Truyền thông thế giới ngợi ca hình mẫu chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo bài viết trên trang Asia Times, người dân luôn tin tưởng Việt Nam sẽ chăm lo cuộc sống và đưa đất nước thoát khỏi mọi cuộc khủng hoảng. Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức có bài viết đánh giá cao công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Việt Nam
Truyền thông thế giới ngợi ca hình mẫu chống dịch Covid-19 của Việt Nam
Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân có tính kỷ luật cao, chấp hành tốt mọi quy định đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho Việt Nam thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19

Xem Video: Truyền thông thế giới ngợi ca hình mẫu chống dịch Covid-19 của Việt Nam

Niềm tin của nhân dân

Trên trang Asia Times có bài viết nhận định, không quá lời khi nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong việc xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Vào cuối tháng 7, khi “làn sóng” dịch lần thứ hai bùng phát tại Việt Nam, nhiều người đã “nín thở” chờ xem liệu Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào khi virus SARS-CoV-2 quay trở lại.

Và chỉ trong vòng 3 tháng, Việt Nam đã một lần nữa “san phẳng đường cong” Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc chặn đứng “làn sóng” Covid-19 lần thứ hai. Trong khi nhiều nước vẫn đang phải vật lộn để kiểm soát tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng, Việt Nam đã có thể phục hồi sau khủng hoảng.

Câu chuyện thành công của Việt Nam nhờ vào việc đóng cửa và phong tỏa hiệu quả, nghiêm túc chấp hành quy định đeo khẩu trang, tích cực truy vết nguồn lây và tuyên truyền rõ ràng cho người dân về các nguy cơ. Tất cả những biện pháp này được thực hiện hiệu quả nhờ sự tín nhiệm cao dành cho cả hệ thống chính trị Việt Nam. Theo bài viết, người dân luôn tin tưởng Việt Nam sẽ chăm lo cuộc sống và đưa đất nước thoát khỏi mọi cuộc khủng hoảng.

Bài viết khẳng định sự tin tưởng cao của công chúng đã tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam ngăn chặn dịch Covid-19. Sự tuân thủ xã hội, đặc biệt là khi giải quyết những thiệt hại về kinh tế, áp dụng giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp phòng vệ, đã được duy trì liên tục trong cuộc chiến chống dịch.

Theo bài viết, sở dĩ người dân đặt trọn niềm tin là bởi những ký ức sống động về cách thức Việt Nam dẫn dắt đất nước thoát khỏi khó khăn, cũng như thực tế liên tục nỗ lực mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề của đất nước. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này liên tục đạt mức cao trong những thập kỷ qua.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm không chỉ là những con số ấn tượng, mà còn là việc Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là việc Việt Nam vượt qua 2 cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và sự bùng phát dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS). Những thành tích này càng củng cố lòng tin của nhân dân trong những thời điểm khó khăn.

Hiện truyền thông Việt Nam luôn đưa tin minh bạch các vấn đề liên quan đến tham nhũng, môi trường, giáo dục, kinh tế và đối ngoại. Những vấn đề này thậm chí còn được công khai tranh luận tại Quốc hội và được phát trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bài viết kết luận chính niềm tin của nhân dân đã tạo cơ hội để Việt Nam đề ra đường lối, quyết sách hợp lý nhằm ứng phó với đại dịch một cách hiệu quả.

Hình mẫu Việt Nam

Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức có bài viết đánh giá cho rằng Đức nên nhìn sang Việt Nam để thấy hiệu quả trong nỗ lực phòng chống dịch khi Việt Nam hầu như đã quét sạch dịch Covid-19. Bài báo thực hiện phân tích mô hình chống dịch của các quốc gia phát triển với những nước nghèo và đang phát triển, cũng như những khác biệt trong hệ thống chính trị của các nước đối với hiệu quả phòng chống dịch.

Bài báo dẫn đánh giá của các chuyên gia cho biết, những nước nghèo đã thành công hơn trong việc phòng chống Covid-19 so với những nước giàu có, như Mỹ, đồng thời nhận định sức sáng tạo và hiệu quả mới là điều quan trọng. Theo bài báo, chưa thể xác thực ý tưởng cho rằng các nước phát triển có thể đối phó tốt hơn với đại dịch nhờ vào các thể chế vận hành tốt, nguồn tài chính dồi dào và mặt bằng giáo dục cao. Trong khi số trường hợp mắc bệnh đang gia tăng ở hầu hết các nước châu Âu và một số bang của Mỹ, thì các nước châu Phi lại ghi nhận mức gia tăng thấp nhất trong nhiều tuần.

Việt Nam, Mông Cổ và Thái Lan hầu như đã quét sạch virus ở những nước này. Ý tưởng xét nghiệm gộp mẫu (Pool-Test), trong đó một phần các mẫu được lấy để gộp vào làm xét nghiệm trong khi phần còn lại được bảo quản để xét nghiệm lại nếu kết quả mẫu gộp dương tính, cho phép xét nghiệm nhiều người để kịp thời cách ly các trường hợp bị nhiễm và đặc biệt hiệu quả với những nước hạn chế về năng lực xét nghiệm. Bài báo dẫn các đánh giá cho rằng Đức nên nhìn sang Việt Nam để thấy hiệu quả trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Trong khi nước Đức đã ghi nhận gần 10.000 ca t‌ử von‌g vì Covid-19 thì Việt Nam - đến nay con số là rất nhỏ.

Những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore hay Hàn Quốc đã kiểm soát dịch tốt. Chính phủ các nước sớm có hành động nghiêm túc trước mối đe dọa của đại dịch và thông tin về nguy cơ này thường có lợi thế trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngoài ra, kinh nghiệm chống các đại dịch, như Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003, cũng là yếu tố thuận lợi cho các nước trong xử lý dịch. Đó cũng là lý do giúp Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á khống chế tốt dịch bệnh.

Theo một bài báo khác của FAZ số ra cùng ngày, các nước như Việt Nam, Thái Lan và Singapore hầu như không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Những nước này đã gặt hái thành công trước hết với việc đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội. Đến hiện nay, việc qua lại biên giới ở những nước này vẫn rất hạn chế, trừ những trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng tác động tới nền kinh tế các nước trong khu vực, đặc biệt với Thái Lan và Singapore. Với Việt Nam thì vấn đề khả quan hơn. Bất chấp việc áp đặt những biện pháp ngặt nghèo để chống dịch, Việt Nam vẫn kỳ vọng đạt mức tăng trưởng trên 2% trong năm nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật