Hiểu sai về thông tuyến tỉnh BHYT, nhiều người bỏ công đi BV rồi lại về: Mẹ rút kinh nghiệm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hồi tuần trước báo chí đăng tin về chính sách thông tuyến tỉnh BHYT bắt đầu áp dụng từ ngày 01/01/2021, nhiều người hứng khởi vui mừng.
Hiểu sai về thông tuyến tỉnh BHYT, nhiều người bỏ công đi BV rồi lại về: Mẹ rút kinh nghiệm
Ảnh minh họa

Xem Video: Tích hợp thẻ BHYT, BHXH điện tử

Lúc xem tin, mình đoán là có nhiều người hiểu nhầm mà đúng thiệt các mẹ ơi. Ở tỉnh Đồng Nai vừa qua, theo trang báo Đồng Nai đưa tin, những ngày đầu của năm 2021, lượng người đổ về các bệnh viện tuyến tỉnh khám bệnh và điều trị khá đông.

Ảnh chụp báo Đồng Nai. 

Bởi nhiều người thiếu thông tin, hiểu sai, hiểu nhầm, nên thành ra khi nghe giải thích rõ về quyền lợi, một số đã bỏ về vì không được hưởng đúng quyền lợi như họ nghĩ.

Tại khu khám bệnh của bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sáng thứ Hai, ngày 04/01/2021, rất đông bệnh nhân ở tuyến dưới đến khám dù quy định chỉ thông tuyến tỉnh đối với trường hợp điều trị nội trú, nhưng nhiều người dân lại hiểu lầm.

Có thẻ BHYT tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch, hôm 04/01/2021, anh Vũ lại đi khám bệnh ở bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, nghĩ là được thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, anh Vũ chỉ mang theo thẻ và sổ khám bệnh.

Theo anh Vũ, anh nghĩ là thông tuyến tỉnh, nghĩa là mình có thẻ BHYT ở bệnh viện huyện thì có thể đi khám ở các bệnh tỉnh như ở Biên Hòa… Nhưng trên thực tế, khi đi khám thì bác sĩ yêu cầu phải có Giấy chuyển mới được hưởng chế độ 100%.

Không chỉ anh Vũ mà có rất nhiều người có cách hiểu tương tự. Có những người ở các huyện xa như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ… đã phải nhịn ăn sáng, và bắt xe từ sớm lên bệnh viện tỉnh khám bệnh. Do hiểu sai nên nhiều người đành phải ra về.

Khi được giải thích về khám bệnh ngoại trú, bà Nọt quyết định không khám nữa, vì thẻ BHYT của bà đăng ký ở Trung tâm Y tế huyện là trái tuyến, do đó không được BHYT chi trả vì không có Giấy chuyển tuyến.

Ảnh cắt từ clip. Nguồn: Báo Đồng Nai. 

Thậm chí, một số trường hợp, nhân viên y tế ở các bệnh viện tuyến dưới là tuyến huyện cũng hiểu sai, hướng dẫn sai nên không cấp Giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân lên tuyến tỉnh như trước. Hậu quả khi không được thanh toán BHYT, người bệnh thắc mắc rồi bức xúc dẫn đến bệnh viện cũng đau đầu.

Để mình giải thích rõ cho các mẹ hiểu nha về thông tuyến BHYT nhe:

#1. Thông tuyến huyện:

Quy định này đã được áp dụng kể từ năm 2016. Nghĩa là mẹ đã tham gia BHYT và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, thì không nhất thiết mẹ phải đến đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu mới được hưởng chế độ, mẹ được quyền đi khám chữa bệnh (bao gồm ngoại trú và nội trú) tại các bệnh viện cùng tuyến huyện trong phạm vi tỉnh đó.

Ví dụ: Mẹ đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Mẹ đăng ký khám chữa bệnh trên thẻ BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, mẹ được quyền cầm thẻ BHYT này đi khám chữa bệnh, bao gồm cả ngoại trú và nội trú tại bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai. Vì 2 bệnh viện này cùng cấp là bệnh viện tuyến huyện. Tương tự, mẹ có thể đi khám ở các bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh Đồng Nai mà vẫn được hưởng đủ chế độ như tại nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu.  

#2. Thông tuyến tỉnh:

Quy định này bắt đầu áp dụng kể từ ngày 01/01/2021. Mẹ cần kiểm tra lại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của mình là bệnh viện hay cơ sở y tế thuộc tuyến nào? Nếu đó là tuyến tỉnh thì mẹ được quyền điều trị nội trú tại các bệnh viện cùng tuyến tỉnh khác, trong phạm vi cả nước.

Ví dụ: Mẹ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Đa khoa Thống Nhất ở Đồng Nai, mẹ nhập viện tại bệnh viện Gia Định ở TP.HCM vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi như tại bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã đăng ký trước đó.

Thêm trường hợp dưới đây mẹ cần hiểu rõ:

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet và ICTVietnam. 

Ngày trước nếu mẹ có thẻ BHYT ở tuyến huyện, muốn được lên tuyến tỉnh mẹ cần phải có Giấy chuyển tuyến. Mặc dù vậy, chỉ áp dụng chế độ BHYT với trường hợp điều trị nội trú, nghĩa là nằm viện và mức hưởng chỉ có 60%.

Trong khi đó, kể từ ngày 01/01/2021, thủ tục vẫn như vậy nhưng quyền lợi hưởng là 100%, tức là vẫn được hưởng đủ chế độ như tại bệnh viện hay cơ sở y tế mẹ đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Ví dụ: Mẹ có thẻ BHYT ở Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, bị bệnh nặng phải điều trị nội trú, mẹ muốn được lên bệnh viện Đa Khoa Thống Nhất thì phải có Giấy chuyển tuyến, từ ngày 01/01/2021, mẹ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom.

Lưu ý rằng, chi phí điều trị nội trú để thanh toán BHYT này sẽ theo Biểu giá do Bộ Y tế ban hành, chứ không phải Biểu giá của bệnh viện, nên nghĩa vụ của mình sẽ phải thanh toán phần chênh lệch (nếu có) theo quy định của Pháp Luật.

Để kiểm tra nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của mình thuộc tuyến nào, là tỉnh hay huyện, mẹ có thể tra Google với từ khóa Danh sách cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại (nơi mẹ sinh sống và làm việc) năm (thời điểm mẹ tra cứu).

Đã hiểu rõ về chế độ BHYT, mẹ có thể tự tin cầm thẻ đi khám chữa bệnh, nếu quyền lợi không đủ cứ khiếu nại lên BHXH tỉnh hoặc huyện để được giải thích rõ hơn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật