Cô gái Trung Quốc chuyên may quần áo cho người đã khuất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thay vì lựa chọn nghề nghiệp phổ biến, Ren Sainan lại gắn bó với công việc khác thường: thiết kế, livestream kinh doanh trang phục mai táng.
Cô gái Trung Quốc chuyên may quần áo cho người đã khuất
Mỗi ngày, Ren Sainan sẽ phát sóng trực tiếp, giới thiệu những bộ trang phục mai táng do mình thiết kế.

Ba năm trước, Ren Sainan (26 tuổi, đến từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) dấn thân vào ngành dịch vụ tang lễ sau nhiều lần thất bại khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng ở vài doanh nghiệp.

Với tấm bằng cử nhân thương mại điện tử, cô được nhận vào một công ty bán lẻ trực tuyến chuyên kinh doanh vật dụng tang lễ.

"Chồng tôi, khi ấy vẫn là người yêu, đã thuyết phục tôi thử sức trong lĩnh vực này", Ren trả lời CGTN.

Cô gái 26 tuổi có thể làm mọi thứ, từ việc lên ý tưởng, tiếp đón khách hàng cho đến làm người mẫu cho thiết kế của mình. Trong thời buổi livestream bán hàng nở rộ, Ren cũng mặc trang phục tang lễ và phát sóng trực tiếp hàng ngày.

"Ban đầu, tôi không hề thoải mái khi mặc đồ dành cho người chết lên sóng livestream. Tôi nghĩ điều này mang điềm gở", cô nói.

Với suy nghĩ ấy, Ren từng gặp ác mộng suốt một thời gian dài. Phải mất 4 tháng, cô mới hoàn toàn thích nghi với công việc và tìm lại tự tin nhờ sự động viên từ những người xung quanh, đặc biệt là khách hàng.

"Tôi cứ tưởng mình sẽ chịu nhiều điều tiếng vì làm việc trong ngành dịch vụ tang lễ. Thế nhưng, khách hàng không hề định kiến mà rất ủng hộ, quý trọng những gì tôi đang làm. Họ đã thay đổi quan điểm của tôi về cái chết", Ren giãi bày.

Chuyện nghề, chuyện người

Dù gặp không ít khó khăn, công việc thiết kế quần áo cho người đã khuất đem đến nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của Ren Sainan.

Chia sẻ với CGTN, cô hồi tưởng lại câu chuyện xảy ra vào năm 2018 với một đôi vợ chồng già. Ngày đó, họ bước vào cửa hàng với mong muốn tìm kiếm một chiếc áo choàng, dành tặng cho con gái 29 tuổi đang chết dần vì bệnh ung thư.

"Bác sĩ khuyên hai vợ chồng nên chuẩn bị hậu sự cho con gái vì thời gian không còn nhiều. Họ từng lùng sục ở nhiều cửa hàng bán đồ tang lễ, nhưng không nơi nào có bộ đồ vừa ý", cô kể.

Tới cửa hàng, hai vợ chồng lập tức mua chiếc áo choàng được trưng bày trên kệ và mang về cho con gái.

Ren Sainan cùng đồng nghiệp thường cùng nhau lên ý tưởng cho những bộ trang phục mới.

Ren chia sẻ: "Vài ngày sau, họ gửi cho tôi tấm ảnh cô gái trẻ ấy mặc thử trang phục, mỉm cười thản nhiên trong hành lang bệnh viện. Tôi vừa tiếc thương, vừa mãn nguyện vì có thể giúp một gia đình thực hiện nguyện vọng cuối cùng của con".

Đôi khi, cô còn tìm kiếm cảm hứng thiết kế từ những câu chuyện của khách hàng. "Tôi từng nhận được cuộc gọi từ một cô gái. Người này vừa khóc, vừa nhờ tôi tìm một bộ tang phục màu xanh lục cho bố mình. Khi còn trẻ, ông ấy từng là bộ đội bảo vệ biên cương".

Khi đó, cửa hàng không có sẵn bộ đồ nào có màu xanh áo lính. Cảm động trước tình phụ tử của vị khách trẻ, Ren cùng đồng nghiệp đã quyết tâm may bằng được một bộ đồ phù hợp.

"Tôi may tang phục theo nghề nghiệp, sở thích và loại hình tang lễ. Bộ đồ cần đảm bảo tính trang trọng, chỉn chu. Tôi có thể làm nhiều kiểu trang phục khác nhau như hiện đại, Hán phục tùy theo nhu cầu khách hàng", Ren nói.

Công việc đáng quý

Từ xưa tới nay, người châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng luôn coi cái chết là một chủ đề nhạ‌y cả‌m, gắn liền với điềm xấu. Do đó, ban đầu Ren không dám chia sẻ với gia đình về công việc mình đang làm.

"Sau khi chấp nhận nghề nghiệp này, tôi mới dám nói với mẹ. Tất nhiên, phản ứng đầu tiên của bà là khuyên tôi bỏ việc", cô kể.

Để thuyết phục mẹ, Ren lặn lội từ Trịnh Châu - nơi cô làm việc - trở về quê nhà ở Hà Nam. Cô cho bà xem các sản phẩm chính tay mình làm, từ những chiếc áo choàng tinh xảo cho đến nhiều vật dụng mai táng khác.

Công việc thiết kế trang phục cho người đã khuất giúp Ren Sainan thay đổi quan niệm về sinh tử, có thêm ý nghĩa trong cuộc sống.

Kể từ lần đó, quan điểm của mẹ Ren dần cởi mở hơn. Mỗi ngày, bà đều gọi điện hỏi thăm và cho con gái lời khuyên khi cần. "Có lần, tôi phải nhờ mẹ tư vấn để lên ý tưởng thiết kế trang phục cho khách hàng. Bà ấy thực sự rất tinh tế".

Năm 2017, Ren dấn thân vào một công việc ít người biết đến, ít người dám làm với tâm trạng lo lắng, hoài nghi. Giờ đây, cô cảm thấy biết ơn cơ hội này vì có thể giúp đỡ nhiều gia đình chuẩn bị cho bước cuối cùng của cuộc đời.

"Mẹ chồng tôi luôn dặn: ’Con kiếm sống bằng chính sức mình, không phải ăn trộm, ăn cướp’. Lời dạy ấy cho tôi thêm can đảm tiếp tục việc mình đang làm", cô bộc bạch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật