Đại dịch như “cú tát vào mặt” sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Viễn cảnh tươi đẹp về con đường sự nghiệp rộng mở, thu nhập cao của sinh viên Mỹ hậu tốt nghiệp tan tành sau khi Covid-19 xuất hiện, điều mà họ không bao giờ ngờ tới.
Đại dịch như “cú tát vào mặt” sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp
Nhiều nghiên cứu cho thấy đại dịch có tác động lâu dài lên triển vọng nghề nghiệp của những người trẻ, đẩy họ vào tình thế “lâu giàu nhưng mau già”.

Sabrina Burns, sinh viên năm cuối của Đại học Texas ở thành phố Austin, từng nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp, vô số cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở với mình trong ngành dầu khí.

Nhưng sự sụt giảm nhu cầu về dầu và khí đốt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn kế hoạch vạch trước, buộc Burns phải tính đến con đường mới.

“Đại dịch như một cú tát vào mặt chúng tôi, một tình huống hoàn toàn không lường trước được. Tôi đã ứng tuyển vào mọi vị trí trong ngành nhưng không có gì hiệu quả. Tôi thực sự nản”, Burns thừa nhận.

"Cánh cửa" việc làm khép lại đột ngột

Việc ít người đi lại khi đại dịch hoành hành toàn cầu đã giáng một đòn đau vào ngành công nghiệp dầu khí. Các công ty dầu mỏ sa thải hơn 10.000 công nhân. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa các nhà máy lọc dầu và một số đã tìm cách bảo hộ phá sản.

Trước đó, ngành công nghiệp này thu hút hàng nghìn người trẻ tuổi trong những năm gần đây với triển vọng sự nghiệp thăng tiến, mức lương cao.

Khi việc làm bị thu hẹp đáng kể, Burns không còn lựa chọn nào khác ngoài nhận lời thực tập tại một công ty tư vấn kỹ thuật chuyên về bảo tồn năng lượng. Sau khi tốt nghiệp, cô dự định chuyển về ở cùng chị gái nhằm tiết kiệm tiền.

Sabrina Burns và Stephen Zagurski, hai trong số nhiều sinh viên từng mơ về một viễn cảnh tốt đẹp khi bước chân vào ngành dầu khí, cho đến khi đại dịch xảy ra. Ảnh: NY Times.

Stephen Zagurski, một sinh viên sắp tốt nghiệp ngành địa chất tại Đại học Rice, miêu tả thời điểm ra trường của mình đầy rẫy những khó khăn, áp lực khi số cử nhân thừa mứa còn vị trí việc làm ít ỏi.

Zagurski vẫn giữ tinh thần lạc quan, tin rằng ngành công nghiệp dầu khí sẽ phục hồi như trước dù đa số tin rằng đại dịch sẽ làm giảm vĩnh viễn thói quen tiêu thụ năng lượng.

“Nhu cầu sẽ quay trở lại”, anh khẳng định.

Myles Hampton Arvie, sinh viên năm cuối của Đại học Houston, người đang theo học ngành tài chính và kế toán, muốn theo bước cha mình vào ngành dầu khí.

Cha của Arvie là giám đốc một dự án ngoài khơi ở vịnh Mexico. Bản thân chàng trai từng thực tập cho một số công ty dầu mỏ ở Mỹ và Canada.

Nhưng năm tới, sau khi tốt nghiệp, Arvie đã xác định chuyển nghề, ứng tuyển vào vị trí marketing trong ngành công nghệ.

“Tôi hơi thất vọng nhưng bạn buộc phải tiếp tục bước tiếp", anh nói.

Người trẻ đối mặt với hiểm họa rơi vào khủng hoảng tâm lý cao hơn so với các nhóm đối tượng khác trong dịch Covid-19. Ảnh: Unsplash.

Clayton Brown, một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Houston, nhớ lại bài báo từng đọc 4 năm trước, nói về tương lai "không thể tươi sáng hơn" của công việc điều tra trữ lượng dầu khí dưới lòng đất.

Bị cuốn hút bởi thông tin đó, Brown vay hàng chục nghìn USD để theo học ngành này. Hiện tại, tiền nợ học phí đã lên tới 55.000 USD. Đến thời điểm tốt nghiệp, con số dễ lên tới 70.000 USD.

Chưa hết, công ty nơi Brown đang thực tập đã dừng trả tiền trợ cấp cho anh với lý do cắt giảm chi phí.

Anh chuyển về Bắc Carolina sống với cha mẹ trong khi tham gia các lớp học trực tuyến và cố gắng gửi hồ sơ xin việc khắp nơi.

"Tôi không thể làm gì khác"

Sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế đối diện với hai thách thức lớn: tỷ lệ thất nghiệp cao, đồng thời điều kiện bắt đầu sự nghiệp với nhiều bất lợi hơn thế hệ trước, Till von Watcher, chuyên gia nghiên cứu về tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường tại Đại học California (Mỹ), đánh giá.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những người dưới 25 tuổi có nguy cơ thất nghiệp vì đại dịch cao gấp 2,5 lần so với người trong khoảng 26-64 tuổi.

Đại dịch được ví như "một cú tát" vào mặt những sinh viên Mỹ chuẩn bị và vừa tốt nghiệp. Ảnh: Washington Post.

Năm vừa qua, khoảng 1,3 triệu sinh viên Mỹ gia nhập thị trường lao động. 2020 cũng là năm tỷ lệ thất nghiệp tại xứ cờ hoa cao ở mức kỷ lục.

Theo một số tính toán, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trẻ 16-24 tuổi sau đại dịch có thể cao gấp đôi số liệu này trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra rằng thế hệ người trẻ có nguy cơ mất việc làm do các quy định giãn cách xã hội sau thời dịch. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vô số sinh viên Mỹ buộc phải dọn về sống chung với gia đình, người thân vì gánh nặng tài chính.

Tỷ lệ thất nghiệp cao đi đôi với áp lực, khủng hoảng tâm lý. Khảo sát của Financial Times thực hiện trên 800 người trong độ tuổi 16-30 cho thấy họ có mối lo chung về tương lai u ám phía trước, từ đó dẫn tới nguy cơ rơi vào khủng hoảng cao hơn.

Ngay cả tìm được việc làm, triển vọng nghề nghiệp và mức lương của người lao động cũng khó đạt được như kỳ vọng bởi suy thoái kinh tế.

Tomas Mier, từng lên rất nhiều dự định khi kết thúc kỳ học cuối ở Đại học Nam California (Mỹ). Cậu sinh viên gốc Mexico hy vọng sẽ hoàn thành kỳ thực tập và lên bục nhận bằng tốt nghiệp trước sự chứng kiến của gia đình.

Nhưng dịch bệnh đã đẩy mọi tính toán đi chệch theo hướng mà không chỉ Mier mà tất cả sinh viên đều không thể ngờ tới. "Tôi không thể làm gì khác", Mier bất lực nói về cuộc sống hiện tại của mình, khi cơ hội việc làm vẫn gói gọn trong hai từ "khan hiếm".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật