Xử lý động vật hoang dã bị tịch thu: Còn nhiều khó khăn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), loài nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, việc chăm sóc, quản lý những cá thể động vật sau khi thu giữ còn gặp nhiều khó khăn.
Xử lý động vật hoang dã bị tịch thu: Còn nhiều khó khăn
Cán bộ hạt Kiểm lâm huyện Chi Lăng chăm sóc cá thể cu ly lớn được tiếp nhận từ tháng 9/2020 trong khi chờ hướng dẫn xử lý

Xem Video: Tịch thu gần 600 kg động vật hoang dã

//

Theo số liệu từ Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2017 đến nay, lực lượng liên ngành đã bắt giữ, xử lý vi phạm hành chính 69 vụ, xử lý Hình Sự 7 vụ liên quan tới việc tàng trữ, mua bán ĐVHD (như: cầy bạc má, vượn đen má trắng, tê tê, voọc chà vá chân đen…). Điển hình như vụ thu giữ 126 cá thể cầy vòi bị mua bán, cất giữ trái phép tại xã Tri Phương, huyện Tràng Định vào tháng 6/2017.

Nhắc đến vụ việc trên, nhiều cán bộ phụ trách xử lý vụ việc không khỏi dở khóc, dở cười. Thiếu tá Nguyễn Hữu Nghị, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC05), Công an tỉnh cho biết: Sau khi thu giữ, chúng tôi đã phải chăm sóc, nuôi nhốt số động vật trên tại sân của đơn vị do trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm cứu hộ động vật. Vì điều kiện chăm sóc còn nhiều hạn chế, nên đã khiến một số cá thể bị suy yếu hoặc chết. Số còn lại chúng tôi phải nhanh chóng phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý theo quy định.

Để quản lý các mẫu ĐVHD tịch thu, nhiều quy định đã được ban hành như: Chỉ thị số 28/2016/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi làm hại các loài ĐVHD trái Pháp Luật; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31/12/2019 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu …

Tuy nhiên, việc thực hiện theo các quy định, hướng dẫn trên hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do chưa rõ ràng trong quy trình xử lý. Thậm chí, nhiều vụ việc còn chưa có tiền lệ. Đơn cử như vụ Hạt Kiểm lâm huyện Chi Lăng tiếp nhận 1 cá thể cu ly lớn (tên khoa học là Nycticebus bengalensis) do người dân giao nộp tháng 9/2020. Thực hiện theo quy định, Hạt Kiểm lâm đã đăng thông báo trên các kênh truyền thông của huyện để tìm chủ sở hữu, nhưng sau 30 ngày không có ai đến nhận. Do đó, cá thể này được xác định thuộc sở hữu toàn dân (Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017) để có căn cứ xử lý theo quy định. Liên quan đến tài sản công, hạt đã báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị Sở Tài chính hướng dẫn. Song vì còn một số vướng mắc và chưa có tiền lệ, Sở Tài chính tiếp tục gửi Công văn số 2318/STC-QLGCS&DN ngày 3/11/2020 đến Bộ Tài chính để được hướng dẫn chi tiết hơn. Đến nay, cán bộ của Hạt vẫn đang phải nuôi cá thể cu ly trên trong khi chờ Bộ Tài chính trả lời.

Ngoài những khó khăn về điều kiện chăm sóc, nuôi nhốt, thì việc bảo quản những vật chứng đã chết (thịt, da, xương, sừng động vật…) cũng đang gặp khó do thiếu kho lạnh, nếu đi thuê, mượn thì không đảm bảo điều kiện lưu giữ, có thể gây hư hỏng, ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc phân biệt nguồn gốc động vật bị thu giữ là gây nuôi hay tự nhiên, giám định xem có thuộc danh sách động vật quý, hiếm cần bảo vệ không, hay việc xác định giá trị tang vật để làm căn cứ xử phạt… cũng đều gặp phải những vướng mắc nhất định.

Trước thực tế trên, tháng 11/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất nhiều giải pháp gửi các bộ, ngành liên quan. Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết: Chúng tôi đã tham mưu về việc cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý, có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng đối với việc xử lý ĐVHD bị tịch thu trong các vụ việc nói riêng và thực thi Pháp Luật về bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nói chung. Đồng thời, đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo môi trường nuôi, nhốt, bảo quản ĐVHD sau khi tịch thu; trang bị kiến thức về động, thực vật và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh cho cán bộ công tác tại cấp địa phương…

Hy vọng rằng, những đề xuất, kiến nghị của tỉnh sẽ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, bảo tồn nguồn gen các loài động vật quý, hiếm trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật