Hứa hẹn miền đất du lịch mới, hấp dẫn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ba Chẽ có kho tàng văn hóa đa dạng với sự tổng hòa những nét đặc trưng của 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm gần 45%. Đây là những tiềm năng, lợi thế để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Hứa hẹn miền đất du lịch mới, hấp dẫn
Sông Ba Chẽ có chiều dài trên 80km, chảy theo suốt chiều dài của huyện.

Tiềm năng, lợi thế

Địa hình của Ba Chẽ khá phức tạp, bao gồm núi đồi xen kẽ hệ thống sông suối, nên tài nguyên du lịch tự nhiên nơi đây tương đối phong phú, có thể phát triển các sản phẩm du lịch thuộc nhiều loại hình khác nhau. Do đặc điểm cấu tạo của địa hình tự nhiên đã tạo được ra nhiều các con sông, suối trên địa bàn huyện.

Trong đó sông Ba Chẽ là một trong những con sông lớn nhất tỉnh, chiều dài trên 80km, chảy theo suốt chiều dài của huyện trước khi đổ ra biển. Cảnh quan hai bên bờ sông thơ mộng và hữu tình, gắn bó sâu sắc với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Ba Chẽ. Hệ sinh thái ngập mặn cửa biển còn khá nguyên vẹn với các giá trị hệ thực vật và thủy sinh đa dạng sinh học, là cơ hội để phát triển du lịch sinh thái đặc thù.

Với hệ thống các sông, suối được thiên nhiên tạo hóa rất đa dạng đã tạo ra nhiều thác nước đẹp như: Thác Trúc, thác Khe Lạnh, thác Đá Vuông, thác Sông Cổng, thác Khe O - Khe Mằn; thác Khe Lào, thác Khe Xoong; hồ Khe Lọng, hang đá Đồng Thầm, Đèo Giang, thảo nguyên Khe Lầy... Huyện có mật độ rừng bao phủ cao, trong đó có diện tích rừng nguyên sinh khá lớn, hệ thực vật rừng có nhiều loại dược liệu quý như ba kích, trà hoa vàng, nấm linh chi, sâm cau..., rất phù hợp để phát triển các điểm du lịch sinh thái.

Phụ nữ Dao Thanh Y thêu thổ cẩm trên các sản phẩm ứng dụng.

Ba Chẽ có các di tích lịch sử, văn hóa khá đặc sắc, còn tương đối nguyên vẹn, tập trung chủ yếu tại các xã Nam Sơn, Thanh Lâm, Lương Mông, như: Di tích miếu Ông - miếu Bà, Lò gốm cổ, di tích đình Làng Dạ, Khu di tích cách mạng Hải Chi (xã Thanh Lâm), Khu di tích căn cứ địa cách mạng tỉnh Hải Ninh - Khe Lao (xã Lương Mông)... Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Bên cạnh những giá trị về lịch sử, tài nguyên, sự tồn tại lâu đời của 10 dân tộc anh em: Dao, Tày, Kinh, Sán Chỉ, Cao Lan, Hoa... trên vùng đất giàu tài nguyên này giúp cho nơi đây chứa đựng một bề dày văn hóa hết sức đa dạng, giàu bản sắc. Điều này thể hiện rõ qua văn hóa ẩm thực, lễ hội, làng nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng. Sự đa dạng về văn hóa còn mang lại cho nơi đây hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình khác nhau, như: Trang phục, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống đã góp phần mang đến cho huyện nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị.

Đánh thức để phát triển

Ngày 26-27/12 tới đây, tại Ba Chẽ sẽ diễn ra nhiều sự kiện đặc sắc như: Hội trà hoa vàng lần thứ 3, gắn với đón nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia miếu Ông - miếu Bà; Lễ hội Bàn Vương lần thứ nhất, năm 2020. Đây là những sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Hoạt động nhảy lửa tại xã Đồn Đạc.

Mặc dù có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, tuy nhiên trên địa bàn huyện, các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn nghèo nàn, chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng, chưa hình thành được các tour, tuyến du lịch, chưa có các khu vui chơi giải trí công cộng... Huyện còn gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, thường xuyên bị chia cắt mỗi khi lũ về. Chất lượng lao động ngành dịch vụ, phục vụ ở các nhà hàng, nhà nghỉ còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Trong khi đó, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch chưa rộng; kinh phí đầu tư cho quảng bá, xúc tiến chưa nhiều; chưa xây dựng được trang web thông tin về du lịch và cẩm nang du lịch của huyện. Đó chính là những rào cản rất lớn trong quá trình phát triển du lịch của huyện.

Trước thực trạng đó, huyện đang tích cực thực hiện các giải pháp để phát huy các thế mạnh, đưa du lịch văn hóa phát triển. Động thái mới nhất là triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện: Địa phương đang kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư các thiết chế kèm theo, với mục tiêu cuối cùng là người Dao biết làm du lịch.

Thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ), một trong những nơi còn lưu giữ nhiều nét truyền thống văn hóa đặc sắc của người Dao Ba Chẽ.

Triển khai Đề án này, những nhân tố tích cực trong đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn sẽ được chọn lựa để tham gia tập huấn một số nghi thức văn hóa truyền thống, với mục đích khơi dậy những nét văn hóa đặc trưng, như một sản phẩm du lịch. Quá trình triển khai nhận được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học, sự hỗ trợ hết sức của các cấp chính quyền, cũng như sự đồng lòng của người dân.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết: Người Dao Thanh Phán xã Đồn Đạc rất nhiệt tình tham gia hoạt động nhảy lửa. Đối với chúng tôi, đó chính là những thành công bước đầu. Đến nay, những người được truyền dạy đã có thể nhảy được lửa, bốc được than hồng. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng làm nên sự khác biệt mà chỉ người Dao ở đây mới có. Hy vọng bằng những điểm nhấn đó, với quá trình vận động, thay đổi nhận thức của người dân, nơi đây sẽ là một điểm sáng trong quá trình làm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao ở Ba Chẽ nói riêng, Quảng Ninh nói chung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật