Những nữ tỷ phú “chân đất” vượt khó, vượt khổ làm giàu cho quê hương

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Họ là những người phụ nữ đam mê làm giàu, tự đứng trên đôi chân của mình vượt qua những khó khăn, thử thách để rồi đi đến thành công, trở thành những nữ tỷ phú ’chân đất’...
Những nữ tỷ phú “chân đất” vượt khó, vượt khổ làm giàu cho quê hương
Chị Vũ Thị Lệ Thủy bên vườn cam chăm sóc theo hướng hữu cơ

Xem Video: 9X chia sẻ bí quyết làm giàu từ tắc kè 

Nợ nần chồng chất, cô gái 8x vẫn quyết tâm xây dựng thương hiệu cam Cao Phong 

Trước khi đến với cây cam, Vũ Thị Lệ Thủy (SN 1989, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định) từ 1 giáo viên không thuộc biên chế nhà nước thất nghiệp đã xoay chuyển đủ nghề nhưng vẫn nợ nần chồng chất. Năm 2014, cam Cao Phong được công nhận chỉ dẫn địa lý, giá cam tăng gấp 3 lần nên người dân trồng ồ ạt.

Nhưng Lệ Thủy nhận ra rằng: nếu cứ trồng ồ ạt thì cam Cao Phong lại đi theo đúng vết xe của các loại nông sản trong nước như dưa hấu, thanh long…, phát triển rầm rộ, rồi thị trường không bao tiêu được hết, hậu quả là phải đổ bỏ hoặc bán với giá rẻ mạt.

Cô tự nhủ: “Mình phải làm cái gì đó có tính lâu dài bền vững để xây dựng vào bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong”.

Trước tình hình đó, Lệ Thủy quyết định hướng đi theo quy trình sản xuất an toàn. Tháng 8/2018, Lệ Thủy quyết định tiếp tục vay vốn để thành lập hợp tác xã.

Lệ Thủy chia sẻ: “Chặng đường đầu tiên gần như chỉ có 1 mình, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và chưa có thị trường… nhiều lúc tưởng như không thể tiếp tục. Nhưng rồi nghĩ, mình mang chức danh giám đốc lẽ nào lại dễ chấp nhận thất bại?”.

Vì vậy Lệ Thủy đã quyết tâm vượt khó, vượt khổ, mặc nợ nần chồng chất vẫn thuyết phục người thân và anh em, bạn bè tiếp tục vay thêm 200 triệu đồng để đầu tư. Tháng 8/2018, HTX 3T nông sản Cao Phong được thành lập.

 Và năm 2019, 3T Farm tiêu thụ được gần 2.000 hộp cam quà tặng cho doanh thu trên 400 triệu đồng, được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị Vinmart và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.

Điểm khác biệt nhất của Cam 3T farm là quá trình chăm sóc theo hướng hữu cơ. Khi thu hoạch, trái cam được chọn lọc rất khắt khe, chỉ có khoảng 8-10% tổng sản lượng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ và chất lượng đạt tiêu chuẩn quà tặng cao cấp.
 

Tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” năm 2019,  “Cam - Quà tặng cao cấp 3T farm gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh" là 1 trong 35 dự án tiêu biểu đã được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn hỗ trợ.
 
Không chỉ làm tốt công việc của mình, Thủy còn kết nối với Câu lạc bộ doanh nhân Asean xây dựng "Cửa hàng 0 đồng" với phương châm ’Ai dư mang đến, ai thiếu mang về’ đặt tại xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và mở cửa đều dặn vào sáng chủ nhật hàng tuần, duy trì gần 2 năm nay, để hỗ trợ bà con dân tộc có cuộc sống khó khăn.
 
Thủy chia sẻ dự định, trong thời gian tới sẽ quy hoạch vùng sản xuất để làm chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ và xây dựng kho bảo quản để có thể có sản phẩm cam Cao Phong bán ra thị trường kéo dài hơn thời gian thu hoạch chính vụ.
 
Bà chủ trang trại lợn giống có doanh thu trên 23 tỷ đồng/năm

Mặc dù đã ở tuổi ngũ tuần, nhưng không ngại ngần khi bắt tay vào khởi nghiệp, Chị Nguyễn Thị Anh Đào (ở Quảng Trị) đã xây dựng trang trại sản xuất, cung cấp lợn giống.

Chị Nguyễn Thị Anh Đào bên trang trại lợn giống của mình

Tháng 4/2016, trang trại lợn giống của chị Đào ra đời, chuyên kinh doanh tổng hợp, mở rộng quy mô trang trại lợn giống công nghệ cao, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thu mua các mặt hàng nông sản và sản xuất ra tinh bột nghệ.

Đầu năm 2017, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, gia đình chị đã lắp đặt dàn máy móc hiện đại, từ máy nghiền củ nghệ, máy lọc tự động, máy sấy, máy nghiền tinh bột công suất 300 tấn củ nghệ tươi/năm, sản xuất được 3 tấn tinh bột nghệ, đã tạo việc làm cho 8 công nhân, đem lại thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm củ nghệ tươi cho bà con nông dân trên địa bàn toàn huyện, ưu tiên phụ nữ Vân Kiều xã miền núi Vĩnh Ô, phụ nữ thị trấn Hồ Xá. Năm 2018 sản phẩm tinh bột nghệ của công ty được vinh danh thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO9001:2015, được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Trị năm 2019.

Với trang trại lợn diện tích 1ha có quy mô khép kính, 4 dãy chuồng lạnh, 200 lợn nái mẹ, mỗi năm cung cấp gần 10.000 con lợn giống chất lượng cao cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và trang trại của gia đình đem lại doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, thu nhập 1,5 tỷ/năm.

Hiện tại, trang trại đang được xử lý môi trường bằng “Công nghệ sinh học”, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Mỗi năm xuất chuồng tối thiểu 9 đợt, sản lượng 250 tấn. Hai trang trại lợn nái và lợn thịt của Công ty cho doanh thu hàng năm trên 23 tỷ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Công ty đã tạo công ăn việc làm cho 16 lao động thường xuyên trên địa bàn, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng và 5 lao động theo thời vụ với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở đó, để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường và phục vụ phân bón cho bà con nông dân phát triển trồng cây nông sản, chị đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất phân lợn thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Người phụ nữ "biến" rác thành tiền

Từng bị nhiều người nói là “điên khùng”, “không bình thường”... vì chẳng có bằng cấp, học hàm, học vị gì mà đua đòi đi nghiên cứu với thử nghiệm. Thế nhưng, chị Trịnh Thị Hồng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã bỏ qua tất cả, miệt mài theo đuổi ước mơ và đam mê của mình.

Chị Trịnh Thị Hồng cùng đứa con tinh thần “Chế phẩm sinh học đa dụng”

“Vào khoảng cuối năm 2011, khi xe vận chuyển rác thải của khu vực nơi tôi đang sống bị hỏng 4 ngày không chuyên chở rác được, nên rác thải hữu cơ bị phân hủy, gây mùi hôi ô nhiễm môi trường. Thế là tôi chợt nghĩ: "Liệu có thể tái chế rác thải, biến rác thải thành tiền được không?”, chị Hồng chia sẻ.

Thế rồi vào đầu năm 2012, chị Hồng tham gia đoàn đại biểu phụ nữ TP Đà Nẵng sang Philippines dự Hội thảo “Phát triển cộng đồng nghèo châu Á”. Tại đây, chị đặc biệt tâm đắc với phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường của người Nhật Bản. Vậy là những ngày ở Philipines, chị tìm mọi cách tiếp cận đoàn đại biểu Nhật Bản để tìm hiểu kỹ phương pháp này.

Trở về nước, chị bắt tay vào thử nghiệm phương pháp ủ rác thải thực vật thành chế phẩm nước rửa chén. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách khá dài. Thử nghiệm, thất bại, rồi lại thử nghiệm và lại thất bại... Mất 5 năm ròng rã, sau hàng trăm lần thất bại, cuối cùng chị đã thành công. 

Chị Hồng kể: “Có những thời điểm tôi ăn cùng rác, thức cùng rác, ngủ cũng cùng rác. Thời gian đầu chưa hiểu, chồng con đều phản đối kịch liệt việc tôi làm. Sau này, cả hai lại là người ủng hộ, động viên nhiều nhất những khi tôi thất bại”.

Công thức chế biến rác thành dung dịch tẩy rửa với nguyên liệu ban đầu gồm 3kg rác thực vật (lá cây, rau, củ, quả...), đem rửa sạch, cắt ngắn khoảng 3cm kết hợp với 10kg nước lã và 300gam đường tinh bột trộn đều và ủ trong thùng kín 30 ngày. Kết thúc công đoạn này sẽ thu được thứ dung dịch thô màu vàng, có thể dùng được ngay. Tuy nhiên, dung dịch có nhược điểm: Mùi hôi khó chịu. Để khử mùi hôi và tạo màu, chị Hồng đem ủ thêm 45 ngày với các chế phẩm có màu như cà tím, nghệ tinh bột để cho ra dung dịch rửa chén và lau nhà hoàn hảo.

Và khi đứa con tinh thần “Chế phẩm sinh học đa dụng” không chỉ mang lại thành công cho chị mà còn là “cứu cánh” của nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước, lúc này chị lại được gọi với cái tên trìu mến “Hồng rác thải”.

Từ dung dịch thô thu được sau 30 ngày ủ của các hộ, công ty của chị bao tiêu với giá 3.000 đồng/lít. 

Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Minh Hồng giải quyết việc làm bán thời gian cho 132 hộ nghèo tại nhà với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Thu gom, xử lý 94.000kg rác hữu cơ tại cộng đồng/tháng để sản xuất 59.200 lít sản phẩm các loại, đạt doanh thu gần 1,5 tỷ/tháng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật