Đi tìm “kho báu dưới đáy biển”

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dịp tháng 10 Âm lịch, tiết trời dần trở lạnh, lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi gió mùa Đông Bắc, các chuyến đi Vịnh Hạ Long đối mặt với cái lạnh, sóng cuộn lên theo từng cơn gió rét. Thế nhưng, công việc lại bắt đầu với những người khảo sát, nghiên cứu san hô, thứ được coi là “kho báu dưới đáy biển“.
Đi tìm “kho báu dưới đáy biển”
Vẻ đẹp khu vực Trăng Lưỡi Liềm, một trong nhưng nơi được đoàn chọn lặn khảo sát san hô.

Sau bao lần bị hoãn, dù thời tiết không thực sự thuận lợi, tôi cũng quyết định ra Vịnh Hạ Long cùng cán bộ Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu (NVNC), Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long và chuyên gia viện Tài nguyên và Môi trường biển. Có lẽ do hoạt động du lịch giảm, việc đánh bắt cá bị cấm và tiết trời mùa đông khiến nước trong, ít vẩn, lặn sẽ thuận lợi hơn.

Rẽ nước lạnh, lặn tìm san hô

Mới chừng 7h sáng, trời còn âm u, cả đoàn chúng tôi đã có mặt có mặt ở cảng tàu Bến Đoan. Đoàn khuân theo khối lượng vật dụng lớn xuống tàu, gồm đồ lặn, bình dưỡng khí, thức ăn... cho chuyến đi ra vịnh lặn tìm san hô.

Tàu nhổ neo nhằm hướng chếch Tây - Nam khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, đưa đoàn tới khu vực Trăng Lưỡi Liềm, nơi có các vụng kín, được cho là còn nhiều san hô. Trời lạnh khiến chúng tôi phải khoác thêm áo ấm. Gió lùa, sóng lắc, bữa sáng được cả đoàn tranh thủ ăn trên tàu.

Tàu rẽ sóng, anh Phạm Lê Minh, cán bộ Phòng NVNC, một trong các thợ lặn chính tỏ ra lo lắng, nhưng với dân nghiên cứu biển như Minh và đồng nghiệp, tháng cuối năm đi biển gặp sóng gió hay ảnh hưởng bởi bão... thành quen: “Trời gió mùa trở lạnh, mong rằng sóng gió không to lên…”

Minh và các đồng nghiệp lo lắng cũng đúng thôi! Trong khoảng 10 chuyến ra biển lặn trước đây ở Bù Xám, Soi Ván, hòn Bọ Hung (những điểm được nhận định còn nhiều san hô - PV) không thu hoạch được nhiều. Nước đục, sóng gió to, độ che phủ san hô thấp. Kỳ vọng tìm được “kho báu” dưới đáy biển gần như không đạt được.

Minh trong nhóm thợ lặn được BQL Vịnh Hạ Long cử tham gia tập huấn lặn ở Hà Nội để chủ động trong việc giám sát san hô. Nhóm này phối hợp với các chuyên gia sẽ thực hiện các dự án, nhiệm vụ quan trọng: Giám sát, đánh giá độ phủ của san hô trên Vịnh Hạ Long.

Chừng hơn 1 tiếng tàu chạy cao ga, chúng tôi tới tùng kín ở khu Trăng Lưỡi Liềm. Tùng là hệ sinh thái khá kín, bao quanh bởi dãy núi cao, chỉ có một đường vào. Ở đây đa dạng sinh thái được bảo tồn khá tốt, nước trong và lặng, không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết.

Đoàn khảo sát nhanh chóng chuẩn bị các thiết bị lặn ngay sau khi thời tiết hửng nắng, ấm dần.

Dù đã "ngắm" kỹ điểm này trước đó vài ngày nhưng cả đoàn vẫn phải chờ chừng một giờ để mong thời tiết tốt hơn. Trời vẫn âm u, khá lạnh. Anh Nguyễn Minh Khảm, thợ lặn, cán bộ nghiệp vụ môi trường của Phòng NVNC lên tiếng trấn an: Trời u ám, lạnh nhưng lát có nắng ngay! Mấy hôm trước cũng vậy. Hy vọng hôm nay sẽ tìm được gì đó!

Chừng khoảng 9h30, trời hửng nắng thật. Nước ấm, sóng gió giảm. Cả đoàn mừng ra mặt. Rất nhanh, các thành viên lấy đồ lặn ra. Minh lấy thiết bị GPS định vị, tay níu chặt thành tàu, miệng hô từng câu khẩu lệnh để lái tàu thả neo: Qua trái tí nữa! Tới chút nữa! Thả!

Tàu hướng một đầu ra cửa tùng, phần đuôi quay về phía trái núi lớn, nơi theo các chuyên gia viện Tài nguyên - Môi trường biển xác định là có dải san hô dày, dài ăn dọc chiều dài của dãy núi. Anh Khảm ra sát mép tàu ngắm, dùng thiết bị xác định độ trong của nước, đưa tay vốc nước, cười rất tươi: Nước ấm lắm. Lặn thôi..!

Sau ăn nhẹ, uống sữa, các thợ lặn khoác lên mình bộ quần áo cao su, chân nhái, đeo một vòng chì nặng trịch quanh bụng, khoác bình oxy xoay lưng. Ùm, ùm! Kíp lặn gồm Khảm, Minh trực tiếp do Thạc sỹ Đậu Văn Thảo (viện Tài nguyên - Môi trường biển) chỉ đạo, vào việc ngay. Điểm khảo sát được xác định cách chân núi chừng 10m. Trên bờ ai cũng hồi hộp chờ đợi.

Mặt nước Trăng Lưỡi Liềm lặng trở lại, trong vắt, khúc xạ vài tia nắng khiến nước trong như mặt gương khổng lồ. Hình ảnh con tàu chúng tôi như đang nghiêng dần dưới mặt nước xanh như ngọc. Sau chừng 15 phút lặn, Minh và Khảm trồi lên tới 3, 4 lần mà chưa tìm được rạn nhiều san hô. Kíp trên tàu chừng tỏ ra khá thất vọng, nhiều người thở dài...

Thợ lặn thành viên đoàn khảo sát mật độ, loài ở rạn san hô khu vực Trăng Lưỡi Liềm.

Chừng 30 phút sau, kíp lặn trồi lên… Dải san hô được đoàn xác định là 1 vệt dài song song với vành núi vòng cung. “Điều đáng mừng là rạn khá dày, độ che phủ cao. Nhiều đoạn san hô sinh trưởng mạnh, san hô đủ loại, đa màu. Theo đánh giá sơ bộ đây có lẽ là điểm san hô đẹp và dày nhất trên vịnh Hạ Long mà đoàn đã nghiên cứu. Tuy nước hơn đục nhưng thật thú vị hơn là có khá nhiều cá quanh rạn" - Khảm vừa thở vừa kể.

Có lẽ chuyến đi giữa trời trở gió này đã thành công ngoài mong đợi. Phát hiện này là tiền đề để củng cố các đề xuất, phương án bảo tồn, phục hồi rạn san hô mà họ theo đuổi và thực hiện bấy lâu.

Hồi sinh, nhân lên nhiều "kho báu"

Chuyến khảo sát thành công, phát hiện độ phủ lớn, mức đa dạng san hộ khiến nhưng người làm khoa học như TS Nguyễn Đăng Ngải rất vui. Trên hành trình về bờ, anh chia sẻ: Theo đánh giá của các nhà khoa học, hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi thủy sản có mối quan hệ mật thiết. Và sẽ dần bị mất đi do những hoạt động khai thác thủy sản mang tính huỷ diệt, tác động của lưới kéo hoặc môi trường ô nhiễm.

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Ngải, viện Tài nguyên - Môi trường biển trao đổi công việc khảo sát với các thợ lặn trước khi xuống nước.

Việc phát hiện được rạn san hô với độ che phủ dày, nhiều sinh vật đa dạng trong hệ sinh thái rạn san hô cho thấy nhiều khu vực môi trường vẫn giữ được độ trong sạch hoặc được cải thiện. Tín hiệu này giúp những nhà nghiên cứu, bảo tồn có hướng đi phù hợp để bảo vệ những giá trị đặc hữu này. Bởi trước đó, theo khảo sát, giá trị trung bình độ phủ san hô sống ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên Vịnh Hạ Long chỉ khoảng trên 20%, số ít đạt trên 40%, khiến nhiều nhà quản lý, nhà khoa học lo ngại.

TS Đặng Văn Ngải, chủ trì đoàn giám sát, chia sẻ: Hệ sinh thái san hô rất nhạ‌y cả‌m thường chịu tác động với các yếu tố thiên nhiên như bão, thời tiết. cũng như các hoạt chủ quan như: phá rừng, khai thác than, lấn biển, du lịch, đánh bắt hải sản, nuôi lồng bè…Với tốc độ phát triển như hiện nay, các rạn san hộ khu vực vịnh Hạ Long chịu áp lực khá lớn, nguy cơ cao nếu không có sự quản lý và định hướng phát triển bền vững.

Phát hiện hệ sinh thái rạn san hô ở  vụng Trăng Lưỡi Liềm và các khu vực khác trên Vịnh Hạ Long là một tín hiệu vui. Điều này cho thấy nhiều khu vực trên Vịnh môi trường còn trong sạch hoặc đã được phục hồi tương đối tốt. Vì thế việc bảo tồn và có phương án khoanh vùng bảo tồn là rất quan trọng. Việc bảo vệ tốt, gìn giữ môi trường tốt, san hô sẽ hồi sinh.

Vẻ đẹp, sự đa dạng, độ phủ được đánh giá là tốt của san hô ở khu vực Trăng Lưỡi Liềm.

Chia sẻ về nỗ lực bảo tồn, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó BQL Vịnh Hạ Long, cho biết: Thời gian qua, Ban thường xuyên quan tâm, khảo sát, khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn. Gần như những người làm công tác bảo tồn không ngày nào không cập nhật thông tin về “sức khỏe” của “khu rừng quý” này. Đặc biệt, việc cấm đánh bắt cá trên Vịnh, việc khoanh vùng cảnh báo cũng là cơ sở bảo vệ tốt hơn. Dù chỉ những biểu hiện nhỏ như: tàu thuyền tránh bão tại khu vực bảo tồn, việc đánh bắt thả lưới, hay dấu hiệu khả nghi khai thác san hô…các lực lượng quản lý tại chỗ đều nhắc nhở hoặc được thông tin cho nhà quản lý".

Từ lâu, BQL Vịnh Hạ Long đã phối hợp với viện Tài nguyên - Môi trường biển Hải Phòng thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng của hệ sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô trên Vịnh Hạ Long. Từ đó thực hiện cắm biển khoanh vùng tại những khu vực có độ phủ san hô trên 30%, bao gồm khu vực Cống Đỏ và khu vực Hang Trai.

Sau khi thực hiện công tác khoanh vùng cắm biển bảo tồn phòng, Phòng NVNC đã bàn giao các biển khoanh vùng và sơ đồ khoanh vùng các rạn san hô trên vịnh cho trung tâm 3 và 4 để quản lý, giám sát. Phòng NVNC cũng thường xuyên liên hệ với các đơn vị quản lý trên địa bàn để theo dõi tình trạng, "sức khoẻ" của rạn ở với khu vực đã khoanh vùng.

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xác định, cắm biển và có nhiều biện pháp bảo vệ, khoanh vùng bảo tồn san hô ở nhiều nơi trên Vịnh Hạ Long.

“Có thể nói, gần đây việc chủ động lặn, khảo sát san hô trên Vịnh Hạ Long cho thấy cách làm khoa học, bền vững và chủ động trong phát hiện, bảo tồn và phát huy giá trị về sau này của san hô. Bởi trước đây, việc khảo sát, nghiên cứu còn chưa nhiều và thiếu chủ động. Có thể nói, đến thời điểm này đã có những khảo sát, phát hiện quan trọng và có được những bước đầu tiên khả quan trong bảo vệ, khoanh vùng bảo tồn" - TS Ngải đánh giá thêm.

Phát huy tiềm năng gắn với hệ sinh thái san hô

Theo TS Ngải, rạn san hô là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, không những có giá trị về mặt sinh thái mà còn có giá trị về mặt kinh tế lâu dài nếu được khai thác một cách hợp lý. Việc bảo vệ, phục hồi rạn san hô có tác động tích cực về sinh thái, môi trường, phục hồi, đa dạng hoá nguồn thuỷ hải sản.

Bên cạnh đó, giá trị thẩm mỹ và những điều thú vị bên trong hệ sinh thái này luôn thu hút con người đến khám phá. Từ đó, các dịch vụ du lịch ở những nơi có rạn san hô ra đời kéo theo sự phát triển kinh tế. Vịnh Hạ Long cũng từng có những rạn san hô lớn... Nếu phát huy được thế mạnh đó chắc hẳn sẽ đưa lại những lợi ích kép về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường...

Có thể thấy, nhiều bài học từ việc bảo vệ, bảo tồn rạn sạn hô ở nhiều địa phương như Cù Lao Chàm, Rạn Trào (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) đã thu được những thành công nhất định. Đây cũng là những nơi có thể phát triển các dịch vụ du lịch biển hấp dẫn.

"Điều đáng mừng nhất là tỉnh Quảng Ninh đã cấm các hoạt động đánh bắt thuỷ sản trên Vịnh Hạ Long để môi trường phục hồi... Và hình dung xem, có môi trường trong sạch, đa dạng thuỷ hải sản, nhiều san hô giữa cảnh quan Vịnh Hạ Long kỳ quan tuyệt đẹp này rất có thể là tiềm năng du lịch. Các sản phẩm dịch vụ mới từ đây sẽ được phát triển, phát huy hết lợi thế cảnh quan, đa dạng sinh học của vùng Vịnh" - TS Ngải chia sẻ về triển vọng phát huy giá trị các rạn san hô trên Vịnh Hạ Long.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật