Bánh cuốn Ông Sĩ- ẩm thực Ninh Bình ở xứ sương ᴍù

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đà Lạt – xứ sở sương mù không chỉ đẹp và thơ mộng, ở đây còn có vô vàn món ăn ngon, hấp dẫn. Trong đó, không thể không nhắc đến “Bánh cuốn ông Sĩ”- một món ăn mang đậm bản sắc văn hóa miền quê Kinh Bắc đã được một gia đình gốc Ninh Bình mang vào đây và lưu truyền hơn 60 năm nay.
Bánh cuốn Ông Sĩ- ẩm thực Ninh Bình ở xứ sương ᴍù
Không gian của quán Bánh cuốn ông Sỹ được bài trí mộc mạc, mang đậm chất Bắc bộ.

Tình cờ tôi biết đến Quán trong một chuyến đi công tác tại Đà Lạt. Khi trò chuyện về những người con Ninh Bình vào đây làm ăn, sinh sống, anh Minh Lân – phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình Lâm Đồng đã rất hào hứng nói cho tôi về “Bánh cuốn Ông Sĩ”, quán ăn rất nổi tiếng được nhiều thực khách trong và ngoài nước yêu mến khi đến với thành phố Đà Lạt.

Năm 2014, bánh cuốn Ông Sĩ được tôn vinh danh hiệu văn hóa nghệ thuật ẩm thực và tinh hoa đặc sản ba miền. Khi nhắc đến bánh cuốn người ta thường nghĩ tới bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng của Hà Nội nhưng chủ quán này lại là người gốc Ninh Bình. Vậy bánh cuốn này có gì đặc biệt khiến nó được “đón chào” và hấp dẫn thực khách đến vậy?

Leo lên một chiếc taxi, yêu cầu cho đến bánh cuốn Ông Sĩ, chẳng cần đọc địa chỉ, 10 phút sau tôi đã có mặt ở quán. Một không gian rất giản dị, mộc mạc, đậm chất Bắc Bộ hiện ra trước mắt tôi với hàng chuối, những bộ bàn ghế bằng tre, thúng, mẹt, tích trà nóng hổi. 7 giờ sáng nhưng quán đã khá đông khách. ở đây bánh cuốn được tráng thủ công, một cách cầu kỳ, ngay tại chỗ.

Giữa nghi ngút hơi nước bốc lên từ 2 nồi bánh tráng, một mình chủ quán vừa đổ bột, nhấc bánh, cuộn bánh thật khéo léo. Mở vung nồi thứ nhất, nhanh tay múc lưng muôi bột, lấy đáy gáo gạt bột dàn thật mỏng mà không được vỡ bánh rồi thoăn thoắt úp vung. Tay chuyển sang nồi bên cạnh thao tác xong thì bánh nồi bên kia kịp chín.

Mở vung, thấy cái bánh tròn xoe trắng trong thì lại lấy cái que đặt vào mép bánh xoắn hai, ba vòng gỡ bánh ra… Cứ thế, liên tục, liên tục, đôi tay kết hợp nhuần nhuyễn, nhanh thoăn thoắt. Xem tráng bánh mà tôi cứ ngỡ mình đang xem xiếc.

Cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi là chị Trịnh Thanh (Xuân Thọ, Đà Lạt, Lâm Đồng) lại cùng cả gia đình đi hơn 10 km đến ăn bánh cuốn tại đây.

Chị Thanh chia sẻ: ẩm thực Đà Lạt rất phong phú, đa dạng, nhiều món ngon, nhưng thứ quà sáng thơm hấp dẫn hơn cả có lẽ là bánh cuốn Ông Sĩ. Bánh tráng nóng, mềm mỏng, dẻo thơm, ăn với chả viên, thịt nướng, thêm ít giá trần và vài cọng rau thơm.

Đặc biệt, nước chấm khá ngon, không ngọt không mặn, cực kỳ vừa miệng. Một nhóm thực khách khác nhận xét: Ninh Bình không có truyền thống, thế mạnh về bánh cuốn nhưng riêng bánh cuốn Ông Sĩ thì tuyệt vời. Bánh luôn nóng và rất thơm ngon. Đặc biệt, có bánh cuốn nhân thịt và các loại nấm có vị đặc trưng riêng, khác hẳn với bánh cuốn nơi khác với giá chỉ từ 25-30 nghìn đồng.

Sau một hồi lâu chờ đợi cho vãn khách, tôi mới có dịp trò chuyện cùng với chủ quán, anh Nguyễn Duy Linh và mẹ của anh cô Nguyễn Thị Hải. Cô Hải kể: gia đình gốc xóm Bún, phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình vì thế có nghề làm bún bánh gia truyền từ rất lâu rồi.

Năm 1991, cuộc sống kinh tế khó khăn, 2 vợ chồng cô mới bàn bạc khăn gói vào vùng đất Tây Nguyên này lập nghiệp. Gia sản mang theo chỉ có 1 cái xoong quân dụng, 1 cái cối đá xay bột. Lúc đó, nhiều người đi cùng trên tàu còn tò mò đặt câu hỏi “Không hiểu 2 vợ chồng này giở võ gì đây”. Ban đầu vào cũng chưa có tiền thuê quán xá gì cả, chỉ dựng cái lán tạm, bán vỉa hè thôi. Dần già, bánh ngon, được nhiều người biết đến và yêu mến, thu nhập khá hơn thì mua đất, dựng quán.

Gần 30 năm, bánh cuốn Ông Sĩ vẫn đứng vững, giữ được tên tuổi và có một vị trí nhất định trong văn hóa ẩm thực của đất Đà Lạt.

Đặc biệt, Năm 2014, bánh cuốn Ông Sĩ được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ẩm thực, Trung tâm UNESCO Văn hóa ẩm thực Việt Nam, tôn vinh danh hiệu văn hóa nghệ thuật ẩm thực và tinh hoa đặc sản ba miền. Đó là danh hiệu cao quý, qua đó ghi nhận những đóng góp quan trọng trong việc góp phần gìn giữ, phát triển những giá trị truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam và thế giới.

Anh Nguyễn Duy Linh chia sẻ: có được danh tiếng bấy lâu cũng là nhờ cái tâm với nghề của bố mẹ và cả gia đình tôi. Các nguyên liệu làm bánh ở đây đều được lựa chọn kỹ lưỡng, chỉ sử dụng gạo sạch và nước, không dùng bất cứ chất phụ gia nào nên bánh có vị thơm rất tự nhiên và đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

Để tiếp nối truyền thống gia đình, thế hệ chúng tôi sẽ cố gắng lưu giữ, kế tục, làm sao đó giới thiệu một nét văn hóa ẩm thực của Ninh Bình đến với người Đà Lạt và du khách thập phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật