Kinh tế Trung Quốc sau đại dịch

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,9% trong quý 3 năm nay, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và so với mức tăng trưởng 3,2% trong quý trước - theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 19/10.
Kinh tế Trung Quốc sau đại dịch
Một dây chuyền sản xuất nước ngọt đóng chai tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tăng trưởng trở lại

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi mạnh mẽ sau khi thu hẹp 6,8% trong 3 tháng đầu tiên của năm 2020 – mức giảm lần đầu tiên kể từ năm 1976 – do lệnh phong tỏa mà chính quyền nước này áp dụng nhằm ngăn chặn đà lây lan của đại dịch do virus corona chủng mới gây ra.

Đà tăng trưởng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc trong quý 3 ở dưới mức kỳ vọng 5,5% như chuyên trang Bloomberg đưa ra trước đó.

“Đà tăng trưởng theo năm đã tăng so với mức 3,2% trong quý 2, điều này cho thấy đà phục hồi kinh tế sau Covid-19 đang tiếp diễn, nhờ vào các khoản đầu tư và xuất khẩu. Nhưng đà tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn so với dự báo 5,3% của chúng tôi. Điều này phản ánh đà tăng trưởng đang chậm dần của các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiêu dùng”, Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế châu Á thuộc Hãng phân tích Oxford Economics, nhận định.

Theo một con số khác mà NBS công bố trong hôm đầu tuần, sản lượng công nghiệp – thước đo hoạt động ngành sản xuất, khai khoáng và lĩnh vực tiện ích – đã tăng trưởng 6,9% trong tháng 9 vừa qua, so với năm ngoái. Con số này cao hơn so với mức dự báo 5,8% mà Bloomberg đưa ra.

Doanh số bán lẻ, một thước đo quan trọng sức mua của người dân ở thị trường đông dân nhất thế giới, đã tăng 3,3%, từ mức chỉ 0,5% trong tháng 8, và tăng mạnh so với dự báo 1,7% mà Bloomberg đưa ra.

Đà tăng trưởng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua bắt đầu tăng trở lại, khi mà người tiêu dùng bắt đầu tăng chi tiêu.

Với động lực như vậy, hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc cũng tăng 13,2% trong tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu lên con số cao kỷ lục là 203 tỷ USD.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị ở mức 5,4% trong tháng 9. Con số này giảm nhẹ so với mức 5,6% trong tháng 8 và mức đỉnh là 6,2% trong tháng 2 năm nay.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tạo ra 9 triệu việc làm ở đô thị trong năm 2020, so với 11 triệu trong năm ngoái, và duy trì kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị ở dưới 6%, cao hơn tỷ lệ mục tiêu 5,5% trong năm ngoái. Năm 2019, Trung Quốc đã tạo được 13,52 triệu việc làm mới ở các đô thị.

Tuy nhiên, mặc dù con số mà NBS công bố là tín hiệu đáng mừng, nhưng giới phân tích lại cho rằng nó chưa đánh giá được bức tranh việc làm tổng thể ở Trung Quốc bởi không tính tới nhóm lao động nước ngoài.

Tiêu dùng trong nước được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích.

Những con số dự báo

Tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xác nhận rằng Trung Quốc sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, nâng lên từ mức dự báo chỉ 0,9% đưa ra trong tháng 6. Như vậy, Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G20 được dự báo tăng trưởng trong năm nay.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của IMF ước tính rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp còn khoảng 4,4% trong năm nay – thấp hơn so với dự báo 4,9% đưa ra trong tháng 6, trong khi đà tăng trưởng trong năm 2021 được dự báo sẽ ở mức 5,2%.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của IMF ước tính rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp khoảng 4,4% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo 4,9% đưa ra trong tháng 6, trong khi đà tăng trưởng trong năm 2021 được dự báo sẽ ở mức 5,2%.

Chủ nhật tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc Yi Gang nói rằng nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay. “Tôi cho rằng đà tăng trưởng tích lũy trong 3 quý đầu năm nay sẽ là dương… Còn đối với cả năm, chúng tôi dự báo đà tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào khoảng 2%”, ông Yi Gang nói.

Liên quan tới các chỉ số sản lượng công nghiệp trong tháng 9, sản lượng ngành khai khoáng của Trung Quốc đã tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành sản xuất tăng 7,6%, trong khi lĩnh vực tiện ích tăng 4,5%.

Còn về chỉ số đầu tư vào tài sản cố định, khoản đầu tư vào ngành sản xuất ở Trung Quốc đã tăng 6,5% trong 9 tháng của năm 2020, trong khi khoản đầu tư vào phát triển nhà ở tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng GDP theo quý sẽ tiếp tục giảm trong quý 4, do động lực đầu tư giảm vì đà tăng trưởng tín dụng giảm”, ông Kuijs nói.

“Tiêu dùng hộ gia đình sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 4 năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái, và trở thành một động lực tăng trưởng quan trong năm tới. Những chỉ số không đạt kỳ vọng trong quý 3 đã khiến chúng tôi giảm mức dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2020 từ 2,3% xuống 2%. Còn mức tăng trưởng GDP trong năm 2021 vẫn giữ nguyên ở mức 7,6%”, ông Kuijs nói thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật