Người dân Quảng Ngãi “dầm” mình hái rong trong giá rét

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bất chấp thời tiết giá rét, nhiều người dân ở các làng chài ven biển Quảng Ngãi “đội sóng“, hái rong mứt. Mỗi năm đến mùa rong, các gành đá dọc bờ biển lại nhộn nhịp hái “lộc biển” trong những ngày không vươn khơi.
Người dân Quảng Ngãi “dầm” mình hái rong trong giá rét
Ảnh minh họa

Theo người dân địa phương, mùa rong mứt bắt đầu từ tháng 11 đến cuối tháng 3 âm lịch và thường mọc trên những gành đá cheo leo ven biển. Cũng như mọi năm, vào thời điểm biển động, không thể vươn khơi, người dân rủ nhau thu hoạch “lộc biển”.

Rong thường sinh trưởng vào mùa đông, mưa, sóng lớn phủ nước biển lên các gành đá. Những bãi đá rất trơn, lởm chởm, gồ ghề nên người hái rong phải thật cẩn thận nếu không rất dễ bị ngã. Ngoài ra, các con sóng cũng sẵn sàng "tấn công" họ bất cứ lúc nào nên tay thì cào, mắt thì liên tục nhìn về phía biển đề phòng nguy hiểm.

Bà Phạm Thị Ninh (trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi) cho hay, khoảng 3h sáng bà Ninh phải dậy mang theo đèn pin đội trên đầu để soi, hái đến tầm 10h là nghỉ vì lúc đó rong bắt đầu khô, rất khó hái. Ngày hái vài tiếng, cũng được cả ký bán cũng được 300 - 400 nghìn đồng.

"Rong mứt rất sạch, có vị mặn đặc trưng của biển, và thường dùng để nấu canh, hoặc làm gỏi rất ngon. Người dân vùng biển coi rong mứt là sâm biển. Loại rong này rất hiếm nên nhiều nơi họ phải đặt hàng chúng tôi từ mấy tháng trước nên không lo đầu ra. Nghề này tuy cực và nguy hiểm nhưng giúp người dân chúng tôi trang trải cuộc sống trong mùa biển động” - bà Ninh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hòa (trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ), cho hay, muốn hái được nhiều rong mứt phải đi sớm và ra những gành đá ngay mép sóng tuy nhiên ra xa thì đá rất trơn, sóng vỗ liên tục phủ lên tới cả đầu.

“Rong mứt mọc trên gành đá và chỉ có vào mùa biển động, bởi vậy nên vừa hái rong phải vừa canh sóng. Mới đây cũng có một chị đi hái rong mứt bị sóng cuốn ngã, t‌ử von‌g. Dù vậy, người dân ở đây chỉ biết sống dựa vào lộc biển nên đành phải làm để kiếm thêm thu nhập. Nay cũng gần đến Tết rồi, mong sao thời tiết thuận lợi để rau mứt mọc nhiều cho người dân có tiền sắm sửa đón Tết"- bà Hòa nói.

Nghề hái rong mứt cũng khá phổ biến đối với người dân các vùng ven biển khác như ở xã Bình Châu, Bình Hải, (huyện Bình Sơn), xã Phổ Châu, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ).

Rong mứt có tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta sinh sống và phát triển tự nhiên ở khu vực nước lợ hoặc vùng nước biển nông. Ngoài làm thức ăn, rong biển còn được dùng làm thuốc, thức ăn hỗ trợ chữa bệnh cho con người...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật