Ông Trump dù gặp khó vẫn khuấy đảo nước Mỹ...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thượng viện Mỹ bác quyền phủ quyết của ông dự luật chi tiêu quốc phòng.
Ông Trump dù gặp khó vẫn khuấy đảo nước Mỹ...
Tổng thống đắc cử Joe Biden và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Ngày 1/1, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) tài khóa 2021.

Trong ngày họp đầu tiên của năm mới 2021, với 81 phiếu thuận và 13 phiếu chống, vượt qua tỷ lệ 2/3 cần thiết, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc bác phủ quyết của Tổng thống Trump đối với NDAA tài khóa 2021 trị giá 740,5 tỷ USD.

Trước đó, ngày 28/12/2020, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu bác phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với NDAA cho năm tài chính 2021.

NDAA đã được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua vào đầu tháng 12 này. Tuy nhiên, ngày 23/12, Tổng thống Trump đã phủ quyết dự luật vì có điều khoản bảo vệ các công ty công nghệ như Google, Twitter và Facebook khỏi trách nhiệm pháp lý đối với các nội dung đăng tải trên các nền tảng của họ.

Tổng thống Trump cho rằng các công ty truyền thông xã hội này có thành kiến với ông trong chiến dịch vận động tranh cử tái nhiệm bất thành vừa qua.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng phản đối một điều khoản trong dự luật cho phép đặt tên các căn cứ quân sự theo tên các vị tướng thuộc phe miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ.

Sau khi bị Tổng thống Trump phủ quyết, dự luật được chuyển trở lại Hạ viện cũng như Thượng viện để bỏ phiếu.

Theo dự luật trên, các binh sỹ Mỹ sẽ được tăng 3% lương, trong khi hơn 740 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các công trình và chương trình quân sự.

Giới phân tích nhận định dự luật giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công.

Ngoài ra, dự luật cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc, từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang y tế.

Kết quả bỏ phiếu với dự luật chi tiêu quốc phòng ngày 1/1 là một thất bại đáng kể nữa với Tổng thống Donald Trump trong những tuần tại nhiệm cuối cùng.

Con đường hẹp của Tổng thống Trump

Ở thời điểm này, nhiều người Mỹ đang đếm ngược tới ngày 6/1, thời điểm được cho là cuối cùng để Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump thách thức kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm 3/11, theo Yahoo News.

Sau ngày bầu cử, hầu hết các hãng tin tức đã tuyên bố ông Joe Biden và bà Kamala Harris là những người chiến thắng. Các bang đã chứng nhận kết quả bỏ phiếu vào ngày 8/12 và các đại cử tri đã họp hôm 14/12.

Tuy nhiên, vẫn còn một số công việc bầu cử cần được hoàn thành từ giờ cho đến 20/1/2021, khi ông Biden và bà Harris nhậm chức tổng thống và phó tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Vào ngày 6/1, Quốc hội sẽ mở một phiên họp chung để chính thức đếm số phiếu đại cử tri do các bang nộp lên. Các lá phiếu đại cử tri sẽ được đưa vào phòng họp trong những chiếc hộp trang trí công phu, sau đó các thành viên Quốc hội sẽ kiểm tra chúng, và rồi phó tổng thống đương nhiệm, với vai trò chủ tịch Thượng viện, sẽ tuyên bố người chiến thắng.

Trong trường hợp này, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ là người tuyên bố chiến thắng cho các đối thủ của mình. Đó không phải là một cảm giác dễ chịu gì nhưng các đời phó tổng thống trước đó, bao gồm cả Richard Nixon năm 1961 và Al Gore năm 2001, đều phải thực hiện công việc này.

Các bang đã đếm xong số phiếu bầu của các đại cử tri. Ông Biden đã giành chiến thắng với tổng số 306 phiếu đại cử tri, trong khi đương kim tổng thống Trump chỉ giành được 232 phiếu (ứng viên cần nhận được 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng). Ông Biden cũng giành được nhiều hơn 7 triệu phiếu phổ thông so với ông Trump.

Tuy nhiên, từ ngày 3/11, ông Trump đã từ chối thừa nhận thất bại trước ông Biden. Đương kim tổng thống liên tục tuyên bố rằng ông thực sự đã thắng cuộc bầu cử, và khẳng định về tình trạng gian lận phiếu bầu quy mô lớn, dù không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Chiến dịch tranh cử của ông Trump cùng đội ngũ luật sư đã nộp hơn 50 đơn kiện, từ cấp bang cho tới Tòa án Tối cao, song đều đã bị bác.

Dẫu vậy, những người ủng hộ ông Trump vẫn thầm tin vào một cú "twist" bất ngờ, như những dòng tweet mà Tổng thống sắp mãn nhiệm vẫn giật hàng ngày.

Đạo luật về đếm phiếu đại cử tri năm 1887 quy định phó tổng thống chủ trì việc xác minh các phiếu đại cử tri với tính chất nghi thức là chủ yếu, và xác nhận người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.

Hôm 27/12, hạ nghị sỹ Louie Gohmert, đại diện bang Texas và một nhóm đảng viên Cộng hòa ở Arizona đã đệ đơn kiện ông Pence lên Tòa án Quận Hoa Kỳ, với lập luận rằng đạo luật năm 1887 là vi hiến, và rằng ông có quyền hợp pháp để lựa chọn những đại cử tri ủng hộ ông Trump vào ngày 6/1 tới đây.

"Phó Tổng thống Pence, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện và Chủ tọa phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6/1/2021 theo Tu chính án thứ 12, chỉ phải tuân theo các yêu cầu của Tu chính án thứ 12 và có thẩm quyền độc quyền và quyền tự ra quyết định trong việc xác định những phiếu đại cử tri nào được tính cho một bang," đơn kiện tuyên bố.

Tuy nhiên, ngày 31/12/2020, Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh nhóm nghị sĩ Cộng hòa đã kiện sai người khi nhắm vào Phó Tổng thống Mike Pence, người sẽ chủ trì việc kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1 tới.

Ông John Coghlan, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách các vụ kiện dân sự - nhấn mạnh rằng Thượng viện hoặc Hạ viện mới là "bị đơn" nếu nhóm của nghị sĩ Louis Gohmert muốn kiện theo điều 3 Đạo luật kiểm phiếu đại cử tri năm 1887.

Theo tờ The Hill, đơn kiện được đệ trình và nhắm vào Phó tổng thống Pence sau khi ông từ chối tham gia âm mưu "lật kèo" của nhóm ông Gohmert.

Mục đích cuối cùng của họ vẫn là để ông Pence bác bỏ các đại cử tri bỏ phiếu cho ông Joe Biden và thay thế bằng những người trung thành với ông Trump, theo hãng tin Reuters.

Ông Douglas Letter, luật sư đại diện cho Hạ viện, ngày 31/12/2020 cũng gởi công văn đề nghị thẩm phán Kernodle bác bỏ đơn kiện.

"Tòa án nên bác đơn của những người đang tìm cách đảo ngược nền tảng các quy tắc dân chủ của quốc gia này", ông Letter kêu gọi.

Một số chuyên gia luật hiến pháp nhận định đơn kiện của nghị sĩ Gohmert đã cố tình diễn giải sai Tu chính án thứ 12. Nội dung tu chính án này nêu rõ phó tổng thống chỉ có quyền chủ trì việc kiểm phiếu, không phải xác định phiếu đại cử tri nào hợp lệ và không hợp lệ.

Nói một cách nôm na, vai trò của ông Pence trong ngày 6/1 tới chỉ mang tính hình thức khi ông chỉ mở các bao thư chứa phiếu bầu của cử tri đoàn và đọc kết quả. Nội dung gốc như sau: "Chủ tịch Thượng viện trước sự hiện diện của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và các phiếu bầu sẽ được đem ra đếm".

Hiến pháp Mỹ quy định Phó tổng thống Mỹ cũng đồng thời là Chủ tịch Thượng viện nhưng chỉ thực hiện quyền biểu quyết khi một dự luật rơi vào thế bế tắc 50 thuận và 50 chống.

Theo tờ The Hill, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Pence đã trở nên căng thẳng trong vài ngày gần đây vì vấn đề kiểm phiếu cử tri đoàn. Ông Pence và nhiều quan chức trong Nhà Trắng đã cố gắng giải thích với ông Trump rằng phó tổng thống không thể nào bác bỏ hoặc chỉ định đại cử tri thay thế.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 10987
  1. Phó Tổng thống Pence hoan nghênh thách thức kết quả bầu cử một cách hợp pháp
  2. Hàng nghìn Vệ binh Quốc gia Mỹ sẵn sàng cho lễ nhậm chức của ông Joe Biden
  3. Nhóm cực hữu Mỹ sẽ tới Washington biểu tình vào ngày 6/1
  4. 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ phản đối chiến thắng của ông Biden vào 6-1
  5. Ông Trump giữ bí mật vào phút chót
  6. 11 thượng nghị sĩ tuyên bố sẽ “lật kèo” bầu cử Mỹ
  7. Hơn chục thượng nghị sĩ nỗ lực lật ngược chiến thắng của ông Biden
  8. Ông Ted Cruz cùng 10 thượng nghị sĩ tung đòn “lật kèo” bầu cử Mỹ
  9. Thêm một hy vọng của Tổng thống Trump bị dập tắt
  10. Tòa án bác bỏ vụ kiện yêu cầu ông Pence xem xét lại kết quả bầu cử
  11. TT Donald Trump: Sẽ có một “cuộc biểu tình lớn” ngày 6/1 ở Washington
  12. Kỷ lục bầu cử trong cuộc tái đấu giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ
  13. Thượng viện Mỹ vượt quyền phủ quyết của Trump
  14. Ông Trump tuyên bố có biểu tình ‘lớn’ vào ngày 6/1
  15. Quốc hội Mỹ lần đầu bác phủ quyết của ông Trump với một dự luật
  16. Quốc hội Mỹ lần đầu tiên vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Trump
  17. Nhà Trắng khác biệt của ông Joe Biden
  18. Những ngày cuối khác thường của ông Trump ở Nhà Trắng
  19. Có thể hơn 100 nghị sĩ Cộng hòa tham gia “lật kèo” bầu cử
  20. Vì sao Trump kiên quyết bác bỏ kết quả bầu cử, ngày 6/1 sẽ rõ
  21. Tổng thống đắc cử Biden đề cử nữ Thứ trưởng Quốc phòng đầu tiên
Video và Bài nổi bật