Dấu xưa trên vùng đất Trà Vang

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Huyền sử truyền rằng: Ngày nọ, trong một trận lụt, một tượng Phật trôi tấp vào nên người trong phum rước về gò cao xây chùa thờ phượng. Nơi ấy là đất của xứ “Prắc Prabăng”(tiếng Khmer - Ao Phật). Vì dùng Hán tự (chữ tượng hình) để ghi âm nên chữ “Prắc” được thay bằng chữ “Trà”, chữ “Băng” thay bằng chữ “Vang”, rồi ra chữ “Trà - Vang”, Trà Vinh cho đến bây giờ.
Dấu xưa trên vùng đất Trà Vang
Lễ hội của đồng bào Khmer rất đặc sắc và độc đáo.

Từ chuyện Ao Phật trong huyền sử...

Những ngày này, đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đang rộn ràng chuẩn bị đón lễ hội Sene Dolta. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống, tạo nên sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng. Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu lan của người Việt nên còn được gọi là lễ "Xá tội vong nhân".

Trà Vinh là một địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Khmer lớn nhất nước (32%). Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, cộng đồng người Khmer đã có những đóng góp to lớn, tạo nên một kho tàng văn hóa độc đáo và phong phú. Ngay từ chính tên gọi của tỉnh Trà Vinh cũng đã mang nhiều màu sắc huyền thoại.

Vào năm 1911, Hội nghiên cứu Đông Dương xuất bản quyển “Monographie de la Province de Vinh Long, Tra Vinh” (chuyên khảo về tĩnh Vĩnh Long, Trà Vinh), trong đó viết: “Trà Vang là chữ đọc trại của từ Khmer “Prắc Prabăng”, nghĩa là “Ao Phật”, nằm ở làng Đôn Hóa, trong tổng Trà Phú, các tỉnh lỵ 6km. Cạnh ao này có một ngôi chùa được dựng lên để kỷ niệm một lễ lớn có từ ngày xưa. Tương truyền, có một vị vua Khmer bị đắm thuyền trên bờ địa hạt, và được cứu sống nhờ ơn của đức Phật. Vì không có chữ Hán nào phiên âm được hai từ trên, nên đã dùng chữ “Trà” thay cho chữ “Prắc” và chữ “Vang” thay cho chữ “Băng”, từ đó ra chữ “Ravang” (hay Trà Vang), về sau viết thành Trà Vinh”. Cũng có tương truyền rằng: “Trà Vang xuất âm Khmer: “Préah Trapéang” nơi có nghĩa là tìm được tượng Phật bằng đá trong ao nước. Sự tích này không biết có từ bao giờ, năm đó, trong một trận nước lụt, dân làng thấy một tượng Phật trôi tấp vào bờ ao, liền rước về một gò cao, cạnh đó xây chùa thờ phượng. Chùa được đặt tên Bodhisalareaj, nay gọi là chùa Ông Mẹt (phường 1, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), tên vị sư cả đầu tiên: Trapéang, được Hán Việt hóa thành âm: “Trà Vang”, sau bị nói trại thành Trà Vinh”.Đó là lý giải về tên gọi. Vậy, đất Trà Vang có từ bao giờ?

Trong “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên” (1558-1777), do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép: “Đinh sửu, năm thứ 19 (1757), ở Chân Lạp xảy ra biến cố khi vua Nặc Nguyên chết, người chú họ là Nặc Nhuận tạm trông coi việc nước. Lúc bấy giờ, Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh giết để cướp ngôi. Con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn phải chạy sang Hà Tiên cầu viện. Thống suất Trương Phước Du thừa thế tiến đánh, Nặc Hinh chạy đến Tầm Phong Xuy, bị quan phiên ốc Nha Uông giết chết. Sau việc này, biên thần tâu xin nhân đó lập Nhuận làm vua, và được chúa Nguyễn Phúc Khoát đồng ý, và cho tướng sĩ năm dinh hộ tống về nước. Nặc Nguyên sau đó dâng hai phủ Trà Vang (Trà Vinh) và Ba Thắc (Sóc Trăng) để tỏ lòng ân nghĩa”. Đây là lần đầu tiên, từ “Trà Vang” xuất hiện trong “chánh sử”.

Đến thời thu‌ộc đị‌a, thực dân Pháp dùng chữ Trà Vinh để gọi vùng đất này. Năm 1900, tỉnh Trà Vinh được thành lập theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, trở thành một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ lúc bấy giờ. Và từ đây, chữ “Trà Vinh” chính thức được công nhận về mặt hành chính.

Lúc bấy giờ, phòng trào chống Pháp diễn ra mạnh mẽ khắp nơi. Nhiều nhà tri thức, nho học bày tỏ lòng yêu nước qua việc không dùng chữ Quốc ngữ hoặc tiếng Pháp. Họ vẫn dùng chữ Nôm và chữ Hán, và vẫn gọi Trà Vinh là Trà Vang, như thể hiện sự không thừa nhận về điều mà người Pháp đang thừa nhận.

Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển, Trà Vinh có sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hóa Kinh - Khmer, với những sắc thái vô cùng độc đáo. Những ngôi chùa Khmer cổ kính có tuổi đời hàng nghìn năm; một thành phố trẻ Trà Vinh được bao bọc dưới rừng cây cổ thụ. Trong sự náo nhiệt, ồn ào của phát triển, Trà Vinh vẫn giữ cho mình nét cổ kính tự ngàn xưa.

Các cô gái Khmer trong điệu múa truyền thống.

Bảo tồn từ cộng đồng

Theo số liệu thống kê, người Khmer ở Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở khu vực ĐBSCL, nhiều nhất ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ... Tại Trà Vinh, cộng đồng Khmer có ngôn ngữ và chữ viết riêng, có kho tàng phong phú về truyện cổ như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, có nền sân khấu truyền thống như Dù kê, Dì kê, một nền âm nhạc vừa có nguồn gốc Ấn Ðộ, vừa có nguồn gốc Ðông Nam Á. Mỗi năm, đồng bào Khmer có 3 lần tết và lễ hội lớn, gồm: Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay mừng năm mới; Lễ hội Ok om bok, còn gọi là Lễ cúng trăng; và lễ hội Sene Dolta như vừa nói trên.

Trà Vinh có nguồn tài nguyên du lịch vô giá mà ít nơi nào có được. Đó là 143 ngôi chùa Khmer, với kiến trúc vô cùng độc đáo. Hay những di tích hiện hữu như Ao Bà Om, Bảo tàng Văn hóa Khmer và chùa Âng - ngôi chùa Khmer cổ nhất của Trà Vinh... đã tạo điều kiện cho Dự án “Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh” ra đời và phát triển.

Dự án làng văn hóa nằm cách trung tâm TP.Trà Vinh 3km. Bước chân vào làng, du khách sẽ được hòa mình vào nét đẹp độc đáo của nền văn hóa Khmer lâu đời, lan tỏa bằng hình thức du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách được tham quan những bức bích họa sinh động về lễ hội truyền thống, nghề thủ công và những nét sinh hoạt thường ngày của đồng bào Khmer cùng với truyền thuyết về các vị thần trong văn hóa Khmer trên “Con đường ánh sáng”. Du khách thưởng thức văn hóa văn nghệ dân gian Khmer như dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chay-dăm, các điệu múa dân tộc, tham quan làng nghề, ẩm thực, tham quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mão, mặt nạ truyền thống, ăn các món ăn đặc sản dân tộc Khmer, đến vườn ước nguyện (chùa Lò Gạch) để gửi gắm những ước mơ tại cây ước nguyện, trải nghiệm buộc chỉ đỏ cầu may mắn, một phong tục của người Khmer...

Từ khi làng văn hóa du lịch Khmer đi vào hoạt động có tới 46 hộ dân tham gia làm du lịch. Họ coi đây là cơ hội quảng bá văn hóa của dân tộc mình, đồng thời xem đó là nguồn thu nhập ổn định, cao hơn nhiều so với làm ruộng. Nhiều sinh viên người Khmer khi ra trường đã tìm được công việc yêu thích, có thể gắn bó lâu dài trên chính mảnh đất quê hương. Tham gia dự án, các thành viên được hỗ trợ 60 triệu đồng cho mỗi gia đình khi đầu tư homestay. Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ thêm 50% trên khoản lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 36 tháng, định mức hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/hộ.

Đã vài tháng nay, ông Thạch Sang (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) bận rộn hơn khi tham gia vào Dự án làng văn hóa du lịch Khmer. Công việc của ông chỉ đơn giản là tái hiện lại cách giã cốm dẹp - một món ăn truyền thống của người dân tộc Khmer. Ông Sang tự hào vì được giới thiệu văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc mình đến với mọi người. Thu nhập của gia đình cũng đã cải thiện rõ rệt từ khi ông tham gia làm du lịch. "Nếu làm ruộng hoặc làm vườn, 3 tháng người nông dân mới thu hoạch một lần. Công việc hiện nay cho tôi thu nhập 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Tôi rất vui mừng vì cuộc sống không chỉ khá hơn, mà còn có thể gìn giữ những giá trị văn hóa của tổ tiên, cha ông để lại" - ông Sang nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật