Ngoại giao vaccine: Trung Quốc đang tạo dựng ‘con đường tơ lụa y tế’ toàn cầu?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi các nước giàu mua những vaccine COVID-19 tên tuổi lớn có nguồn cung hạn chế, Trung Quốc đang cung cấp các vaccine ’cây nhà lá vườn’ cho các nước nghèo hơn.
Ngoại giao vaccine: Trung Quốc đang tạo dựng ‘con đường tơ lụa y tế’ toàn cầu?
(Ảnh minh họa)

Nhưng sự hào phóng đó có thể cũng nhằm hướng đến một thành quả ngoại giao lâu dài của Bắc Kinh, theo các chuyên gia.

Các chuyên gia của AFP cho rằng chiến lược này có thể mang lại nhiều lợi ích: xoa dịu sự tức giận và chỉ trích đối với cách Trung Quốc xử lý đại dịch, nâng cao vị thế của các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc, đồng thời củng cố và mở rộng ảnh hưởng của nước này ở châu Á và hơn thế nữa.

Khi các nước giàu mua những vaccine COVID-19 tên tuổi lớn có nguồn cung hạn chế, Trung Quốc đang cung cấp các vaccine cây nhà lá vườn cho các nước nghèo hơn. 

Huang Yanzhong, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng quan hệ Đối ngoại (CFR), nói với AFP: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang thực hiện ngoại giao vaccine trong nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình. Đây cũng trở thành một công cụ để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và giải quyết các vấn đề địa chính trị".

Trước làn sóng chỉ trích về cách xử lý khi COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa những hình ảnh về cuộc sống bình thường tại các bữa tiệc hồ bơi và các sự kiện thể thao.

Trong những tháng đầu của đại dịch, Bắc Kinh nhanh chóng xuất khẩu hàng triệu khẩu trang và áo bảo hộ, đồng thời cử các đội y tế đến trợ giúp các hệ thống chăm sóc sức khỏe đang gặp khó khăn ở châu Âu và châu Phi. Giờ đây, khi các công ty dược phẩm lớn của phương Tây bắt đầu đưa vaccine ra thị trường, Trung Quốc cũng đang tung ra các phiên bản của riêng mình. Cùng với đó, họ ký kết các thỏa thuận cung cấp hàng triệu liều vaccine cho các nước, bao gồm các nước có mối quan hệ khó khăn với Bắc Kinh.

Nắm lấy cơ hội

Theo AFP, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Malaysia và Philippines, cả hai quốc gia này trước đây đều phàn nàn về tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vào tháng 8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa ưu tiên nguồn tiếp cận vaccine cho các quốc gia dọc sông Mekong, nơi một số cáo buộc cho rằng các đập Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn đã gây nên tình trạng hạn hán.

Tác giả Ardhitya Eduard Yeremia và Klaus Heinrich Raditio cho biết trong một bài báo xuất bản tháng này của viện nghiên cứu chính trị xã hội Yusof Ishak, Singapore: "Chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc không phải là vô điều kiện". Họ nói thêm: “Bắc Kinh có thể sử dụng việc cung cấp vaccine của mình để thúc đẩy các chương trình nghị sự trong khu vực, đặc biệt là về các vấn đề nhạ‌y cả‌m như các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Học viện Khoa học Quân y ở Bắc Kinh vào tháng Ba. (Ảnh: Jupeng/Zuma Press)

Theo Huang của CFR, việc Chủ tịch Tập Cận Bình cung cấp vaccine Trung Quốc trên toàn thế giới như một "hàng hóa công cộng" cũng cho phép Bắc Kinh thể hiện mình là một nhà lãnh đạo về sức khỏe toàn cầu, nắm bắt cơ hội khi nước Mỹ tập trung vào "nước Mỹ trên hết" dưới thời ông Donald Trump.

Washington vắng mặt trong một liên minh toàn cầu gồm 189 quốc gia đã cam kết phân phối vaccine một cách công bằng. Bắc Kinh đăng ký vào tháng 10 khi các nhà sản xuất thuốc của họ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối. Nhưng chương trình này mới chỉ đảm bảo đủ liều lượng cho 20% dân số các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm tới.

"Con đường tơ lụa y tế"

Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội thương mại vì theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tại các cơ sở sản xuất để thực hiện một tỷ mũi tiêm ngừa COVID-19 vào năm tới, và khi phần lớn dịch bệnh ở nước này được khống chế, họ sẽ có một lượng vaccine để bán ra ngoài.

Theo ước tính của Essence Securities, công ty môi giới có trụ sở tại Hong Kong, chỉ cần Trung Quốc có được 15% thị trường vaccine ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, thì họ sẽ đạt doanh thu khoảng 2,8 tỷ USD.

Một nhà phân tích giấu tên của công ty cho biết: “Mọi người đều đang cần vaccine và Bắc Kinh đang ở vị trí thuận lợi để khai thác vàng ở đáy kim tự tháp".

Quá trình tiêm chủng toàn cầu cũng cần có các phương tiện bảo quản và vận chuyển. Kirk Lancaster của CFR cho biết các dự án như vậy sẽ "cộng hưởng" với các dự án thúc đẩy cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD của ông Tập - Sáng kiến Vành đai và Con đường - đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Logo của Cainiao, công ty hậu cần thuộc tập đoàn Alibaba tại một nhà kho ở Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã xây dựng các nhà kho ở Ethiopia và Dubai, nơi sẽ đóng vai trò là trung tâm phân phối vaccine cho châu Phi và Trung Đông. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang xây dựng các cơ sở sản xuất vaccine ở các quốc gia như Brazil, Morocco và Indonesia, những nơi đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm toàn cầu của các nhà sản xuất Trung Quốc. Và Trung Quốc đã hứa cho các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe vay 1 tỷ USD để mua.

Các công ty Trung Quốc sẽ có thể tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng này. Lancaster nói: “Tất cả những nỗ lực này, được đặt tên là ’Con đường Tơ lụa Y tế’, đang giúp Trung Quốc lấy lại danh tiếng quốc gia, đồng thời mở ra thị trường mới cho các công ty của mình".

Vấn đề niềm tin

Trung Quốc có 4 loại vaccine đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng và đang rất thuận lợi trong việc thử nghiệm hàng loạt trên người ở một số quốc gia, bao gồm Brazil, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng triệu người khác ở Trung Quốc cũng đã được tiêm. Nhưng không giống như các loại vaccine được phát triển bởi Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson, rất ít thông tin được công bố về tính an toàn hoặc hiệu quả của vaccine Trung Quốc.

Các đơn hàng đặt trước vaccine COVID-19 của Trung Quốc. Nguồn: Đại học Duke. Đồ họa: Qz

Hiện tại, 4 loại vaccine COVID-19 của 3 hãng Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển nâng cao: Sinopharm có 2 loại vaccine đang được phát triển; công ty công nghệ sinh học tư nhân được niêm yết tại Hoa Kỳ Sinovac đã phát triển một loại thuốc có tên là CoronaVac; và CanSino Biologics cũng có một ứng cử viên. 

Vaccine Sinopharm đã được thử nghiệm trên 60.000 tình nguyện viên ở Argentina, Bahrain, Ai Cập, Indonesia, Jordan, Maroc, Peru, Nga, Saudia Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong giai đoạn thử nghiệm 3. Sinovac’s CoronaVac đã được thử nghiệm ở Brazil, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, trong số những nước khác. Chưa công ty nào công bố thông tin về hiệu quả, theo Qz.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm 9/12 cho biết dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy các liều Sinopharm mà họ sử dụng có hiệu quả 86% và xác nhận rằng họ đã đăng ký vaccine này, đây là bước cần thiết để thuốc ở nước ngoài được bán trong nước. Những mũi tiêm đã được sử dụng khẩn cấp cho các nhân viên y tế ở đất nước vùng Vịnh kể từ tháng 9. 

Natasha Kassam, nhà phân tích chính sách Trung Quốc tại viện Lowy, cho biết việc thiếu dữ liệu "sẽ gây cảnh giác" trong quá trình triển khai toàn cầu. Các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc cũng từng liên quan đến những bê bối trong nước về các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc kém chất lượng.

Tất cả điều đó có nghĩa là người mua ở nước ngoài đang thận trọng. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Airfinity ở London, vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc có đơn đặt hàng trước với số lượng dưới 500 triệu liều vào giữa tháng 11, chủ yếu từ các quốc gia đã tham gia thử nghiệm.

AstraZeneca, trong khi đó, có đơn đặt hàng trước 2,4 tỷ liều, và Pfizer có khoảng nửa tỷ đơn đặt hàng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật