Hà Giang: Thanh niên người Mông và dự án làm du lịch bền vững

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với ước mơ biến những “bản đá thành hoa“, Sùng Mí Phìn, sinh năm 1994, một thanh niên người Mông sống tại thôn Lũng Hòa B, xã Sà Phìn (Đồng Văn) đã mạnh dạn thay đổi bản thân, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng ý tưởng làm du lịch bền vững với cốt lõi là gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Ý tưởng được đánh giá cao và đang bước đầu thực hiện với những kết quả khả quan.
Hà Giang: Thanh niên người Mông và dự án làm du lịch bền vững
Sùng Mí Phìn (phải) tham gia Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn“.

                                         Xem Video: Phát triển du lịch cộng đồng bền vững
                                       

Ở độ tuổi của Phìn, những thanh niên dân tộc hoặc là đã lập gia đình, hoặc sẽ đi làm ăn xa để thoát khỏi cái nghèo thì Phìn lại hướng về quê hương nhiều hơn. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, khoa Giáo dục Tiểu học, Phìn trở về quê. Từ đó, em đã nung nấu ý tưởng làm du lịch; khao khát đưa văn hóa dân tộc đến với du khách, để họ được khám phá và trải nghiệm các dịch vụ du lịch với những người bản địa thật sự; đồng thời tạo công ăn việc làm cho những thanh niên dân tộc thiểu số trong thôn, bản mình.

Phìn chia sẻ: Những năm trở lại đây, lượng khách đến với Hà Giang tăng mạnh, nên em đã nung nấu ý tưởng làm du lịch theo hướng bền vững, mở homestay, xây dựng các tuyến trải nghiệm thực tế, đối tượng hướng đến là khách du lịch nước ngoài có đam mê với văn hóa bản địa. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng, em đã phải dành 2 năm học tập kiến thức, kinh nghiệm làm du lịch, học tiếng Anh. Sau khi trở lại Hà Giang, Phìn tận dụng chính ngôi nhà của mình để cải tạo thành homestay và đặt tên là "White Hmong homestay", có nghĩa là homestay của người Mông trắng - một nhóm của dân tộc Mông trên Cao nguyên đá.

Tuy nhiên, "khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, em nhận thấy văn hóa Hà Giang nói chung, Đồng Văn nói riêng hiện nay đang bị mai một do nhiều người làm du lịch không hiểu rõ bản sắc văn hóa đồng bào, những gì họ mang đến là các dịch vụ thương mại mà chưa thực sự quan tâm tới văn hóa, cái cốt lõi, quyết định sự sống còn của du lịch tỉnh ta. Để phát triển du lịch bền vững cần có sự bắt nguồn từ chính văn hóa truyền thống của đồng bào, do chính đồng bào làm. Vì vậy, dự án Chai"to (nghĩa là cố lên) được ra đời với mong muốn thay đổi tư duy của người dân địa phương, để đưa họ vào làm nhân tố chính trong phát triển du lịch." Phìn tâm sự. Dự án Chai’’to tập trung vào các mảng như: Tour trải nghiệm, cho thuê xe, hostell. Theo đó, toàn bộ nhân viên tham gia vào dự án đều là thanh niên đồng bào dân tộc tại các xã, huyện của 4 huyện vùng Cao nguyên đá và sẽ có sự kết nối với nhau. Đặc biệt, nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ này sẽ được trích và sử dụng vào nhiều mục đích xã hội như dạy học tiếng Anh cho các chủ homestay người bản địa và giúp đỡ cộng đồng giải quyết các vấn đề về du lịch. Vừa qua, dự án Chai’’to của Sùng Mí Phìn đã được các chuyên gia đánh giá cao và đạt giải Nhì tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo dành cho thanh niên nông thôn lần thứ 6 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Hiện, đã có rất nhiều đơn vị tài trợ, các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp đề nghị hợp tác cùng với Sùng Mí Phìn. Đây là tín hiệu tốt để dự án của Phìn cũng như những ý tưởng làm du lịch bền vững được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Để thực hiện ý tưởng làm du lịch của mình, Sùng Mí Phìn đã cải tạo, xây dựng homestay phục vụ du khách hướng tới những hoạt động trải nghiệm nhiều hơn. Du khách đến đây, sẽ bắt đầungày mới và kết thúc một ngày như những người đồng bào thực sự. Sáng sớm, gùi quẩy tấu lên nương cắt cỏ, hái rau, trồng ngô,… mùa nào việc nấy; chiều đến se lanh, dệt vải; tối cùng nấu nướng và ăn các món ăn truyền thống, cùng nghe và thưởng thức những câu chuyện đời thường nhất như: Sự tích, ý nghĩa cây khèn Mông, ý nghĩa những bài hát, điệu khèn... "Sau mỗi hành trình, du khách đều viết nhật ký và bày tỏ sự yêu mến, trân trọng đối với văn hóa truyền thống của đồng bào. Có những vị khách đã quay trở lại lần thứ 2, thứ 3 và giới thiệu cho bạn bè cùng đến. Đó là động lực lớn giúp em tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình." Phìn cho biết.

"Ban đầu thực hiện ý tưởng, bố mẹ em không tin tưởng và cho rằng nó viển vông, muốn em xin một công việc phù hợp với nghề đã học. Tuy nhiên, sau những nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện của tất cả mọi người đã giúp em định hướng đúng đắn nhất cho hành trình trong thời gian tới. Mong muốn lớn nhất của em là có thể tạo việc làm cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số; thay đổi tư duy làm du lịch của người dân, qua đó giúp họ ý thức về các vấn đề khác như môi trường,… Đặc biệt là lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào trên Cao nguyên đá." Kết thúc cuộc nói chuyện, Phìn vui vẻ tâm sự, ánh mắt toát lên đầy niềm tin và hy vọng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật