Người đàn ông cứu 100 người trong lũ: “Mạng sống của người dân quý hơn tài sản của tôi”

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với một chiếc thuyền ngang, người đàn ông 66 tuổi cùng cháu ngoại đã lao vào lũ dữ, nhịn ăn, nhịn đói, bỏ cả việc cứu chính ngôi nhà của mình để bất chấp nguy hiểm cứu gần 100 người…
Người đàn ông cứu 100 người trong lũ: “Mạng sống của người dân quý hơn tài sản của tôi”
Ông Võ Văn Bình và chiếc áo đã mặc suốt 7 ngày không thay khi cứu người trong cơn lũ

Sáng 10/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề ’Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’ đã khai mạc trọng thể, xúc động tại thủ đô Hà Nội.

Đại hội có sự góp mặt của tất cả các ủy viên Bộ Chính trị cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp, lãnh đạo bộ ngành, địa phương cùng 2.300 đại biểu đến từ mọi miền Tổ quốc mang đến một niềm cảm hứng lớn cho tất cả người dân Việt Nam tiếp tục thi đua hăng say lao động, sáng tạo.

Trong 2.300 ấy, có rất nhiều tấm gương biểu biểu với những câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực, lan tỏa một niềm hứng khởi trong xã hội.

Đó là tấm gương xả thân cứu người của ông Võ Văn Bình (đội 1, thôn Đồng Tư, Xã Hiền Ninh, Huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cùng cậu cháu ngoại mới 14 tuổi.

Ông Bình sinh năm 1954 nhưng cuộc sống khó khăn, lam lũ khiến ông trông già hơn tuổi thật. Ông và cháu ngoại sống nương tựa vào nhau, hàng ngày bươn chải ngược xuôi, làm nghề đò ngang để kiếm sống. Ai gọi gì thì ông đi, việc gì ông cũng nhận, từ chở khách hay chở hàng hóa hai ông cháu không nề hà.

Thế nhưng, hai con người tưởng chừng nhỏ bé, bình thường ấy lại hóa những người hùng trong cơn mưa lũ lịch sử tại Quảng Bình.

Ông Võ Văn Bình cho biết cứu người quý hơn tài sản của mình

Ông Bình chia sẻ: “Tôi hành nghề lái đò ngang, chở người, chở hàng qua sông Long Đại đoạn qua Hiền Ninh để giúp bà con thôn Đồng Tư. Mưa lũ quá lớn, người dân kêu cứu. Cảnh sống chết đập vào trước mắt, tôi không thể chần chừ được”.

Lúc đầu khi lũ chưa lên cao, nghe tiếng người dân kêu cứu, ông định chở người về nơi an toàn rồi quay lại nhà mình để cứu đồ, chằng chống nhà cửa. Nhà của ông cũng nằm ở vùng trũng, nước dâng cao không cứu kịp thì cũng trôi hết tài sản.

Ông Võ Văn Bình và cháu trai 14 tuổi cùng đi cứu người trong cơn lũ

Thế nhưng, những tiếng kêu cứu của bà con đã níu ông ở lại, hai ngày ngược xuôi đè lũ dữ, nhịn ăn, đói rét, không có quần áo để thay… hai ông cháu đã cứu sống được gần 100 người dân.

Thế nhưng, ngôi nhà nhỏ của ông đã chìm sâu hơn trong lũ. Chiếc thuyền là tài sản duy nhất sau 2 ngày ngang dọc cũng bị dòng nước xoáy nuốt mất và rách nát, may mà ông bơi được vào bờ, thoát chết…

Sau lũ, ông Bình đi tìm đã thấy đò cole vỏ nhôm rách nát, chiếc máy nổ không còn sử dụng được.

Thế nhưng, chia sẻ về việc vì sao cứu người nhưng lại không về cứu chính ngôi nhà của mình, ông Bình thật thà: “Trong con lũ, nghe những tiếng kêu thất thanh, lòng tôi không thể quay thuyền trở về được. Đối với tôi, mạng sống của người dân quý hơn tài sản của tôi”.

Nhà của ông hư hỏng nặng, không có gì dùng được

Cũng có mặt trong Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, chị Nguyễn Thị Luyến (sinh năm 1982), trú tại thôn Đồng Tư - một người vừa được ông Bình cứu sống không kìm được những giọt nước mắt xúc động.

“Khi bác cứu hai mẹ con đến chỗ an toàn, chúng tôi đứng trên bờ nhìn bác lao vào nước lũ, áo quần mỏng manh không phao cứu sinh. Bác đi cứu người vì cái tâm, cứ lao vào dòng lũ như vậy, không tính toán, không sợ hãi. Tôi sống lần này là lần thứ hai nhờ có bác”.

Sau khi cơn lũ qua đi, rất nhiều người được ông Bình cứu trong cơn lũ đã đến bày tỏ lòng cảm ơn. Nhiều gia đình níu cả thuyền để gửi tiền nhưng ông Bình quyết không nhận: “Ngày thường, tôi chở đò để mưu sinh thì tôi nhận tiền ngay nhưng những ngày này, cùng là đồng bào, tôi giúp được chi thì tôi giúp. Làm sao tôi có thể ngửa tay nhận những đồng tiền của bà con làng xóm trong hoàn cảnh này. Họ cũng đang rất khó khăn”.

Câu chuyện về hai ông cháu lái đò ngang cùng nhiều tấm gương tiêu biểu khác như Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt ở tuổi 95 may hàng trăm khẩu trang để phát cho người nghèo phòng, chống dịch; Đại tá Mai Hoàng (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình Sự Bộ Công an, nguyên Trưởng Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đối mặt với không ít gian khổ, hiểm nguy để bắt tội phạm m‌a tú‌y; em Phan Nguyễn Thái Bảo (Tây Ninh) mới 10 tuổi đã sở hữu hàng trăm huy chương, cúp vô địch, giấy khen của các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước; cô giáo 9X Hà Ánh Phượng bỏ công việc với mức lương ngàn USD ở thành phố để trở về quê hương, một huyện miền núi ở Phú Thọ dạy học… đã làm lay động trái tim hàng hiệu con người, truyền cảm hứng thi đua, lao động, sáng tạo hăng say.

Đúng như ông Nguyễn Thế Kỷ (giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ: “Từ những chiến sĩ quả cảm phục kích trong rừng núi 2-3 tháng chiến đấu với tội phạm, tới những công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, doanh nhân đều là những tấm gương chói sáng. Tất cả đều rất thực chất chứ không có ai phải khoác lên mình chiếc áo hào nhoáng để trở thành chiến sĩ thi đua”.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật