Sau 3 năm vận hành, xe buýt nhanh BRT vẫn chậm

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đưa vào vận hành từ tháng 1/2017, tuy nhiên sau 3 năm hoạt động, tuyến xe buýt nhanh BRT vẫn không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Không chỉ vậy, việc dành làn đường ưu tiên cho buýt nhanh còn khiến giao thông tại Hà Nội trở nên tắc nghẽn, trì trệ hơn.
Sau 3 năm vận hành, xe buýt nhanh BRT vẫn chậm
Vào nhiều khung giờ trong ngày, nhiều chuyến buýt nhanh BRT chỉ có vài hành khách trên xe.

Cả tuyến buýt nhanh có tổng cộng 35 xe buýt nhanh đang hoạt động, trong đó có 22 xe vận hành vào những ngày thường và 16 xe hoạt động vào Chủ Nhật. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, hành khách chủ yếu sử dụng xe buýt nhanh là người già, người di chuyển gần. Đối tượng nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên đa phần vẫn không lựa chọn hình thức vận chuyển này.

Trao đổi về lý do không sử dụng phương tiện này, chị Nguyễn Thị Hồng Nhẫn (38 tuổi, nhân viên văn phòng, cư trú tại ngõ 105 đường Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Đi xe buýt thì có nhiều tiện lợi, khá mát mẻ và giảm bớt chi tiêu nhưng chậm hẳn so với đi xe máy. Tuyến buýt nhanh có làn đường ưu tiên nhưng các phương tiện khác vẫn tràn sang lấn làn vào giờ cao điểm nên xe cũng không đi nhanh được. Nhiều lúc còn có xe máy bất ngờ tạt đầu và nhiều tình huống nguy hiểm khác. Nên vào những ngày thường tôi vẫn buộc phải lựa chọn đi xe máy".

Nhiều sinh viên cũng không thể lựa chọn hình thức này vì không đảm bảo kịp giờ học. Bạn Nguyễn Tiến Anh (20 tuổi, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải) cho biết: "Mặc dù em ở trọ ngay gần điểm buýt nhanh Lê Văn Thiêm nhưng em không thể di chuyển bằng phương tiện này. Thứ nhất, vào những hôm tắc đường, gần như có khi em phải dành 1 tiếng ngồi xe buýt mới có thể di chuyển được quãng đường chưa đến 7 km. Không chỉ vậy, không phải chỗ nào cũng có điểm buýt BRT nên việc di chuyển bằng phương tiện này là không hề dễ dàng với sinh viên bọn em".  

Từ nhiều năm nay, ùn tắc giao thông tại các tuyến đường Hà Nội dường như đã trở thành "thói quen" của người dân sinh sống tại Thủ đô. Tình trạng tuyến đường ưu tiên cho buýt nhanh BRT bị lấn làn diễn ra triền miên và chưa có biện pháp giải quyết khiến quá trình vận hành của xe gặp nhiều cản trở, chưa thể phát huy hết công suất, hiệu quả.

Tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ, hay nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1…, tuyến buýt nhanh BRT đều gặp phải tình trạng lấn làn như vậy.

Những tình huống nguy hiểm bất ngờ do các phương tiện cá nhân muốn vượt qua đoạn ùn tắc không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng tới tần suất xe chạy. Với làn đường ưu tiên, xe buýt BRT có thể đạt tốc độ trung bình là 60 km/h, nhưng theo phản ánh của người dân, do tình trạng giao thông tại nội thành Hà Nội, xe chỉ có thể chạy 15km/h, vào những giờ cao điểm có thể chậm hơn.

Cận cảnh hình ảnh buýt nhanh BRT "bò" giữa tuyến đường Nguyễn Trãi những ngày mưa.

Tuyến buýt nhanh BRT có nhà chờ được thiết kế không gian riêng, phương tiện tiện nghi, sức chứa lớn lên tới 90 hành khách, sàn xe và sàn nhà chờ đồng mức, giúp hành khách lên xuống xe an toàn, thuận tiện, dịch vụ bán vé và kiểm soát vé ngay tại nhà chờ giúp hành khách lên xuống xe nhanh chóng.

Tuy nhiên, do chưa được tính toán kỹ lưỡng, thêm vào đó vấn đề ý thức của nhiều người tham gia giao thông chưa có biện pháp xử lý, tuyến buýt nhanh BRT không đạt được kỳ vọng như mong đợi trong việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô.

Đáng chú ý, mới đây, Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội lại có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Hà Nội ưu tiên mở 14 làn đường dành riêng cho xe buýt. Trong khi vấn đề cũ chưa được tháo gỡ triệt để thì đề xuất mới có tính tương đồng về giải pháp không khỏi khiến nhiều người dân, chuyên gia lo lắng. Không chỉ là những công trình đã đi vào xây dựng triển khai mà ngay cả các ý kiến đề xuất cũng cần sự thận trọng để tránh gây hoang mang, mất niềm tin trong dư luận xã hội. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật