Bảo vệ không phận, Thụy Sỹ đưa F/A-18 vào trực chiến

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thụy Sỹ đã không trải qua chiến tranh kể từ trước khi máy bay được phát minh. Đất nước này duy trì chính sách trung lập từ năm 1648. Tuy nhiên, ngày 29/12/2020, sau khi bị chỉ trích vì không có khả năng duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động, Thụy Sỹ đã công bố khả năng phản ứng nhanh 24/7 của hai chiếc F-18 để bảo vệ không phận quốc gia này.
Bảo vệ không phận, Thụy Sỹ đưa F/A-18 vào trực chiến
Chiếc FA-18C của Không quân Thụy Sỹ trong một buổi bay huấn luyện.

Không quân Thụy Sỹ hiện được trang bị 34 máy bay chiến đấu Hornet F/A-18C (một chỗ ngồi) và F/A-18D (hai chỗ ngồi), trong khi 53 chiếc F-5 Tiger II - được mua vào những năm 1990, sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2030.

“Lực bất tòng tâm”

Hồi tháng 2/2014, một phi công phụ của Ethiopia Airlines đã cướp máy bay chở 202 hành khách và phi hành đoàn có hành trình Addis Ababa - Rome của chính mình, để hạ cánh xuống Geneva. Các máy bay chiến đấu của Italy và Pháp đã tranh nhau hộ tống chiếc máy bay bị cướp trong khi phi đội F-18 và F-5 Tigers của Thụy Sỹ vẫn án binh bất động.

Vụ việc kết thúc không đổ máu nhưng đã trở thành trò cười và sau đó được Ueli Maurer - Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sỹ thú nhận, báo động được phát ra ngoài giờ hành chính (vào lúc 6 giờ sáng) và đó là “vấn đề” về ngân sách và nhân sự. Được biết, Không quân Thụy Sỹ thường chỉ sẵn sàng làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm (giờ ’nghỉ trưa’ là từ 13 giờ 30-17 giờ 30 giờ), và cũng chỉ vào các ngày làm việc.

Sau vụ việc nói trên, nhà chức trách Thụy Sỹ đã lên kế hoạch triển khai từng bước mở rộng quy mô bảo vệ không phận.

Sau đó, từ ngày 4/1/2016, một cặp F/A-18 Hornet của Thụy Sỹ được duy trì ở chế độ “Cảnh báo phản ứng nhanh” (Quick Reaction Alert - QRA) - có thể cất cánh sau 15 phút trong khoảng 8 giờ đến 18 giờ các ngày làm việc; từ ngày 2/1/2017 - 8 giờ đến 18 giờ hàng ngày; từ đầu năm 2019, các máy bay phản lực đã ở chế độ trực từ 6 giờ sáng đến 22 giờ. Ngày 19/12/2019, Quốc hội Thụy Sỹ đã phê chuẩn kế hoạch chi 6 tỷ Franc Thụy Sỹ (tương đương 6,5 tỷ USD) để mua 30-40 máy bay tiêm kích mới nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh quốc gia.

Hồi cuối tháng Chín vừa qua, phe cánh tả Thụy Sỹ đã thành công khi kêu gọi trưng cầu ý dân về việc mua máy bay chiến đấu mới và họ đã ’chiến thắng’ trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sau đó chỉ với tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu ít ỏi (50,1%). Đã có khoảng 3 triệu người bỏ phiếu "Có" trong khi có tới khoảng 2,91 triệu phiếu phản đối. Trước đó, vào năm 2014, người dân nước này từng bỏ phiếu bác bỏ việc mua Saab JAS-39 Gripens để thay thế Hornet.

Chia rẽ vì ý tưởng triển khai máy bay chiến đấu

Thụy Sỹ đã không trải qua chiến tranh kể từ trước khi máy bay được phát minh, đứng ngoài Thế chiến I, II và chiến tranh Lạnh.

Được bao quanh bởi năm quốc gia châu Âu, Thụy Sỹ có biên giới đất liền tổng cộng 1.151 dặm; với tốc độ khoảng 470 dặm/giờ, một chiếc F-35A có thể bay từ Bắc xuống Nam đất nước trong khoảng 15 phút, từ Tây sang Đông trong khoảng 24 phút. Thụy Sỹ là láng giềng của các quốc gia Đức, Pháp, Italy và Áo - những nước có lực lượng không quân chiến đấu được trang bị các máy bay hiện đại.

Theo những người phản đối mua máy bay, quốc gia trung lập không có đủ khả năng và cũng không cần máy bay chiến đấu tối tân để bảo vệ lãnh thổ mà máy bay phản lực siêu thanh chỉ cần 10 phút để bay qua. Do chính sách trung lập, máy bay Thụy Sỹ khó có thể được triển khai ở nơi khác ngoại trừ các cuộc tập trận. Ireland, Malta và Luxembourg không có máy bay phản lực, Thụy Sỹ không phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh rõ ràng, nhiều công dân Thụy Sỹ tin rằng, mua máy bay chiến đấu mới sẽ chỉ đơn giản là một sự lãng phí tiền bạc, không muốn chi hàng tỷ đồng tiền thuế của người dân cho những con chim sắt mang theo sự chết chóc và hủy diệt.

Trong chiến tranh Lạnh, không khó để hình dung, quân đội Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw có thể vượt qua nước Áo láng giềng và tiến vào Thụy Sỹ. Ngày nay, Thụy Sỹ cách cường quốc đối địch gần nhất là Nga 1.000 dặm, đệm bởi ít nhất ba quốc gia. Hầu hết các quốc gia đó đều là thành viên của NATO hoặc coi Nga là kẻ thù. Nói cách khác, Thụy Sỹ được cách ly tốt và an toàn nhất trước các cuộc đấu tranh địa chính trị có thể. Việc tậu máy bay mới đang gây chú ý của dư luận không chỉ trong nước liên quan đến vị thế trung lập của Thụy Sỹ mà còn của các các chuyên gia và giới quan sát quốc tế nói chung.

Từ bỏ máy bay chiến đấu sẽ tiết kiệm cho Thụy Sỹ rất nhiều tiền. F-35A có giá khoảng 80 triệu USD trả trước và thêm 45.000 USD một giờ bay trong suốt vòng đời của nó. Tuy nhiên, việc không có máy bay chiến đấu trong những trường hợp khẩn cấp sẽ làm xói mòn chủ quyền quốc gia của đất nước và thật khó để tưởng tượng một quốc gia dựa vào các nước láng giềng để giám sát không phận của mình có thể thực sự trung lập như thế nào.

Ý kiến khác cho rằng, Thụy Sỹ cần máy bay mới, điều đó không có gì phải bàn cãi, nhưng mua máy bay nhẹ hơn, đơn giản hơn là đủ - sẽ tốt hơn nếu có một chiếc Fiat (bình dân) thay vì một chiếc Maserati (quá đắt đỏ); các lựa chọn thay thế rẻ hơn, chẳng hạn như phiên bản chiến đấu của máy bay huấn luyện M346 của Leonardo, mang lại giá trị tốt hơn so với "đồ chơi đắt tiền" đang được xem xét.

Thụy Sỹ đang có kế hoạch mua 40 máy bay F/A-18E/F Super Hornet và các thiết bị liên quan trị giá ước tính 7,452 tỷ USD, cùng với 40 chiếc máy bay Cất cánh và Hạ cánh Thông thường F-35 (Conventional Take-Off and Landing - CTOL), 46 động cơ Pratt & Whitney F-135, 40 tên lửa chiến thuật Sidewinder AIM-9X Block II+ (Plus), 50 tên lửa huấn luyện Sidewinder AIM-9X Block II (Captive Air Training Missiles - CATM) và 6 tên lửa huấn luyện đặc biệt Sidewinder AIM-9X Block II (NATMS), trị giá khoảng 6,58 tỷ USD.

Chi phí cho một giờ bay (CPFH) của F-35 đắt gần gấp đôi so với các đối thủ châu Âu. Với các yêu cầu cơ sở hạ tầng mặt đất đặc biệt của F-35 (kho chứa máy bay, hệ thống hỗ trợ ALIS, lập kế hoạch nhiệm vụ an toàn), sẽ cần thêm chi phí, đẩy hóa đơn mua F-35 lên 27 tỷ USD… Tuy nhiên, mua máy bay Mỹ mang lại khả năng tương tác và lợi ích ngoại giao. F-35 đại diện cho lựa chọn thế hệ thứ 5 duy nhất nhưng với nhu cầu của quốc gia Alpine nhỏ, nó được cho là một lựa chọn kỳ lạ, nhiều tính năng F-35 vượt quá nhu cầu của Không quân Thụy Sỹ. Việc trang bị một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 cho nhiệm vụ phòng thủ đối không trực tiếp có vẻ mâu thuẫn với việc người Thụy Sỹ có lịch sử về lựa chọn độc lập và đặc biệt.

Đưa F/A-18 vào trực chiến

Sau khi bị chỉ trích và chế giễu vì không có khả năng duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động, trong một tuyên bố đưa ra ngày 29/12/2020, Thụy Sỹ đã công bố khả năng phản ứng nhanh 24/7 của hai chiếc F-18 để bảo vệ không phận quốc gia không có bờ biển này. Theo đó, hai chiếc F/A-18 Hornet đồn trú tại Militärflugplatz Emmen và tại Căn cứ Không quân Payerne (căn cứ chính ở miền tây Thụy Sỹ), được trang bị đầy đủ vũ khí sẽ được tung lên không trung trong vòng 15 phút kể từ khi có cảnh báo.

Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ cho biết, việc chuyển sang chế độ 24/7 đòi hỏi khoảng 100 vị trí bổ sung và sẽ tiêu tốn khoảng 30 triệu CHF (34 triệu USD) mỗi năm. Kinh phí này chủ yếu là chi cho nhân sự, kiểm soát không lưu và vận hành. Các phi công Thụy Sỹ và các đồng nghiệp của họ từ Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã dành gần một tháng để thực hành các bài tập trên không vào ban đêm ở Yorkshire (Anh), với 40 phi công, 70 nhân viên mặt đất và 10 máy bay F/A-18 của Không quân Thụy Sỹ, thực hành các bài bay trên Biển Bắc trong đêm tối, không giới hạn chuyến bay đêm.

Hai máy bay vũ trang chủ yếu sẽ được sử dụng cho "nhiệm vụ nóng" và "nhiệm vụ trực tiếp", Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ cho biết. Các nhiệm vụ trực tiếp là việc kiểm tra ngẫu nhiên các máy bay của nước ngoài, chúng chỉ được phép bay qua Thụy Sỹ khi có thông quan ngoại giao. Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ cho biết, năm 2020, đã có 15 nhiệm vụ nóng và 290 nhiệm vụ trực tiếp được thực hiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật