Quảng Bình: Nhà tránh lũ – động lực vươn lên của hộ nghèo

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh Quảng Bình có 3.162 hộ nghèo nằm trong đề án đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ. Nhiều hộ nghèo đã xây dựng được nhà ở kiên cố, giảm bớt nỗi lo khi mưa lũ tới, từng bước ổn định đời sống.
Quảng Bình: Nhà tránh lũ – động lực vươn lên của hộ nghèo
Nhà tránh lũ cho hộ nghèo - giải pháp ứng phó với thiên tai ở miền Trung.

Xem Video: Quảng Trị vướng mắc trong việc hỗ trợ nhà tránh lũ

Ngôi nhà mơ ước của hộ nghèo

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Quảng Bình, sau quá trình triển khai xây dựng nhà ở phòng, chống bão lũ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hộ nghèo đã được tiếp cận nguồn vốn, có cơ hội để xây được nhà ở, đời sống thêm vững vàng, để từ đó phát triển kinh tế chăm lo gia đình.

Cụ Nguyễn Thị Cúc xúc động khi nói về sự quan tâm của Chính phủ.

Năm 2014, UBND tỉnh đã chọn xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Quảng Tiên (huyện Quảng Trạch) để đầu tư thí điểm mô hình nhà tránh bão, lũ. Gia đình cụ Nguyễn Thị Cúc (89 tuổi) tại thôn Thế Lộc, xã Tân Ninh, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng và bàn giao một căn nhà tránh lũ. Vốn hỗ trợ ban đầu là 17,5 triệu đồng và vốn vay ngân hàng chính sách 12,5 triệu đồng cùng một số vốn tích lũy được. Gia đình cụ xây cất được căn nhà 2 gác, rộng 35m2.

Gác dưới kê bàn ghế, để đồ đạc, lương thực, bát đĩa lên đó. Gác hai là nơi để mọi người quần tụ, tránh lũ, bão khi thiên tai. Không còn nỗi lo nơm nớp về con nước dữ. Ưu việt của dạng công trình được thể hiện rõ trong mùa thiên tai, lũ lụt qua các năm 2016, 2017 và 2020…

Cụ Nguyễn Thị Cúc từng xúc động: “Tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ người dân nghèo đúng lúc, đúng việc. Chứ gia đình tôi thuộc diện khó khăn, bản thân tôi lại bị tai biến thì biết khi nào mới cất được căn nhà kiên cố như này”.

Khi thí điểm thành công ở hai xã trên, Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 được UBND tỉnh Quảng Bình mở rộng triển khai tại các huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2015-2020 và linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ kinh phí. Năm 2017, hình ảnh bà Lê Chính (60 tuổi) xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh khiến chúng tôi mãi lưu tâm, sau khi ghé thăm với căn nhà nhỏ xập xệ được dùng làm quán bán đồ tạp hóa được xây gạch thẻ và vôi, với những vết nứt lớn quanh tường. Gia đình bà vẫn ở và sinh hoạt ở đấy đều đặn. Thế nhưng, khi được phê duyệt hỗ trợ xây nhà tránh lụt, bão bà lại từ chối.

“Nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng, 15 triệu đồng phải vay ngân hàng. Trong khi để xây dựng một căn nhà cần khoảng 60 triệu đồng. Tôi không dám vay vốn bởi chạy ăn từng bữa, lại nuôi thêm mẹ già, thì làm sao kiếm đủ tiền để xây nhà”, bà Lê Chính giải bày.

Năm 2018, gia đình bà được Sở Xây dựng tỉnh cho phép lồng ghép Chương trình nhà ở phòng tránh lụt bão theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg với Dự án GCF do Liên hợp quốc tài trợ, mức hỗ trợ tăng thêm khoảng 38 triệu đồng/hộ, tương đương bình quân hỗ trợ 65 triệu đồng/nhà (15 triệu đồng vay vốn chính sách). Hiện, với nhà ở kiên cố, gia đình bà Lê Chính đã vững tâm hơn trong cuộc sống.

Con trai bà, anh Lê Văn Công (32 tuổi) cho biết: “Khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm nhà tránh lũ, có cơ sở hạ tầng kiên cố rồi, tôi mới quyết tâm vào chuyện kinh doanh. Với số vốn không nhiều, tôi dùng uy tín để xây dựng cửa hàng; hiện tôi đã cung ứng dụng cụ điện, nước và bếp gas cho bà con địa phương, thu nhập đều hơn trước”.

Anh Lê Văn Công chia sẻ động lực vươn lên thoát nghèo của mình.

Giám sát chặt chẽ để công trình được đảm bảo

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Quảng Bình: Tính đến tháng 9/2020, có 3.162 hộ nghèo nằm trong đề án đã được đã cấp và phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ. Việc xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt tại địa bàn tỉnh Quảng Bình đều có sự giám sát và giúp đỡ của chính quyền địa phương.

Lãnh đạo Sở Xây dựng kiểm tra công tác thi công nhà tránh lũ.

Ông Phạm Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: Tất cả các ngôi nhà xây mới, cải tạo theo đề án đều có sàn vượt lũ đạt diện tích, kết cấu nhà bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng) theo đúng quy định.

Hầu hết các nhà được xây dựng bằng vật liệu chất lượng tốt như: Khung bê tông cốt thép hoặc khung gỗ, tường nhà xây gạch, mái lợp ngói, nền nhà láng gạch hoặc lát xi măng. Những căn nhà này góp phần tiếp thêm sức mạnh để các hộ nghèo chống đỡ với thiên tai.

Phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng nhìn nhận: Việc triển khai đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo giai đoạn 2014-2015 có bị chững lại do nguồn vốn, giai đoạn 2016-2020 được thực hiện nhanh, kịp thời giải ngân vốn. UBND các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu chủ động phối hợp thực hiện, khi có vướng mắc kịp thời xin ý kiến UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết: “Năm 2014, địa phương đã bàn giao 50 căn nhà tránh lũ. Trong năm 2016-2017, địa phương đã bàn giao 30 căn nhà tránh lũ. Các năm tiếp theo, bàn giao hơn 50 công trình tránh lũ. Đây là một giải pháp giúp người nghèo địa phương tránh lũ khi nước dâng cao”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật