeo vẫn là một trong số ít quan chức cấp cao “nói tốt”  về Donald Trump. Trong buổi trả lời phỏng vấn ngày 13/1, Ngoại trưởng Mỹ vẫn khẳng định: Lịch sử sẽ chứng minh những điều tốt đẹp mà tổng thống và chính quyền Donald Trump đã thực hiện và sẽ có nhiều cuốn sách viết về những thay đổi mà Mỹ tạo ra với thế giới dưới thời ông Trump. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật