Chuyện của Hiếu, xin đừng suy nghĩ bằng… trái tim

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi tin, một cậu học sinh không quản ngại gian khó, sẵn sàng 10 năm cõng bạn chắc chắn phải là người giàu đức hy sinh. Một chàng trai như thế rất khó để nhận những gì không thuộc về mình.
Chuyện của Hiếu, xin đừng suy nghĩ bằng… trái tim
Hình ảnh Ngô Minh Hiếu cõng Nguyễn Tất Minh gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. Ảnh: TL

Xem Video: Thiếu 0,25 điểm, cậu học trò 10 năm cõng bạn dang dở ước nguyện trường Y

//

Cuối cùng thì câu chuyện cổ tích về hành trình 10 năm cõng bạn đến trường của Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh ở Triệu Sơn, Thanh Hóa đã không đi đến một kết thúc có hậu. Hiếu thiếu 0,25 điểm để có thể thỏa ước mơ trở thành sinh viên Đại học Y Hà Nội.

28,65 điểm (bao gồm cả điểm ưu tiên) là một điểm số khá cao nhưng chừng ấy là chưa đủ để Hiếu đạt được mục tiêu. Ngay sau khi biết tin trượt Đại học Y Hà Nội, Hiếu khá buồn. Người bạn thân 10 năm đi trên đôi chân của Hiếu tới trường là Nguyễn Tất Minh (đạt 28,1 điểm và đã đậu vào ĐH Bách khoa Hà Nội) lập tức chia sẻ trên trang Facebook cá nhân đường link một bài có cái tít đầy nuối tiếc: “Nam sinh 10 năm cõng bạn đến trường thiếu 0,25 điểm vào ĐH Y Hà Nội, đôi bạn tạm thời chia xa”. Hiếu buồn, Minh buồn, và rất nhiều người dõi theo bước chân của đôi bạn kỳ diệu này đều buồn và nuối tiếc.

Là bởi suốt nhiều tháng qua, chuyện 2 bạn cõng nhau tới trường đều đạt trên 28 điểm tại kỳ thi THPT quốc gia đã trở thành một biểu tượng về sống đẹp có sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng. Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh (học sinh trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa) trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020.

Cùng với việc bày tỏ sự tiếc nuối cho Hiếu, cộng đồng mạng đã đồng loạt kêu gọi xét đặc cách cho em đỗ vào Đại học Y Hà Nội. Nhiều người thậm chí đã viết tâm thư gửi Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo những mong có một “phép màu” nào đó cho chàng trai xứ Thanh giàu lòng nhân ái.

Nhưng rất nhanh, trong ngày 6/10, GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã trả lời dứt khoát rằng, cho dù Hiếu làm một việc rất tốt là 10 năm cõng bạn đến trường, được cộng đồng xã hội đánh giá cao nhưng khoảng cách 0,25 điểm là khoảng cách của hàng chục thí sinh. GS Văn khuyên Hiếu chấp nhận kết quả, tuân thủ đúng quy chế tuyển sinh và không nên mong chờ một sự ưu tiên cá biệt cho mình.

Động thái nhanh, kịp thời của người đứng đầu Trường Đại học Y Hà Nội nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Bởi lẽ giáo dục luôn hướng đến sự nhân văn nhưng đồng thời cũng luôn đề cao sự công bằng. Nhất là trong các kỳ thi sự công bằng, khách quan luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

0,25 điểm có thể chỉ là ranh giới mong manh giữa đậu và trượt nhưng nó là khoảng cách đủ để phân định, sàng lọc ở một cuộc thi. Đặc cách cho Hiếu sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho những kỳ thi tiếp theo và sẽ bất công cho nhiều thí sinh khác có mức điểm như em hoặc cao hơn em.

Khi kêu gọi đặc cách cho Hiếu, tôi tin, nhiều người trong số chúng ta không có mong muốn gì hơn là để câu chuyện cổ tích giữa đời thường có kết thúc đẹp. Hiếu được thỏa ước mơ trở thành sinh viên của một trong những trường đại học danh giá nhất Việt Nam và có cơ hội được ở gần Minh để tình bạn “cổ tích” này tiếp tục được viết thêm những trang mới. Nhưng liệu đã có ai tìm hiểu xem Hiếu có thích, có muốn được “đặc cách” đỗ vào Đại học Y Hà Nội hay không?

Tôi tin, một cậu học sinh không quản ngại gian khó, từng sẵn sàng cõng bạn 10 năm tới trường chắc chắn phải là người giàu đức hy sinh. Một chàng trai như thế rất khó để nhận những gì không thuộc về mình. Nói cách khác, những người như Hiếu thường rất tự trọng. Em sẽ không thể thoải mái bước vào cổng trường Đại học Y Hà Nội bằng tâm thế của một người được đặc cách, được ưu tiên. Học cách chấp nhận “luật chơi” ngay từ một kỳ thi quan trọng đầu đời thiết nghĩ cũng là một bài học cuộc sống đầy ý nghĩa đối với những học sinh như Hiếu.

Cũng trong chiều 6/10, Trường Đại học Y Thái Bình (nơi Ngô Văn Hiếu đỗ nguyện vọng 2) thông qua Cục Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) đã có ý kiến chính thức về trường hợp của em. Theo đó, trường y quê lúa sẵn sàng miễn học phí trong suốt thời gian Hiếu theo học tại trường và tạo điều kiện tốt nhất để em theo đuổi ước mơ trở thành bác sỹ trong tương lai. Và cũng ngay trong tối 6/10, Ngô Văn Hiếu cho biết, em đã quyết định trở thành sinh viên của Đại học Y Thái Bình, chỉ buồn là phải xa Minh. Hiếu cho biết thêm, em rất bất ngờ khi trên mạng xã hội lan truyền các ý kiến mong muốn trường Đại học Y Hà Nội đặc cách cho em. Nhưng dù được đặc cách em cũng xin từ chối. Nếu ai cũng đưa ra những lý do như mình để xem xét thì sẽ trở thành câu chuyện xin - cho, sẽ làm mất đi truyền thống của nhà trường.

Trước đó, GS.TS Tạ Thành Văn cũng khuyên Hiếu sau này nếu nỗ lực, cố gắng em hoàn toàn có thể thi, học bác sỹ Nội trú tại Đại học Y Hà Nội. Nghĩa là cánh cửa để đến với Đại học Y Hà Nội, ngôi trường mơ ước của Hiếu vẫn còn rộng mở.

Sáng 7/10, nói như một bác sỹ từng là cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội thì: “Đến giờ như thế là toàn vẹn rồi, không còn gì phải suy nghĩ nữa. Với nghị lực của mình, tiếp tục phát huy, tôi nghĩ em học ở đâu sau này cũng là bác sỹ tốt cả”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật