Tuyến cao tốc dài nhất cả nước đang dần thành hình

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2021, Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành dự án đường cao tốc nối Vân Đồn - Móng Cái, mảnh ghép để hình thành gần 200km của tuyến cao tốc dài nhất cả nước trên địa bàn tỉnh, kết nối giao thương quốc tế và tạo động lực phát triển cho cả vùng.
Tuyến cao tốc dài nhất cả nước đang dần thành hình
Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng sạch cho dự án và chuyển về khu tái định cư mới.

Xem Video: Sắp có đường cao tốc từ Bắc vào Nam, qua 20 tỉnh/thành

//

Có hơn 1000m2 đất nông nghiệp và 240m2 đất thổ cư bị ảnh hưởng bởi dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh, tháng 7/2020, gia đình ông Lê Quang Đảo (xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) đã đồng thuận bàn giao toàn bộ mặt bằng ngay khi được vận động.

Quảng Ninh phát động chiến dịch "30 ngày đêm" hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng chỉ cần 15 ngày, 1.186 hộ dân, tổ chức trên địa bàn các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái đã tự nguyện bàn giao hơn 187 ha đất cần mở rộng thêm.

Bà Nguyễn Thị Yến, người dân xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái: "Lúc bàn giao tôi cũng chưa nhận tiền bồi thường nhưng theo sự suy nghĩ của mình thì tuyến cao tốc này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của người dân ở đây, nên chúng tôi ký luôn để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước".

Tổng kết chiến dịch "30 ngày đêm" giải phóng mặt bằng và phát động chiến dịch "500 ngày đêm" hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - ông Nguyễn Xuân Ký nhận định, chiến dịch thành công là nhờ sự đồng lòng, tin tưởng, ủng hộ của người dân vào những chủ trương quyết sách đúng đắn của tỉnh. Những năm qua, Quảng Ninh đã "vay niềm tin" của người dân và trả bằng những con đường chiến lược, tháo "nút thắt" hạ tầng giao thông liên vùng, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo những khu vực nơi tuyến cao tốc đi qua.

Hệ thống đường cao tốc được Quảng Ninh huy động đầu tư xây dựng những năm qua đã tạo động lực cho những kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2014, lần đầu tiên Quảng Ninh mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bằng cách chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp, một việc làm chưa từng có tiền lệ. Tháng 9/2018, tuyến đường hơn 24km hoàn thiện, kết nối với cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn thời gian từ TP Hạ Long đi Hà Nội chưa tới 2 giờ đồng hồ, đi Hải Phòng vỏn vẹn 20 phút. Tháng 2/2019, "gạch nối" tiếp theo là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km đi vào khai thác, thêm hơn nửa giờ nữa để đến với Khu kinh tế Vân Đồn, từ sân bay Vân Đồn ra quốc tế.

"Mảnh ghép" cuối cùng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công tháng 4/2019. Dự án có tổng chiều dài 80,23 km với 2 phân đoạn, tổng vốn gần 13 nghìn tỉ đồng, kết hợp giữa ngân sách tỉnh và huy động tư nhân. Sau khi hoàn thành, Quảng Ninh sẽ sở hữu gần 200km cao tốc, chiếm 1/10 trong số 2000 km đường cao tốc trên cả nước vào năm 2020 theo chỉ tiêu của Chính phủ. "Trục xương sống" này sẽ kết nối tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến thành phố cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, tạo hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội giao thương, phát triển du lịch trọng điểm quốc gia và quốc tế, tăng cường quốc phòng an ninh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư huyện ủy Đầm Hà cho rằng, đây sẽ là cơ hội lớn để Đầm Hà, cũng như các huyện còn khó khăn ở khu vực miền Đông của tỉnh bứt phá: "Khi hạ tầng giao thông thuận lợi, các nhà đầu tư tìm đến hợp tác đầu tư trên địa bàn huyện sẽ thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Chúng tôi đã tập trung vào chuẩn bị, làm tốt công tác quy hoạch, đã hình thành được các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư, sẽ liên kết các doanh nghiệp với người dân để tham gia vào chuỗi quy trình, đảm bảo đầu ra của sản phẩm để người dân sẵn sàng, yên tâm sản xuất".

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái kết nối với tuyến Hạ Long - Vân Đồn, là cơ hội lớn cho các địa phương miền Đông của tỉnh.

Hiện huyện Đầm Hà đang chuẩn bị đón dự án chăn nuôi, chế biến sữa của Tập đoàn TH. TP Móng Cái cũng đang trong tầm ngắm nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, SunGroup, FLC, EcoLand, T&T... Từ cao tốc sẽ là "lối rẽ" tới các khu kinh tế (KKT ven biển Quảng Yên, Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái...), các khu công nghiệp, đô thị, giúp Quảng Ninh kết nối và phát triển theo định hướng "1 tâm, 2 tuyến, đa chiều, 3 mũi đột phá". Để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu, thời điểm này trên toàn tuyến công trường đang huy động hàng trăm phương tiện, máy móc hiện đại, đồng loạt triển khai tăng tốc thi công.

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Chúng tôi động viên nhà đầu tư, các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, tăng ca tăng kíp, có những đoạn tuyến nhà thầu tổ chức thi công 3 ca liên tục, vướng đến đâu chúng tôi giải quyết đến đó. Điều đặc biệt là các nhà thầu, nhà đầu tư đã hứa với người dân, người dân cũng tham gia giám sát và động viên khích lệ nhà thầu, tôi cho rằng đây là sức mạnh rất lớn. Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị Quảng Ninh, sự quyết tâm của nhà đầu tư, nhà thầu thì tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ hoàn thành cuối năm 2021 theo đúng tiến độ.

Cùng với tuyến cao tốc dài nhất cả nước đang dần thành hình, năm 2021, Quảng Ninh cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, hoàn thành dự án cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm như cầu Cửa Lục 3 nối 2 bờ TP Hạ Long, đường ven sông từ Quảng Yên đến Đông Triều, quốc lộ nối Lạng Sơn, các cây cầu nối Hải Phòng,... từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng, thúc đẩy liên kết và tạo động lực phát triển toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật