“Người mẹ tỉ phú”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bén duyên với nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ năm 2010, kể từ bận ấy, cô Tôn Nữ Quỳnh Dương (66 tuổi) quán xuyến hết mọi việc ở đây.
“Người mẹ tỉ phú”
Ngoài việc dạy học, cô Dương hiện đảm nhiệm luôn việc nấu ăn cho hơn 30 em học sinh tại nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng - Ảnh: NGUYỄN TRỌNG

"Các em hay gọi tôi là mẹ, tôi cũng coi những đứa trẻ này như những đứa con ruột thịt của mình. Lắm lúc thấy mình giàu hơn cả tỉ phú vì có đến tận hơn 100 người con, quý hơn cả vàng bạc châu báu" - cô Dương cười tươi nói.

Từng bước thực hiện ước mơ

Trong gian bếp nhỏ của nhà bảo trợ học sinh nghèo Phú Thượng vào một buổi sáng mùa đông, người phụ nữ với mái tóc điểm sương, thâ‌n hìn‌h nhỏ gầy đang loay hoay chuẩn bị thức ăn trưa cho 30 đứa con của mình. Giữa tiết trời lạnh ngắt nhưng trong căn nhà vẫn toát lên vẻ ấm cúng đến lạ.

Kể chuyện về mình, cô Dương cho biết cô tốt nghiệp khoa sinh Trường ĐH Sư phạm Huế, được điều động về dạy ở nhiều trường THPT trên địa bàn huyện Phú Lộc. 

Hơn 30 năm làm bạn với tấm bảng đen, cô được rất nhiều thế hệ học sinh yêu mến bởi tấm lòng nhiệt thành và ấm áp đối với học trò nghèo. 

Suốt quãng đời thanh xuân của mình, cô Dương luôn đau đáu về nỗi lo với những học sinh nghèo khó nhưng hiếu học. Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều em phải bỏ con chữ để tìm kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. 

Những ngày đó, sau những giờ lên lớp, cô đạp xe hàng cây số đến từng nhà học sinh nghèo để động viên, hỗ trợ một phần kinh phí giúp các em có thể được đến trường.

Trong suốt thời gian đi dạy hơn 30 năm của mình, đã có hơn 100 học sinh được cô Dương giúp đỡ để đến trường. Cô cho biết ngoài việc nhận dạy kèm miễn phí, cô đã trích từ đồng lương ít ỏi của mình để hỗ trợ các em tiền sách vở, áo quần, học phí. 

"Thế hệ đó nhiều em đã thành công, rồi như một vòng xoay, có nhiều em quay trở lại giúp đỡ những thế hệ khó khăn như mình trước đó. Việc làm của mình như việc gieo giống, đã đến lúc những hạt giống đó nảy mầm mình cũng rất vui" - cô Dương vui vẻ nói.

Khoảng giữa năm 2008, cô Dương nhận lời giảng dạy cho các em học sinh tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ lang thang Xuân Phú khi còn công tác tại Trường THCS thị trấn Phú Lộc. 

Nhìn những hoàn cảnh các em ở đây khiến cô phải ám ảnh. Những đứa trẻ đáng lẽ còn trong vòng tay bao bọc của cha mẹ đã phải chịu cảnh đơn độc. Cô tự nhủ nếu có cơ hội và điều kiện, cô sẽ dành trọn thời gian còn lại cho những đứa trẻ này.

Nghỉ hưu vào năm 2010, cô Dương đã chọn nhà bảo trợ học sinh nghèo Phú Thượng để tiếp tục giấc mơ chia sẻ với học trò nghèo. Nhà bảo trợ Phú Thượng ra đời từ năm 2007, hình thành từ sự đóng góp của gia đình cố GS.TS Nguyễn Đình Thông cùng bà con Việt kiều định cư tại Úc, với mục đích nuôi dưỡng những học sinh hiếu học nhưng hoàn cảnh quá khó khăn trên địa bàn tỉnh. 

"Vất vả, gian truân lắm nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì đã chọn công việc này. Tôi không cần ai khen chê, cứ mỉm cười với thử thách, chông gai mà tiến bước" - cô Dương tâm sự.

Cô giáo - mẹ hiền

"Ở đây tôi vừa là cô giáo, vừa là mẹ, vừa là một nhà tâm lý" - cô Dương cười tươi khi được hỏi về công việc chính của cô ở đây là gì. 

Với kinh nghiệm 30 năm làm nghề giáo, những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất luôn được cô Dương áp dụng. 

Ngoài việc tự bản thân kèm cặp các em, cô còn liên hệ với từng thầy cô dạy giỏi ở các trường để giúp đỡ các em trong việc học tập, có trả một ít thù lao cho các thầy cô từ lương hưu và sự hỗ trợ của các anh chị em ruột của mình. 

Sự chăm sóc kiên trì ấy đã đưa nhiều học sinh của cô đến giảng đường của Trường ĐH Y dược Huế, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Em Huỳnh phi công Hùng - lớp 8 Trường THCS Phú Thượng - cho biết ở mái ấm này, việc ăn uống, học hành, cách đi đứng, ăn nói đều được cô Dương chỉ dạy. 

Ở đây lúc nào cũng có hơn 30 bạn học sinh và ai cũng được cô chăm sóc như nhau. Hùng nói cô Dương như người mẹ thứ 2 của mình.

Cô Dương chia sẻ các em học sinh đang ở nhà bảo trợ đều nằm trong độ tuổi "khó chiều" nhất. Mỗi em là mỗi dấu chấm hỏi, và công việc của cô ngoài chuyện lo cho các em miếng ăn giấc ngủ còn phải để ý đến từng cử chỉ, ánh mắt để hiểu các em và ứng xử cho hợp lý. 

"Mỗi em đến đây đều có một câu chuyện khác nhau, tùy vào hoàn cảnh mà mình rắn rỏi hay nhẹ nhàng. Tôi luôn sợ cách ứng xử của mình không đúng sẽ làm hỏng cả một đời người" - cô Dương chia sẻ.

Sự chăm sóc tử tế ấy đã có kết quả với những người con tử tế. Cô Dương nói nhà bảo trợ giờ còn là nơi để sum họp vào những dịp đặc biệt. "Đàn anh, đàn chị đi trước vẫn âm thầm cùng tôi giúp đỡ những thế hệ khó khăn tiếp theo, điều đó làm tôi cảm thấy hạnh phúc" - cô Dương tâm sự.

"Nếu không có cô thì mình có lẽ đã chết"

Dù đã rời xa nhà bảo trợ hơn 9 năm nhưng cậu học trò Nguyễn Phan Như Vũ vẫn không quên những ngày cậu đang ôn thi đại học.

Căn bệnh hen suyễn lại tái phát vào lúc đêm khuya, các bạn trong phòng đi ngủ hết nên không ai để ý Vũ nằm vật vã trên giường. "Lúc đó mình tưởng chừng như tắt thở, nếu không có cô thì mình có lẽ đã chết" - Vũ nói.

Như linh tính được chuyện gì, cô Dương đột nhiên đến kiểm tra phòng của Vũ. Cô vội vã mặc áo ấm cho cậu và chở ngay đến bác sĩ, mặc kệ sức già, trời rét buốt và đôi mắt không còn sáng rõ.

Đến nơi thì Vũ đã rơi vào trạng thái mơ màng. Khi tỉnh dậy, cô vẫn ngồi bên và chỉ lặng lẽ nhìn cậu một cách hiền từ. "Đó chỉ là một trong những kỷ niệm về cô Dương thôi, những hi sinh và tình thương của cô thì khó có thể kể hết" - Vũ tâm sự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật