Nghi án nhận chăn rồi đem bò đi bán?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ trong thời gian ngắn, 34 con bò của người dân gửi đã “mất tích” đáng ngờ. Vụ việc có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố vụ án.
Nghi án nhận chăn rồi đem bò đi bán?
Ông Hồng nhận chăn bò của các hộ dân.

Xem Video: Bắt tên trộm bò

Mất bò hàng loạt

Ông Lê Văn Khải (63 tuổi, ngụ thôn Liêm Hòa, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc), vừa có đơn gửi đến các cơ quan tố tụng và Báo Bình Thuận khiếu nại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Bắc không khởi tố vụ án đối với việc ông gửi bò cho ông Lê Thanh Hồng (49 tuổi, ngụ thôn Liêm An, xã Hồng Liêm) chăn, nhưng có dấu hiệu của việc bán bò của ông để trục lợi.

Theo trình bày của ông Khải, năm 2010, ông có gửi cho vợ chồng ông Hồng 15 con bò (loại giống bò ta lông vàng) để quản lý, trông coi, chăm sóc và chăn dắt. Theo thỏa thuận, tiền công hàng năm ông Khải trả cho ông Hồng là 800.000 đồng/con/năm, tiền công được trả trước 1 năm/lần. Hàng năm vào ngày 25/12 (âm lịch), 2 bên sẽ tiến hành kiểm tra bò và trả tiền công cho năm tới. Vào ngày 25/12/2019 (âm lịch), 2 bên đã tiến hành kiểm tra số bò và cùng xác nhận số lượng bò của ông Khải tổng cộng là 23 con. Ông Khải chọn 2 con để bán và trả tiền công năm 2020 cho ông Hồng tại chuồng bò, số bò còn lại là 21 con tiếp tục giao ông Hồng chăn. Đến tối 1/9/2020, ông Hồng đến nhà ông Khải hỏi mượn tiền và báo bò đẻ thêm 2 con. Sáng 3/9/2020, ông Khải vào thăm bò và cho ông Hồng mượn thêm 500.000 đồng và thưởng thêm cho ông Hồng 200.000 đồng về công chăm bò mới sinh. Tổng số bò của ông Khải tính đến ngày 3/9/2020 là 23 con.

Chiều 5/9/2020, ông Khải và các chủ bò khác cùng gửi bò cho ông Hồng phát hiện bị mất bò nên đã trình báo Công an xã Hồng Liêm. Công an xã đã cùng Công an huyện Hàm Thuận Bắc đến chuồng bò tại thôn Liêm An, xã Hồng Liêm. Công an sau đó mời các chủ bò và vợ chồng ông Hồng về trụ sở thôn lập biên bản, ghi lời khai. Tuy nhiên, lúc này ông Hồng bỏ trốn, chỉ có vợ. Đến sáng 6/9/2020, ông Hồng có mặt tại chuồng bò cùng Công an huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục lập biên bản, lấy lời khai. Tại hiện trường, ông Hồng thừa nhận đã bán bò của các hộ dân gửi cho ông chăm sóc, trong đó có số bò của ông gồm 3 con bò đực 1 năm tuổi, 12 con bò cái giống từ 3 – 4 năm tuổi. Theo ông Khải, việc ông Hồng thừa nhận có rất đông người dân và tất cả các chủ hộ bị mất bò chứng kiến tại hiện trường chuồng bò. Ước tổng trị giá 15 con bò của ông Khải là 250 triệu đồng.

Tương tự ông Khải là bà Phạm Thị Hiền (52 tuổi, ngụ xã Bình Tân, huyện Bắc Bình), bà Hiền cũng gửi cho vợ chồng ông Hồng 15 con bò cái đẻ để chăm sóc. Đến ngày 6/9/2020, khi có mặt giữa các bên, số bò bà Hiền bị mất là 13 con.

 Vô lý bò bệnh chết, mắc sình

Sự việc có dấu hiệu bán bò trục lợi là vậy, thế nhưng đến ngày 7/11/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Thuận Bắc ban hành Thông báo số 897 ngày 7/11/2020, không khởi tố vụ án Hình Sự và hướng dẫn người bị thiệt hại khởi kiện ra tòa. Nội dung cho rằng: “Quá trình làm việc, ông Hồng khai nhận trong quá trình chăn dắt bò thì có 34 con bò của các hộ dân bị bệnh chết, bò nghé mắc sình chết và đi lạc không tìm được, không thừa nhận hành vi chiếm đoạt của các hộ dân. Xét thấy không có căn cứ xác định có việc phạm tội xảy ra”.

Theo ông Khải, bà Hiền và các hộ dân, Công an huyện Hàm Thuận Bắc không khởi tố vụ án Hình Sự và kết luận ông Hồng không có hành vi chiếm đoạt tài sản là chưa điều tra xác minh toàn diện sự việc, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Bởi lẽ, tại hiện trường vào sáng ngày 6/9/2020, ông Hồng đã thừa nhận đã bán bò của các hộ dân, dưới sự chứng kiến của cơ quan công an và rất nhiều người dân tại địa phương cùng các hộ gửi bò. Hơn nữa, thông thường mỗi khi bò bị bệnh, bò sinh con thì ông Hồng đều thông báo ngay cho chủ bò biết để vào hiện trường xác nhận. “Từ trước đến nay không xảy ra tình trạng mất bò. Trong khi vào ngày 3/9/2020, tôi có vào chuồng bò cùng ông Hồng xác nhận bò của tôi là 23 con nhưng chỉ 2 ngày sau vào ngày 5/9/2020, thì xảy ra sự việc mất cùng lúc 34 con bò của các hộ dân, trong đó tôi bị mất 15 con nên việc cho rằng bò bị chết, mất là không thể chấp nhận”, ông Khải bức xúc.

Ngoài ra, nếu trong quá trình chăn 34 con bò của các hộ dân bị bệnh chết, bò nghé mắc sình chết và đi lạc không tìm được, nhưng cơ quan điều tra không làm rõ việc bò bị chết có ai chứng kiến!? Ông Hồng bỏ xác bò ở đâu!? Tại sao chỉ trong thời gian 2 ngày mà chết và lạc 34 con bò, nhưng các chủ bò không được biết!? Tại sao ông Hồng bỏ trốn khi bị các hộ dân phát hiện mất bò!? Nếu Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc cho rằng ông Hồng không thừa nhận hành vi chiếm đoạt nên không có căn cứ xác định có việc phạm tội xảy ra là không đúng Pháp Luật và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trước việc những người dân khiếu nại không khởi tố vụ án Hình Sự, kết luận ông Hồng không có hành vi chiếm đoạt tài sản là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chúng tôi đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc cần xem xét lại vụ việc để đảm bảo quyền lợi của người dân và tính nghiêm minh của Pháp Luật.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật